Chuyên gia NATO vạch điểm yếu lớn nhất
Ngay từ trước khi lên nắm quyền chứ không phải là thời điểm hiện nay, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã liên tục nói rằng, các đồng minh của Hoa Kỳ trong Liên minh NATO nên chi ngân sách nhiều hơn cho quốc phòng, The Wall Street Journal lưu ý.
Nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies, viết tắt: CSIS) là ông Jeffrey Ratke cho rằng, việc sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách hợp lý là điều quan trọng hơn nhiều.
Theo ông Ratke, kể từ năm 2013, Nga đã tiến hành một số cuộc tập trận lớn, thể hiện khả năng nhanh chóng di chuyển khối lượng quân khổng lồ tới biên giới của NATO và EU. Theo Ratke, điểm mạnh nhất của Nga lại chính là nhược điểm chính trong chiến lược của NATO.
Trong trường hợp cần ngăn chặn sự xâm lăng của Nga, các thành viên liên minh triển khai cái gọi là lực lượng yểm hộ ở các nước Baltic và Ba Lan, cũng như vùng Biển Đen. Nhưng lực lượng này quá nhỏ và sẽ không hiệu quả, nếu NATO không thể nhanh chóng chuyển viện trợ lớn cho khu vực.
Tác giả nhắc nhở rằng, cựu chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Châu Âu, Trung tướng Ben Hodges thường xuyên nêu vấn đề về nhu cầu triển khai "đội quân Schengen" (tức là trao cho Quân đội NATO quy chế đặc biệt, có thể đi lại tự do giữa các nước châu Âu).
Chuyên gia Ratke ủng hộ sáng kiến đó, vì điều này sẽ loại bỏ các trở ngại quan liêu khi quân đội NATO di chuyển qua biên giới các nước, nhưng theo ông, đây vẫn chưa phải là vấn đề lớn nhất, mà khả năng cơ động mới là điểm yếu chính của Quân đội NATO.
Điều tồi tệ nhất ở Quân đội NATO đang triển khai ở châu Âu là khả năng nhanh chóng vận chuyển trang thiết bị quân sự và binh lính với số lượng lớn đến các khu vực tác chiến trong thời gian nhanh nhất.
Để làm điều này, NATO không có đủ dịch vụ hậu cần và cơ sở hạ tầng. "Chi hàng tỷ dollars cho xe tăng và xe thiết giáp không có ý nghĩa gì, khi mà không có phương tiện kịp thời vận chuyển chúng đến điểm nóng" - chuyên gia Ratke nhấn mạnh.
Chuyên gia Ratke kết luận rằng, "NATO tập trung vào tính cơ động và triển khai nhanh chóng, chứ không chỉ chăm chăm đáp ứng nhu cầu mua sắm vũ khí, chỉ làm tốt điều đó, NATO mới có thể tăng cường phòng thủ tập thể".
Trang bị cơ động, vận chuyển quân của NATO quá yếu kém
Các quan chức quân sự NATO đã từng nhiều lần chỉ trích thậm tệ tình trạng quân đội nhiều nước thành viên chủ chốt của liên minh “thiếu kinh phí kinh niên” và “thiếu hụt vũ khí trang bị trầm trọng”, thậm chí các trang bị sẵn có cũng không ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Hồi tháng 9.2017, một báo cáo quân sự rò rỉ trên tờ Politico cho thấy, Lầu Năm Góc thừa nhận Lữ đoàn dù mạnh nhất của Mỹ ở châu Âu - một lực lượng có khả năng cơ động cao nhất của các Quân đội, sẽ không thể chống lại được lực lượng tương tự của Nga.
Politico nhận định, mặc dù Lữ 173 đã thu được không ít kinh nghiệm tác chiến thực tế tại những chiến trường có mức độ khốc liệt cao như Iraq và Afghanistan; nhưng về cơ bản, các chiến trường này có phạm vi hẹp, đối phương không có không quân và những thiết bị công nghệ cao.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu phải đối phó với đối thủ có tiềm lực quân sự mạnh như Nga, trong một không gian chiến trường rộng, thì lữ đoàn này đang “thiếu những khả năng quan trọng, cần thiết nhất cho việc thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả, với tốc độ phản ứng nhanh”.
Quân đội NATO sẽ nhanh chóng bị Nga đánh bại?
Cụ thể là lực lượng của họ thiếu khả năng bảo vệ trước sự tấn công của lực lượng địch khi đang nhảy dù; các xe tăng, thiết giáp Lữ đoàn này cũng vô số lần “rơi tự do” khi được thả dù xuống mặt đất; xe thiết giáp Humvees “quá mong manh” trước các loại mìn và các xe chiến đấu của Nga; khả năng tác chiến điện tử của Lữ đoàn cũng kém; trạng thái sẵn sàng chiến đấu của nó cũng không cao.
Lữ đoàn đổ bộ đường không số 173 của Quân đội Hoa Kỳ hiện đang đóng quân tại Vicenza-Italia. Với nhiệm vụ triển khai tác chiến ở châu Âu, lữ đoàn này được coi là đội quân tiên phong của Mỹ-NATO trong đối đầu với Nga; là “cánh cửa thép” bảo vệ châu Âu nếu Nga động binh.
Thế nhưng, với những yếu kém như trên, nếu có chiến tranh, lữ đoàn này có thể bị Nga tiêu diệt khi nó còn chưa kịp triển khai tới mặt trận.
Trước đó, hồi tháng 2.2016, bản báo cáo của các chuyên viên NATO đưa ra cảnh báo, kết quả kiểm tra cho thấy, trong 31 trực thăng Tiger của Bundeswehr (Quân đội Đức) chỉ có 10 chiếc sẵn sàng để sử dụng, còn khi khảo sát 406 xe thiết giáp Marder thì chỉ có 280 xe có khả năng hoạt động ngay lập tức.
Đối với Quân đội Hoàng gia Anh, khả năng triển khai quân của quân đội nước này rất “có vấn đề”, ngay cả việc đưa một lữ đoàn chứ chưa nói đến một sư đoàn vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu đáng tin cậy cũng sẽ là một thách thức rất nghiêm trọng.
Quân đội các nước châu Âu trong NATO cũng đang thiếu nghiêm trọng các máy bay vận tải hạng nặng để vận chuyển xe tăng, thiết giáp và binh lính đến các khu vực tác chiến, trong khi Nga có thể bốc vài sư đoàn và trang bị nặng đến khu vực tác chiến cách hàng chục ngàn dặm trong vòng 3 ngày.
Do đó, các chuyên gia của liên minh này đã cảnh báo rằng, nếu có chiến tranh xảy ra, Quân đội NATO sẽ nhanh chóng thất bại, không thể ngăn chặn một “cuộc tấn công” của Nga vào Baltic và các nước châu Âu.
Toàn Thắng (Báo Đất Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.