Chuyên gia khuyến nông chia sẻ cách nuôi một loài "đại bổ" kết hợp trồng lúa hữu cơ, cho thu nhập hấp dẫn

Đặng Xuân Trường Thứ ba, ngày 03/12/2024 09:11 AM (GMT+7)
Nuôi rươi kết hợp với trồng lúa giúp đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải tạo môi trường. Ngoài lợi nhuận thu được từ rươi, gạo từ lúa trong ruộng lúa cũng được thị trường rất ưa chuộng.
Bình luận 0

Ở Việt Nam, con rươi phân bố ở hầu hết các vùng cửa sông từ Bắc đến Nam và tại những vùng nước lợ có chế độ thủy triều lên xuống và có độ muối thấp. Chúng phân bố nhiều ở các tỉnh Hải Dương, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau... Sinh cảnh sống của rươi thường ở vùng cao triều trong ruộng lúa, ruộng cói...

Chuyên gia khuyến nông chia sẻ cách nuôi một loài "đại bổ" kết hợp trồng lúa hữu cơ, cho thu nhập hấp dẫn - Ảnh 1.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hiển (trú tại TDP 2, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) kiểm tra mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi. Ảnh: PV

Rươi sống ở vùng cửa sông ven biển, nơi chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều. Chúng thường sống vùi dưới đáy hay ẩn mình trong bùn trong suốt quá trình sinh trưởng, thường gặp ở vùng nước lợ cửa sông, rạch hay đồng bằng ven biển. Trong môi trường nước ngoài tự nhiên, rươi vận động gần bề mặt đáy, lúc này các chi bên hoạt động như các vây bơi. 

Rươi ít di chuyển từ nơi này sang nơi khác và thường bị tác động rất nhiều của chế độ thủy triều. Chúng chỉ xuất hiện nổi lên mặt nước vào một số ngày nhất định trong năm. Trong một năm có 2 vụ thu hoạch rươi (thời gian rươi xuất hiện nổi lên mặt nước) khoảng từ tháng 4-6 âm lịch và tháng 9-11 âm lịch.

Thức ăn của rươi chủ yếu là mùn bã hữu cơ, xác động thực vật chết và các sinh vật phù du. Do vậy, ngoài giá trị về thực phẩm (dinh dưỡng), con rươi còn có giá trị về sinh thái như khả năng làm sạch môi trường, hạn chế ô nhiễm hữu cơ và làm thông thoáng cho các vùng đất ngập nước nơi chúng sinh sống.

Nuôi rươi kết hợp với trồng lúa sẽ giúp đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải tạo môi trường. Ngoài lợi nhuận cao thu được từ con rươi, sản phẩm gạo từ lúa trong ruộng lúa cũng được thị trường rất ưa chuộng. Do đó, mô hình nuôi rươi kết hợp trồng lúa cho lợi nhuận hơn nhiều lần so với mô hình đơn.

Chuyên gia khuyến nông chia sẻ cách nuôi một loài "đại bổ" kết hợp trồng lúa hữu cơ, cho thu nhập hấp dẫn - Ảnh 2.

Con rươi cần môi trường sống rất sạch, do đó khi trồng lúa kết hợp nuôi rươi thì không thể can thiệp các loại thuốc hóa học, điều này giúp cải tạo tốt môi trường sinh thái tại địa phương, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn. Ảnh: PV

Kỹ thuật canh tác rươi kết hợp sản xuất lúa hữu cơ như sau:

1. Tiêu chuẩn lựa chọn vị trí

Đầm (ruộng) nuôi rươi phải nằm ở các vùng nước lợ ven cửa sông có nước thủy triều ra vào. Không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước thải của khu vực dân cư hoặc các khu công nghiệp; không có nguồn nước ngọt đổ trực tiếp vào đầm (ruộng) nuôi rươi.

Chất đáy nơi rươi sống thường là bùn cát, thuộc các kênh mương, ruộng lúa, ruộng cói thuộc khu vực bãi triều cửa sông, nơi chịu tác động trực tiếp của thủy triều. Hàng tháng khi đến kỳ nước thủy triều, nước dâng lên mang theo lượng phù sa và mùn bã hữu cơ đến làm thức ăn cho rươi. Sinh cảnh sống của rươi phụ thuộc vào chế độ thủy triều (lúc thì ngập nước lúc thì khô hạn).

Nguồn nước cấp vào cần đảm bảo yêu cầu sau: pH = 7-8; Hàm lượng oxy hòa tan: 5-6 mg/l; Ðê kiềm: 80-120mg CaC03/l; NH3 < O,l mg/l; Ðộ mặn: từ 0 - 5 ‰, Ðộ trong > 10cm; Nhiệt độ: 25-31 độ C.

Đất xây dựng đầm (ruộng) nuôi rươi nên là đất thịt hoặc đất thịt pha cát có độ kết dính tốt; pH ≥ 5. Tránh nơi đất cát, đất than bùn, chứa mùn bã hữu cỡ làm ao dễ sạt lở, không giữ được nước hoặc nơi đất chua phèn pH nước ao giảm thấp.

2. Thiết kế đầm, ruộng canh tác rươi

Ðầm (ruộng) canh tác (nuôi) rươi có diện tích tối thiểu nên từ 2.000 m2 trở lên; tùy theo từng vị trí mà thiết kế hệ thống bờ, cống cho phù hợp.

Bờ chiều cao từ 1,0 – 1,5 m (cao hơn mức triều cường ít nhất từ 0,3 – 0,5m) chiều rộng chân đáy 1,5 – 3 m; mặt bờ rộng 1 -1,5 m (để có thể thiết kế được rào chắn đồng thời có chỗ đi lại chăm sóc quản lý). Độ dốc mái bờ tùy thuộc vào kết cấu đất, có thể phủ bạt mái bờ để hạn chế hiện tượng xói lở và xì phèn của bờ đầm, ruộng.

Ðáy đầm (ruộng) phải bằng phẳng, dốc về phía cống thu hoạch đảm bảo khi tháo phải róc nước. Nên thiết kế một hệ thống mương nhỏ trong đầm (ruộng) để giúp cho việc cấp và thoát nước được thuận lợi.

Cống gồm có cống lấy nước vào và cống thu hoạch. Nếu quy mô nhỏ thì có thể kết hợp 2 cống này thành một.

Chuyên gia khuyến nông chia sẻ cách nuôi một loài "đại bổ" kết hợp trồng lúa hữu cơ, cho thu nhập hấp dẫn - Ảnh 3.

Gia đình chị Trần Thị Nghĩa, xóm 11, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) trồng 1 vụ lúa kết hợp nuôi 1 vụ cáy, 1 vụ rươi. Theo đó, lúa gia đình chị thu hoạch vào tháng 5 âm lịch, cáy thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, rươi thu hoạch từ tháng 10, 11 âm lịch.

3. Chuẩn bị đầm, ruộng canh tác (nuôi) rươi

Do đặc điểm của rươi là ưa thích sống trong ruộng lúa (đất trồng lúa có độ tơi xốp giúp rươi di chuyển, kiếm ăn được thuận lợi); sau khi gặt lúa, gốc rạ để lại tạo ra một lượng mùn bã đáng kể làm thức ăn cho rươi. Do vậy việc chuẩn bị đầm nuôi rươi là khâu quan trọng ảnh hưởng đến năng suất nuôi; có quan hệ mật thiết với mùa vụ cấy lúa.

Nên cải tạo đầm (ruộng) nuôi vào những ngày nước kém để tránh nước đục trong đầm chảy ra mang theo mùn bã hữu cơ (thức ăn của rươi). Cách cải tạo như sau:

- Tháo cạn đầm, bắt và diệt hết các loại cá, tôm, cua, cáy là địch hại của rươi.

- Phát quang bờ bụi xung quanh đầm, dọn bớt các bụi cỏ dưới đáy đầm (cỏ lăn, cỏ lác,...)

- Kiểm tra và tu sửa cống (nếu cần).

- Xúc tạp: Sục bùn hoặc cày bừa ở đáy đầm (ruộng) khoảng 20 cm, loại bỏ rác thân cây... chưa phân hủy (gốc rạ để làm tơi xốp đất), lấp chỗ trũng (san lấp cho bằng phẳng, thoát hết nước, làm rãnh hướng về cửa cống). Lưu ý: Nước cấp vào đầm (ruộng) phải được lọc qua lưới để hạn chế địch hại.

- Thau rửa đáy ao đầm bằng cách cấp nước vào rồi tháo cạn làm lặp đi lặp lại từ 3-4 lần.

- Kiểm tra pH: nếu pH < 6, cân bón thêm vôi nông nghiệp Ca(OH)2 với liều lượng 7-10 kg/100 m2.

4. Cấy lúa, chọn giống và thả rươi giống

4.1. Cấy lúa

Sau khi cải tạo đầm (ruộng) xong có thể tiến hành cấy lúa để tạo sinh môi trường sống cho rươi và giảm được nhiệt độ nước trong những ngày nắng.

Mùa vụ: Cấy 1 vụ chiêm, tùy theo tình hình nguồn nước và độ mặn, thời tiết của địa phương mà thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Giống lúa: Sử dụng những giống lúa có khả năng chịu chua mặn như J02, ST25… để cấy trên vùng đầm, ruộng rươi. Lượng thóc giống từ 0,8-1,2 kg/sào. 

4.2. Thu và bổ sung rươi giống

- Thu giống tự nhiên: Chọn thời điểm lấy giống vào kỳ nước cường. Một năm có thể lấy giống tự nhiên vào 2 vụ: Vụ hè vào tháng 4-5 (âm lịch) và thu đông vào tháng 9-12 (âm lịch). Cách thu như sau: Khi nước thủy triều lên vào những ngày đỉnh con nước (vào những giờ con nước cao nhất) mở cống lấy nước vào đầm ruộng, ấu trùng rươi sẽ theo nước vào đầm ruộng và chui xuống lớp bùn bề mặt đáy để sinh sống. Sau khi nước thủy triều rút khoảng 4-6 giờ thì tháo nước ra (lưu ý: luôn giữ mực nước trong đầm từ 20-30 cm). Cứ như vậy, việc lấy giống có thể lặp đi lặp lại qua vài hôm vào những ngày nước cường.

- Thả giống bổ sung: Thực tế nhiều tỉnh cho thấy bà con nên bổ sung thêm rươi giống nhân tạo vào đầm ruộng để mật độ rươi được nâng cao và giúp tăng năng suất thu hoạch rươi thương phẩm.

+ Thả giống: Rươi giống có kích thước từ 1-1,2 cm/con được lựa chọn để tiến hành thả vào ao nuôi thương phẩm với mật độ 100-120 con/m2.

+ Mùa vụ thả: Nên thả rươi giống vào vụ chiêm sau khi thu giống tự nhiên. Thả giống vào sáng sớm hoặc chiều tối, trời mát, cùng vào thời điểm nước thủy triều sẽ giúp rươi giống được phân bố đều trong đầm ruộng.

Chuyên gia khuyến nông chia sẻ cách nuôi một loài "đại bổ" kết hợp trồng lúa hữu cơ, cho thu nhập hấp dẫn - Ảnh 4.

Người nuôi rươi ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng kiểm tra quá trình phát triển của rươi trước vụ thu hoạch năm 2023.

5. Chăm sóc và quản lý

Sau khi lấy giống tự nhiên kết hợp với thả giống bổ sung khoảng 1 tháng thì dùng vợt lưới mắt dày đãi lớp bùn trên bề mặt đáy đầm (ruộng) sẽ nhìn thấy rươi giống như những sợi chỉ đỏ với mật độ từ 100-150 cá thể/m2 trở nên là đạt yêu cầu.

Vào các kỳ con nước sau, đều phải lấy nước vào đầm và tháo nước ra (duy trì mức nước từ 20-40 cm) để tăng thêm nguồn thức ăn cho rươi (phù sa và tảo có trong nước). Chú ý khi lấy nước vào ra nên dùng đăng lưới để ngăn không cho địch hại vào đầm ruộng bắt rươi cáy, khi lấy nước chú ý độ mặn nước luôn dưới 5‰.

Rơm rạ sau khi thu hoạch lúa không được vứt bừa bãi, phải thu gom gọn lại để ủ làm phân hoặc đem tiêu hủy để tránh lây lan sâu bệnh. Khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học (Emina, Bioem, EM,...) trong xử lý rơm rạ, ủ phân chuồng để bón bổ sung dinh dưỡng cho lúa và làm tơi xốp nền đáy đầm ruộng.

Cho ăn: Định kỳ bổ sung thêm các loại thức ăn (bột cám gạo, đậu nành…), phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để giúp rươi đủ thức ăn sinh trưởng và phát triển tốt.

6. Thu hoạch

6.1. Thu hoạch lúa: Sau khi thu lúa xong nên để cho gốc rạ khô, mục rồi cầy úp xuống làm phân bón cho đầm (ruộng) cung cấp thức ăn cho rươi. Tránh cày lúc gốc rạ còn tươi sẽ làm thối nước gây hại cho rươi.

6.2. Thu hoạch rươi: 

Sau khi thả giống khoảng 8-10 tháng thì rươi có thể thành thục và thu hoạch; trước khi thu hoạch có thể đào đất rưới đầm (ruộng) ở độ sâu từ 30-50cm để kiểm tra mật độ và độ thành thục của rươi.

Trước thời điểm xác định thu hoạch (trong 3 ngày triều cường) thì phơi bãi từ 5 – 7 ngày để rươi có điều kiện thành thục được. Trong quá trình phơi bãi có thể bắt cá và các địch hại khác như cua, cáy; dọn dẹp bờ để địch hại không có chỗ lẩn trốn.

Thu hoạch rươi bằng cách: Vào kỳ nước cường, lấy nước vào đầm (ruộng) ở mức cao nhất có thể, lúc này, rươi thành thục sẽ bị kích thích đứt đoạn và nổi lên trên mặt nước rồi bơi ra hướng cống thu hoạch để di cư sinh sản. Tại đây, rươi sẽ được thu trong đáy lưới (mắt lưới đáy từ 1-3 mm). Quá trình thu rươi cần thao tác nhẹ nhàng, nhấc túi đáy đổ rươi ra chậu xuất bán hoặc chuyển vào khay xốp giữ lạnh bảo quản rươi sống (từ 5- 7 ngày) để vận chuyển đi xa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem