Chuyên gia Việt Nam giải mã nguyên nhân khủng hoảng và kịch bản Ukraine

Thứ ba, ngày 04/03/2014 15:48 PM (GMT+7)
Trước cuộc xung đột đang diễn ra căng thẳng tại Nga-Ukraine, phóng viên Dân Việt có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Phan Anh Dũng – chuyên gia nghiên cứu về Nga và Ukraine (Trung tâm nghiên cứu Nga và SNG- Viện nghiên cứu Châu Âu)
Bình luận 0
Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, thưa ông?

- Kể từ ngày giành độc lập đến nay, Ukraine một đất nước giầu có, thanh bình trước đây bỗng trở nên hỗn loạn về chính trị, các cuộc chính biến diễn ra liên tục, dẫn đến sự hỗn loạn về kinh tế-xã hội và không biết bao giờ mới kết thúc. Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ có Ucraina khủng hoảng chính trị triền miên, trong khi Moldova, Belarus hai nước cũng nằm trong không gian hậu Xô Viết, nằm trong gianh giới giữa Nga và Phương Tây lại không bị?

Để tìm hiểu vấn đề chúng ta cần xem xét tình hình Ucraina một cách toàn cảnh và độc lập từ lịch sử, địa lý, văn hóa, đến các vấn đề hiện đại như thể chế chính trị, kinh tế-xã hội.

>> Theo dõi "Khủng hoảng chính trị tại Ukraine" trên Dân Việt tại đây

Về mặt Lịch sử - địa lý, Trong lịch sử kể từ thế kỷ thứ 9 sau công nguyên, Nga và Ukraine đã từng là một quốc gia, tuy nhiên theo thời gian lãnh thổ Ucraina và Nga liên tục bị chia cắt và sát nhập bởi các đế quốc láng giềng, đặc biệt là vùng phía tây Ucraina, đã từng thuộc lãnh thổ của Ba lan, Litva, Mông cổ, Thổ Nhĩ Kì, Tatar, Đế quốc Hung-Áo.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người dân phía tây Ukraine nhập vào đội quân Đế quốc Hung-Áo, trong khi người dân phía đông ra nhập quân đội Đế chế Nga. Trong lịch sử cận đại, theo hiệp ước Hòa bình Riga được ký kết giữa chính quyền Xô Viết và Ba Lan phần phía tây Ukraine chính thức sát nhập vào Ba Lan tháng 3 năm 1919, cho đến tháng 9 năm 1939, sau khi Đức xâm lược Ba Lan, một hiệp định giữa Đức và Liên Xô đã phân chia lại lãnh thổ Ba Lan, vì thế, phần phía tây trước đây của Ucraina được tái thống nhất với phần còn lại của Đất nước.

Hình thái lãnh thổ Ukraine hiện nay được đã được mở rộng hơn bởi chính quyền Liên bang Xô Viết, trong những năm 1923-1933 vùng Donbas và Novorossi của Nga đã được sát nhập vào Ukraine và đến năm 1954 Bán đảo Crime cũng được chính quyền Xô viết chuyển giao cho Ukraine. Vì vậy, Khi Ukraine tuyên bố độc lập thì lãnh thổ Ukraine có khoảng 20% người Nga, đặc biệt là bán đảo Crime có tới 60 % là người Nga.

img
Thạc sĩ Phan Anh Dũng từng học tại trường Tổng hợp Kiev.

Về văn hóa, Ukraine nằm giữa hai nền văn minh lớn là Ki-tô giáo Phương tây và Chính thống giáo phương đông và nằm cạnh một quốc gia lớn đang vươn trở dậy thành một cường quốc của khu vực có nền văn minh Hồi Giáo, đó là Thổ Nhỹ Kỳ. Khu vực phía tây do nằm ngay sát phương tây và có nền văn hóa bị ảnh hưởng của các nước láng giềng phương tây, và một bộ phận người dân nơi đây là người hồi giáo, vì vậy đa số người dân khu vực này thường có thái độ ủng hộ chính quyền thân phương tây, bài Nga, một số còn bị ảnh hưởng các tư tưởng dân tộc cực đoan.

Trong khi đó người dân sống trong vùng phía Đông Ukraine đa số đi theo Chính Thống giáo, khu vực này có rất nhiều người Nga và những người nói tiếng Nga sinh sống, sự gắn bó về văn hóa làm cho cư dân khu vực này có thái độ ủng hộ chính quyền thân Nga. Sự cách biệt văn hóa giữa hai miền Đông và Tây Ukraine đã làm cho nền chính trị Ucraina luôn luôn căng thẳng.

>> Cựu Tổng thống Ukraine: Sẽ xảy ra chiến tranh thế giới thứ 3 nếu...

Cải cách ruộng đất đầu những năm 1930, chính quyền Xô Viết khi đó đã vừa kêu gọi nhưng cũng vừa buộc các nông dân và các chủ đất Ukraine phải tham gia nông trang. Nhiều nông dân và các chủ đất không muốn tham gia, chiến dịch đấu tố được phát động, những người phản kháng bị thanh trừng, tịch thu đất đai, đày ải đến các vùng khác hoặc đưa vào trại cải tạo lao động địa phương. Các chính sách khắc nghiệt này đã dẫn đến nạn đói ở Ukraine năm 1932-1933.

Những thông tin này do nhiều lý do tế nhị đã không được nhắc đến trong giai đoạn khi Ucraina còn là một nước cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết. Khi Ukraine tách ra khỏi Liên Bang Xô Viết năm 1991, những thông tin này lại được khơi dậy và do thông tin trước đây không hề có số liệu thống kê chính xác, nên ngày nay bị bóp méo và bị thổi phồng gây ra sự kỳ thị của người dân Ukraine đối với người Nga. Xu thế làm bóp méo thông tin lan rộng, phủ nhận tất cả các thành quả mà chính quyền Liên Bang Xô Viết đạt được, thậm chí bóp méo cả lịch sử trong chiến tranh vệ quốc chống Phát Xít Đức.

>> Quân đội Nga sắp có hành động khiến Ukraine, phương Tây 'choáng váng'?

Sau khi Liên Xô sụp đổ, hầu hết các nước cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết đều có xu hướng ngả theo phương tây, kể cả Nga, nhưng hầu hết các quốc gia đều chưa có nền kinh tế thị trường và nền tảng thể chế xã hội phù hợp với xã hội phương tây. Vì vậy hầu hết quốc gia này phải quay lại liên minh với nhau trong cộng đồng Các Quốc Gia Độc Lập (SNG) do Nga là hạt nhân liên kết. Vì xu thế hướng theo phương tây vẫn mạnh nên để thắt chặt liên kết trong liên minh Nga thường dùng các khoản tín dụng và các hợp đồng kinh tế có lợi cho các đồng minh, cung cấp dầu khí giá rẻ.

Tuy nhiên xu hướng ly tâm đẩy các quốc gia từng nằm trong Liên bang Xô Viết rời xa Nga, Ukraine không phải ngoại lệ, Mặc dù giữa Nga và Ucraina có mối gắn bó mật thiết trong nhiều thế kỷ, những vấn đề tồn tại giữa hai nước là vùng Crime, về quyền của người Nga ở Ucraina, hạm đội Biển Đen, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, hợp tác khoa học kỹ thuật, công nghiệp, công nghiệp quốc phòng. Nhưng xu thế bài Nga, xích lại gần phương tây vẫn bùng nổ trong các thời điểm nhậy cảm, chủ nghĩa dân tộc lên ngôi. Quá trình Ukriane hóa tăng lên, có hai lý do chính gây ra hiện tượng này. Thứ nhất,

Trong giai đoạn đầu mới thành lập vào năm 1991, mục tiêu hàng đầu của các nhà lãnh đạo mới là xây dựng Ukraine trở thành một quốc gia thống nhất, nếu không, đất nước này phải đối mặt với sự tan rã. Để thực hiện mục tiêu đó các nhà lãnh đạo đã lựa chọn chủ nghĩa dân tộc Ucraina làm động lực đoàn kết xã hội. Lý do thứ hai, sự can thiệp tích cực của các nước phương Tây vào nền chính trị Ucraina, lôi kéo Ukraine tách rời Nga. Trong giai đoạn 1991-2004 số người nói tiếng Nga giảm nhanh chóng.Theo điều tra dân số năm 1989 tại Ukraine, có 12.400.000 người Nga, đến năm 2002 chỉ còn 8,3 triệu.













Tình hình kinh tế của Ukraine từ khi tuyên bố độc lập có nhiều biển đổi không thưa ông?

- Kể từ khi Ukraine tuyên bố độc lập cho tới nay, đại đa số giới tinh hoa chính trị vẫn là những đại diện của tầng lớp lãnh đạo cũ, đó là các nhà lãnh đạo đảng và các công chức, họ lợi dụng thời kỳ hỗn loạn trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế và trở thành chủ sở hữu một lượng lớn tài sản hữu hình, đại diện các ngành công nghiệp vừa và lớn ở Ukraine.

Sau quá trình cải cách chuyển đổi giai đoạn cuối thập kỷ 90, đầu những năm 2000, Ukraine đã không thể hiện đại hóa hệ thống do mâu thuẫn nội bộ. Hệ thống chính trị đã gần như bất lực và kém hiệu quả. Cơ quan chính quyền hành pháp liên tục xẩy ra xung đột nội bộ và trình độ quản lý chưa cao, cơ quan tư pháp yếu kém, tòa án tham nhũng và không công bằng, các chính đảng kém phát triển, xã hội dân sự kém phát triển.

Hệ thống nhà nước bị các tập đoàn và các cá nhân chi phối, dẫn đến tình trạng ngày càng gia tăng các cuộc xung đột quyền lực, làm cho các chương trình phát triển quốc gia không thể thực hiện được. Mối quan hệ giữa chính quyền và các doanh nghiệp lớn - là một vấn đề lịch sử hiện đại của Ukraine sau khi ly khai khỏi Liên Xô vào năm 1991. Trước đó, trong cơ cấu nền kinh tế đã từng tồn tại một nhóm nhỏ khu vực tư nhân, chủ yếu bao gồm các công ty nhỏ và vừa. Năm 1992, trong ngành công nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân nắm giữ 29,8% và khối lượng sản xuất công nghiệp - 18,2%. Hầu hết các doanh nghiệp này là sở hữu hỗn hợp nhà nước-tư nhân và hợp tác lao động. Các doanh nghiệp lớn vẫn chưa xuất hiện.

Sự hình thành hệ thống mối quan hệ "chính quyền - kinh doanh - xã hội" thực sự bắt đầu từ những năm đầu mới độc lập của Ukraine. Quá trình này diễn ra trong khuôn khổ chung hình thành một hệ thống nhà nước mới và sự hình thành những nhân tố đầu tiên của xã hội dân sự. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, các nhóm tài chính-công nghiệp lớn không tham gia, mà chỉ giai đoạn cuối thập kỷ 90 các doanh nghiệp lớn mới bắt đầu hợp pháp hóa hoạt động của mình. Kể từ đó, họ bắt đầu hình thành hệ thống quan hệ chính thức riêng với chính quyền.

Tại Ukraine sự tích lũy vốn tư nhân bắt đầu trong khi tài sản thuộc độc quyền sở hữu nhà nước, thị trường trong nước chưa phát triển và các giới lãnh đạo vẫn là các nhà lãnh đạo Liên Xô cũ. Trong bối cảnh hệ thống nhà nước yếu kém và chính quyền tham nhũng nặng nề, sự tích lũy nguồn vốn được thực hiện trong một môi trường thiếu hoàn toàn sự kiểm soát. Các doanh nghiệp tư nhân có liên quan đến các quan chức chính quyền được tiếp cận với các tài sản quốc gia và được hỗ trợ tài chính từ phía nhà nước. Nhờ đó, cho một số nhỏ các tập đoàn tư nhân tích lũy một nguồn vốn khổng lồ chỉ trong một thời gian cực ngắn.

Từ cuối thập kỷ 90 thế kỷ 20, tại Ukraine đã bắt đầu một quá trình hợp pháp hoá của các nhóm kinh doanh lớn. Đất nước lần đầu tiên phải đối mặt với một thực tế mới - sự tồn tại khối tài sản tư nhân lớn, các nhóm này bắt đầu chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế và bắt đầu xâm nhập trực tiếp vào các chính sách và đời sống của cộng đồng địa phương. Bắt đầu từ cuối những năm 1990, đại diện của các nhóm công nghiệp tài chính lớn đã bắt đầu tích cực thâm nhập vào các cơ quan lập pháp - quốc hội. Theo ước tính, Trong giai đoạn đầu mới giành độc lập của Ukraine, đại diện của các doanh nghiệp lớn hoàn toàn không có trong quốc hội, thì sau cuộc bầu cử năm 1998, đã có 50 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp lớn có ghế trong quốc hội (gần 12%), và sau cuộc bầu cử năm 2002 - hơn 100 ghế (gần một phần tư)

Trong cuộc bầu cử 1998 trong số 56 chính đảng đăng ký tham gia thì có 47 đảng có sự tham gia của các đại diện các tập đoàn tài chính-công nghiệp, với một mục đích hoàn toàn thực dụng. Họ phục vụ cho các chủ nguồn vốn, hoặc quan chức chính phủ những người là đối tác của họ.

Nghịch lý trong các mối quan hệ giữa các Tập đoàn - nhà nước - chính trị là, trong khi Ukraine có hệ thống chính quyền nhà nước tập trung thì nền kinh tế lại được khu vực hoá và phân cấp. Các gia tộc lớn và các dòng tiền lớn nhất lại nằm trong các khu vực. Hai gia tộc, gần như nắm quyền kiểm soát trên toàn bộ đất nước – Zvyagilsky khu vực Donetsk (1993-1994) và Lazarenko (1996-1997) khu vực Dnipropetrovsk. trong những năm 2000 hai nhóm tài chính mạnh nhất là nhóm tài chính-công nghiệp Donetsk và nhóm Interpipe (Dnepropetrovsk).

Thực trạng khu vực hóa đời sống kinh tế trong thời gian dài, làm Ucraina thiếu sự phát triển một thị trường chung toàn quốc. Thường thường các khu vực liên kết chặt chẽ với các đối tác nước ngoài của họ hơn là với các doanh nghiệp trong các khu vực lân cận. Kết quả, chính quyền khu vực trở nên ảnh hưởng nhiều hơn so với trung ương trong các quá trình kinh tế. Vì vậy gần đây đã hình thành các công ty mẹ trong các khu vực, được quản lý phối hợp bởi chính quyền khu vực và các nhóm tài chính-công nghiệp. Các công ty mẹ này, gần như hoàn toàn kiểm soát cuộc sống của toàn bộ khu vực và quan trọng nhất, bịt kín các luồng tài chính trong khu vực.

Sự lũng đoạn của các tập đoàn tài chính và các gia tộc trong các đảng phái dẫn đến tình trạng cả hai phe thân Nga hoặc chống lại sự phụ thuộc vào Nga sau mỗi cuộc chính biến chính trị thì nội bộ lại lục đục, do các đảng phái trong nội bộ liên tục tranh giành quyền lực. Kết quả nền chính trị Ucraina không lúc nào yên ả.

Về tham nhũng theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Từ năm 1998 đến nay, tình trạng tham nhũng ngày càng xấu đi. Ukraine được xếp hạng cao nhất vào năm 2006 đứng thứ 99 trong tổng số 163 quốc gia, năm 2007 đứng thư 118/179 quốc gia, năm 2008 – 134/180 quốc gia, trong năm 2009 - 146/180, năm 2010 một số kết quả được cải thiện – 134/178,năm 2011 xếp thứ 152 trong số 183 quốc gia, Năm 2012 đứng thứ 144 trong danh sách 176 quốc gia và năm 2013- 144/177 do đó Ukraine là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới, ngang hàng với Syria, Bangladesh, Cameroon, Congo và Cộng hòa Trung Phi.

Chênh lệch giàu nghèo ngày càng giãn rộng, càng gây nên sự bất ổn xã hội. Theo Cơ quan Thống kê Nhà nước Ukraine. Gần bảy triệu người Ukraine đại diện cho 16,3% tổng dân số trong năm 2012 đang sống dưới mức nghèo khổ. Trong khi đó theo thống kê của tạp chí focus năm 2013, trong số 200 người giầu nhất Ukraine hiện có 21 người có tài sản trên1 tỷ USD, trong đó có con của Tổng thống Yanukovich.

Khủng hoảng kinh tế xã hội trong những năm gần đây làm sự bất mãn của người dân với chính quyên của Tổng thống thân Nga Yanukovich tăng lên cực điểm. Trong bối cảnh đó Tổng thống Yanukovich lại dừng ký hiệp định ra nhập EU của Ucraina và quay sang Nga nhằm nhận được tài trợ từ Nga.

Vậy sẽ có những khả năng nào cho chộc xung đột trong tương lai, thưa ông?

Kịch bản thứ nhất: Nga nhanh chóng chiếm Crime bằng lực lượng thân Nga tại Crime bằng các hình thức bất bạo động, trong đó có sự tham gia của lực lượng quân nhân của Nga. Nếu Ukraine không phản ứng thì đương nhiên khu vực này sẽ thuộc Nga. Nếu Ukraine phản ứng, có thể xảy ra xung đột vũ trang nhỏ, kịch bản tương tự Nam Osetia vào năm 2008. Trong cả hai trường hợp Nga sẽ thành lập một chính phủ mới thân Nga tại đây và dần hợp thức hóa để Crimea nhập vào Nga. Trong kịch bản này Nga có thể giành được Crime nhưng Ukraine có thể sẽ ngả hẳn về phương tây.

Kịch bản hai: Nga chờ đợi xem tình hình phe thân Nga tại Ukraine liệu có khả năng chiến thắng trong bầu cử, sẽ hậu thuẫn cho phe đó chiến thắng trong bầu cử nhằm đưa Ukraine trở lại quỹ đạo của mình.

Xin cảm ơn ông!
Thiên Việt (ghi) (Thiên Việt (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem