Chuyển giao kỹ thuật canh tác ngô chuyển gen cho nông dân

Thảo Mai Thứ sáu, ngày 03/04/2015 00:00 AM (GMT+7)
Ngày 2.4, Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (thuộc Tập đoàn Monsanto, Hoa Kỳ) chính thức khởi động chương trình chuyển giao kiến thức và trải nghiệm canh tác ngô biến đổi gen tại xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Bình luận 0

img
Ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đang có ruộng ngô biến đổi gen rất phát triển. Ảnh: Thảo Mai

Chương trình nằm trong chuỗi hàng trăm hoạt động chuyển giao kiến thức và trải nghiệm canh tác ngô biến đổi gen không nhằm mục đích thương mại do Tập đoàn Monsanto đầu tư nhằm giúp hàng vạn nông dân Việt Nam được trực tiếp trải nghiệm và đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng ngô biến đổi gen trong điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác đặc thù tại Việt Nam. Giữa cánh đồng ngô tung cờ mạnh mẽ trải dài trên diện tích hơn 20.000m2, ông Nguyễn Lâm, lão nông ở xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc với gần bốn thập kỷ gắn bó với cây ngô tại Đồng Nai, đồng thời là một trong những nông dân đầu tiên trực tiếp trồng ngô biến đổi gen tại Việt Nam.

Ông Lâm chia sẻ: “Tôi trồng ngô từ năm 1977, mỗi năm tôi trồng 2 vụ lúa, 1 vụ ngô. Mấy chục năm qua năm nào tôi cũng trồng ngô, tôi mướn thêm đất để trồng, trồng nhiều giống của nhiều công ty. Năm nay, tôi hợp tác với Công ty Dekalb làm thử giống ngô biến đổi gen kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ. Công ty cung cấp giống và hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho tôi trồng. Trồng ngô biến đổi gen vừa kháng sâu vừa chịu thuốc trừ cỏ từ đầu đến giờ tôi xịt cỏ có một lần, sâu thì không phải làm. Đó là lợi ích rõ nhất”.

Ông Phạm Đồng Quảng- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) chia sẻ: “Được tận mắt chứng kiến và nghe nông dân chia sẻ về sự tiện lợi thu được nhờ công nghệ biến đổi gen trong quản lý mùa vụ, giảm chi phí canh tác và giảm thiệt hại năng suất do sâu hại, đồng thời nhìn thấy cây ngô sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ, có thể kỳ vọng công nghệ biến đổi gen khi ứng dụng vào thực tế sản xuất trồng trọt tại Việt Nam không những sẽ đem lại lợi ích cho nông dân mà còn có thể kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện sản lượng và chất lượng ngô trong nước, hạn chế tình trạng nhập khẩu ngô”.

Theo ông Nguyễn Đình Mạnh Chiến- Tổng Giám đốc Công ty Dekalb Việt Nam, tại thời điểm này, nông dân Việt Nam đã chính thức có cơ hội tiếp cận với một trong những tiến bộ nông nghiệp của thế giới – công nghệ biến đổi gen. Tuy nhiên, như trước khi trồng giống ngô kháng sâu thì nông dân cần phải hiểu rõ công nghệ đó giúp kháng những loại sâu nào, mùa vụ nào là mùa có áp lực sâu hại cao để đưa ra quyết định. Khi đã trồng giống kháng sâu rồi, thì không được phun thuốc trừ sâu nữa, vừa lãng phí, vừa không hiệu quả.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem