Tham quan trang trại nuôi rắn hổmang của anh Phan Thanh Bình ở xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng), phóng viên không khỏi ngỡ ngàng với quy mô, số lượng rắn lên đến 5.000 con và được nuôi dưỡng ở 4 khu nuôi riêng biệt để dễ quản lý và chăm sóc.
Anh Phan Thanh Bình (xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) đang kiểm tra trọng lượng rắn hổ mang-loại vật nuôi có nguồn gốc là động vật hoang dã. Ảnh: Phương Anh.
Chia sẻ về cơ duyên đến với loài bò sát không chân, anh Bình cho biết vào năm 2015, tình cờ biết được nuôi rắn hổ mang cho thu nhập cao, anh tìm hiểu rồi quyết định thực hiện mô hình.
Sau khi được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cấp giấy phép, anh Bình mua 70 con rắn giống ở tỉnh Vĩnh Long đem về nuôi.
Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi nên rắn chết khá nhiều. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân anh Bình đã thuần phục được loài vật nuôi nguy hiểm.
Sau gần 10 năm nuôi, đến nay anh Bình sở hữu đàn rắn lên đến 5.000 con.
Trong đó hơn 1.000 rắn bố mẹ và duy trì 2.000 - 3.000 con rắn thương phẩm để cung cấp ra thị trường.
Mỗi con rắn hổ mang thương phẩm đều được nuôi nhốt riêng theo từng hộc để phát triển đồng đều. Ảnh: Phương Anh.
Theo anh Bình, muốn nuôi rắn hổ mang phải đăng ký và được cơ quan chức năng cấp phép. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho người nuôi và mọi người xung quanh, chuồng nuôi rắn phải xây đạt chuẩn theo quy định.
“Rắn hổ mang rất nguy hiểm. Vì vậy, trại nuôi rắn được xây dựng biệt lập với các hộ dân lân cận.
Mỗi khu đều được xây dựng kiên cố bằng bê tông, có cửa khóa chắc chắn. Rắn giống nuôi trong chuồng, rắn bố mẹ, thương phẩm nuôi trong hộc.
Mỗi hộc chiều ngang 40 cm, sâu 1m và phủ 1 lớp đất dày khoảng 5cm. Các hộc được che chắn rất kỹ bằng lưới sắt mắt nhỏ”, anh Bình chia sẻ.
Theo anh Bình, dù là loài vật nguy hiểm nhưng rắn hổ mang lại dễ nuôi, ít công chăm sóc. Cứ 5 ngày cho rắn ăn một lần bằng thịt vịt con.
Chuồng trại nuôi rắn hổ mang được thiết kế cẩn thận. Theo anh Bình, rắn hổ mang là loài vật nuôi nguy hiểm, vốn là động vật hoang dã nên khi nuôi cần có sự am hiểu kĩ về quy trình chăm sóc cũng như phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng. Ảnh: Phương Anh.
Anh Bình cho biết thêm, mặc dù là mô hình lí tưởng cho lợi nhuận kinh tế cao, tuy nhiên chi phí để nuôi loài bò sát này cũng tương đối lớn.
Ngoài ra rắn hổ mang là loài vật nuôi nguy hiểm, vốn là động vật hoang dã nên khi nuôi người nuôi cần có sự am hiểu kĩ về quy trình chăm sóc, kỹ thuật nuôi rắn hổ mang cũng như phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng khi có nhu cầu phát triển mô hình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.