Chuyện lạ ở An Giang: Cọp rất sợ Nam mô

Thứ bảy, ngày 17/05/2014 07:45 AM (GMT+7)
Ở vùng đất này không ai không lạnh mình, mọc óc bởi chuyện “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Người dân chỉ cần một chút bất cẩn, nhất định sẽ không tránh khỏi cảnh bị “Hùm tha sấu bắt”.
Bình luận 0
An Giang là vùng đất được cấu tạo bởi một địa hình rất đặc thù: có núi, có sông, có đồng, có bãi…; một nửa là cù lao, một nửa là bán sơn địa, nơi này trũng thấp phèn chua, chỗ kia đất giồng phù sa màu mỡ! Thuở tiền nhân mới “Vai mang chiếc nóp rách, Tay xách cỗ quai chèo” đến đây chọn bến cắm sào, người lưu dân không khỏi ngở ngàng: “Con chim kêu phải sợ, con cá quẫy phải kinh”.

Chỉ “chim trời cá nước” thôi mà đã như thế, thì cái chuyện “Chèo ghe sợ sấu táp chân, Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma” ắt hãi hùng lắm!

Nhưng đó chỉ là “sợ”! Cái mà cho đến ngày nay mỗi khi nghe nhắc kể, không ai không lạnh mình, mọc óc: xứ này, “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, vì vậy người dân nơi đây chỉ cần một chút bất cẩn, thiếu cảnh giác, nhất định sẽ không tránh khỏi cảnh “Hùm tha sấu bắt”!
img
Bạch Hổ.

Nhưng lớp người lưu dân không vì sự bạo hành của chúng mà đành bó tay. Bởi với tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, cộng cùng trí thông minh và lòng quả cảm, ông cha ta đã bằng cách này cách khác lần lần thần phục được mọi thứ thú dữ ấy: hoặc đánh đuổi diệt trừ, hoặc kết tình kết nghĩa để làm bầu bạn!

Những người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, cho đến nay vẫn còn truyền tụng nhiều câu chuyện về cọp rất thần kỳ. Dưới đây là một vài trong hàng chục truyền thuyết cho thấy “Cọp rất sợ Nam mô”!

Trịnh Hoài Đức ghi trong Gia Định thành thông chí, “ngày 25 tháng Giêng năm Canh Dần (1770) đời Duệ Tông (Định vương Nguyễn Phúc Thuần), (Lê Hiển Tông Cảnh Hưng năm thứ 31, Đại Thanh Càn Long năm thứ 35), sau khi bình định, có con hổ dữ vào nhà dân ở phía Nam chợ. Nó gầm rống rất dữ, dân quanh vùng đều hoảng sợ, họ báo với đồn dinh để phái quân vây bắt.

Sau phải triệt hạ phòng ốc, làm nhiều lớp hàng rào bao quanh, nhưng con hổ rất dữ, không ai dám đối đầu. Qua ngày thứ 3, có thầy tu đi vân du là Hồng Ân cùng đồ đệ là Trí Năng xin vào đánh cọp. Hồng Ân cùng hổ quần thảo một hồi, hổ bị côn đánh rát quá, nhảy núp vào lùm tre, Hồng Ân đuổi nà theo, hổ bị dồn ngặt nên cự trở lại với Hồng Ân.

Hồng Ân lui chân té xuống mương nhỏ, bị hổ tát thọ thương. Trí Năng tiếp viện đánh trúng đầu, hổ chết dưới làn côn, nhưng Hồng Ân bị thương nặng nên cũng mất liền khi ấy. Người ở chợ cảm nghĩa đem xác Hồng Ân chôn tại chỗ đấy rồi xây tháp, nay vẫn còn”.
img
Mắc xương nằm chờ chết.

Nếu sư ở trấn Phiên An đối đầu với cọp như thế thì, ở trấn Vĩnh Thanh, cụ thể ở vùng đất An Giang xưa, cọp được các sư (nhà tu) đối xử rất tử tế. Chính vì vậy chúng “rất sợ Nam mô”!

Một truyện kể bằng thơ “Của xưa để lại” cho biết, sau khi Cố Quản Trần Văn Thành vắng bóng, Binh Gia nghị tan rã, nhưng các thuộc tướng của ông vẫn nhen nhóm nghĩa quân tính chuyện phục thù…

Bên lề về cuộc gặp gỡ mưu đồ đại sự giữa hai ông Trần Văn Nhu (tức cậu Hai Nhu, trưởng nam Trần Văn Thành) và Trần Qúy Lãnh (tức ông Hai Lãnh, đồng chí cũng là em kết nghĩa của Quản cơ Thành), cho biết Hai Lãnh có khá nhiều bạn chí cốt là…cọp! Ông Hai Lãnh tâm sự với ông Hai Nhu:

"Nhờ ơn Phật, Chú đây nói thiệt/ Cọp ở rừng Chú thuyết nó nghe

Một lát đây nó xuống cả bè/ Rồi Chú dạy nó nghe cho thấy... "

Tuy cọp rất “sợ Nam mô”, nhưng khi nghe lại đoạn thuật kể này, không ai không… “mọc óc”!

Ông tăng chủ bùi thiền sư cứu "đạo hổ"!

Đồng tác giả Vương Kim và Đào Hưng, có kể lại trong cuốn Đức Phật Thầy Tây An (Long Hoa xb. 1954), ngày trước, vùng núi Kéc cọp dữ có tiếng, thế mà từ ngày ông Tăng chủ Bùi Thiền sư được Đức Phật Thầy giao coi giữ Trại ruộng ở đây thì chẳng hiểu vì sao các thú dữ đều rất kiêng sợ. Có thể nói khi ông đi rừng, hễ cọp thấy thì quỳ mọp, có khi quấn quýt theo ông lên núi, như nông dân dẫn chó đi đồng vậy.
img
Hỗn chiến.

Chuyện ông Tăng cứu “đạo Hổ” sau đây do người con rể ông Đình Tây kể lại:

Một hôm, vào chạng vạng tối đức Phật Thầy đi xa về, khi Ngài vào gần tới cốc, thấy một con bạch hổ ngồi cú sụ gần bàn Thông thiên. Khi thấy ngài, cọp há miệng ra. Thấy vậy đức Phật Thầy mới hỏi:

– Chà! Đau gì mà ốm nhom vậy hả “đạo Hổ”? Bộ ông lại xin thuốc phải không? Vừa nói đức Phật Thầy vừa bước vào cốc vừa kêu to lên:

– Ông Tăng đâu, ra coi “đạo Hổ” đau gì mà ngồi cú sụ đó!

Khi ấy ông Tăng ở phía sau nghe tiếng đức Phật Thầy, liền chạy ra trước, chỗ ông Hổ ngồi, hỏi:

– Ông làm gì ngồi đây? Sao mà ốm quá vậy?

Ông Hổ hả miệng ra ngước lên trước mặt ông Tăng. Ông Tăng hỏi thêm:

– Bộ ông mắc xương phải không?

Ông Hổ hội ý đập đuôi và gật đầu. Ông Tăng liền bảo.

– Nếu mắc xương thì cúi đầu xuống.

Ông Hổ làm theo lời. Ông Tăng cung tay đấm ngay cổ cút ông Hổ ba cái, tức thì cục xương từ trong miệng vọt ra. Ông Tăng la lên:

– Chà, cố ăn thế nào mà để mắc một cục xương quá lớn như thế?! Thôi hết rồi. Đi đi!

Khi ấy Đức Phật Thầy bước ra kêu ông Hổ dặn rằng:

– Từ đây tôi cấm ông, không đặng cho bà con khuấy phá bổn đạo của tôi lên núi hay vào rừng trong vùng Thất Sơn nữa nghe không?

Ông Hổ cúi đầu lui ra, rồi vài hôm sau cõng lại một con heo mà đền ơn ông Tăng.

Quả thật từ đó về sau, các thú dữ trong rừng không dám bén mảng ra phá khuấy dân cư nữa.
img
Một mất một còn.
Người ta truyền rằng hôm nọ có một “con hạm” bên núi Bà Đội Om (nơi nổi tiếng nhiều cọp dữ) qua phá khuấy, ông Tăng dắt ông Bạch Hổ đến đánh đuổi. Ông Hổ này tụ tập cả một đàn hổ đến ví, cuối cùng con hạm ấy bị đánh rơi xuống trũng mà chết tốt – cả mình mẩy nó bị thương như cái rổ sảo!

Cởi cọp đi truyền Đạo

Ông Đạo Xuyến tức Nguyễn Văn Xuyến, một trong 12 đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An cũng là người đã khuất phục được bạch hổ, và dùng nó làm phương tiện đi lại trong vùng.

Đức Phật Thầy truất phế vĩnh viễn chức Hương cả của cọp. Từ ấy dân làng Tòng Sơn thoát được nạn “Hổ giảo”

Còn nhớ, khi Đức Phật Thầy chưa trở về Tòng Sơn thì theo lệ, chức Hương cả làng này riêng dành cho … cọp! Do rừng bụi rậm rì, cọp ở nhiều, nên nơi đây có địa danh là bãi Hổ Cứ (hay Hổ Châu, thuộc An Giang xưa. Ca dao địa phương: "Bãi Hổ Cứ có con cọp dữ, Vũng Xà Năng có giống rắn linh" – chơi chữ).
img
Rừng nào cọp nấy.

Cọp Hổ Cứ – Tòng Sơn luôn đe dọa và làm ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt của nhân dân. Nhân dân phải cất miễu thờ “Ông Hổ” trước đình và mỗi lần cúng đáo lệ kỳ yên, làng phải dành nguyên cái đầu heo sống để dâng cho ông Hổ. Đêm đến thì ông Hổ về nhận cái đầu heo. Nếu không làm như thế thì dân làng phải bị nạn “hổ giảo”.

Nhưng khi Đức Phật Thầy về đến thì Ngài bỏ lệ ấy, không cúng cho Ông Hổ đầu heo, mà cũng không dành chức thôn trưởng cho cọp nữa. Nhờ rất mực tin tưởng oai lực nhiệm sâu của Ngài nên dân làng nghe theo. Các vị được chọn làm Hương cả cũng mạnh dạn, yên tâm. Và, cọp đã lẳng lặng bỏ đi, không làm hại dân làng nữa.

Những mẫu chuyện trên cho đến nay dân gian vẫn còn nhắc, như… thật mới xảy ra!
Nguyễn Hữu Hiệp (Nguyễn Hữu Hiệp )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem