Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại túi bao được sản xuất từ chất liệu khác nhau, tùy theo đặc tính sinh trưởng của từng loại cây mà nông dân có thể lựa chọn phù hợp. Chẳng hạn, bà con thường hay sử dụng túi xốp để bao trái ổi; túi bao chuyên dụng cho xoài, bưởi; nhãn, mãng cầu được sử dụng túi bao bằng lưới...
Để tiết kiệm chi phí, gia đình anh Hồ Thanh Nam (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã tự may túi lưới để bao trái mãng cầu xiêm.
Đa phần các sản phẩm này được nhập khẩu, sản xuất trong nước hoặc do nông dân tự sáng tạo để tiết kiệm chi phí. Với trái xoài, khi sử dụng túi bao sẽ giúp nông dân hạn chế các loại bệnh như: thán thư, ruồi đục trái, xì mủ trái... Đây đều là hậu quả do các loại côn trùng, sâu bệnh tấn công gây ra.
Là vùng chuyên canh xoài 3 màu lớn nhất tỉnh, nông dân huyện Chợ Mới biết đến phương pháp sử dụng túi bao trái xoài vì hiệu quả đem lại. Hơn 9 năm nay, ông Thái Văn Nhẫn (nông dân trồng xoài 3 màu ở xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới) vẫn tin tưởng và áp dụng giải pháp bao trái cho vườn xoài nhà mình. |
Theo ông Nhẫn, khi xoài sử dụng túi bao chuyên dụng sẽ giữ trái sạch, thuốc BVTV sẽ không bám vào trái, tránh được côn trùng chích hút. Như vậy, đến lúc thu hoạch trái xoài sẽ có mẫu mã đẹp, bán được giá cao.
“Bao trái tuy đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật để tránh làm rụng trái, do vậy trước khi thực hiện bà con đều được tập huấn. Tuy chi phí đầu tư khá cao, nhưng nếu biết cách thì vẫn sử dụng lần 2, 3.Khi bao trái sẽ giảm đáng kể sâu bệnh tấn công, chi phí thuốc BVTV cũng giảm. Từ đó, tạo ra nông sản an toàn, bán được giá cao hơn” - ông Nhẫn chia sẻ.
Phương pháp bao túi không chỉ đem lại hiệu quả cho xoài, mà với các loại trái cây như: bưởi, mãng cầu xiêm, mận... ghi nhận được những lợi ích mang lại. Canh tác 170 gốc bưởi da xanh trên phần đất gần 3.000m2 của gia đình đã giúp chú Nguyễn Tấn Phúc (nông dân xã Hòa An, Chợ Mới) có được kinh tế ổn định.
Từ khi bắt tay vào trồng, chú Phúc bỏ công nghiên cứu tìm cây giống sạch bệnh, tạo độ phì nhiêu, màu mỡ cho đất bằng việc bón phân hữu cơ. Ngoài các kỹ thuật đã áp dụng, chú Phúc còn bao trái bưởi từ lúc còn nhỏ để tránh ánh nắng trực tiếp làm khô trái cũng như giúp da bưởi sáng đẹp, bán có giá hơn.
“Khi bưởi được sử dụng túi bao sẽ tránh được các loài sâu đục trái tấn công.Tuy nhiên, cần lưu ý, trọng lượng bưởi dao động từ 2-3kg/trái nên phải chọn túi bao có đủ độ rộng và không ảnh hưởng đến màu sắc tự nhiên của trái” - chú Phúc cho hay.
Vào đợt Tết Nguyên đán vừa rồi, tuy là năm đầu tiên cho trái nhưng chất lượng, màu sắc trái bưởi từ vườn của chú Phúc đều rất đạt. Bà con đặt mua về ăn, chưng Tết đều có chung nhận xét bưởi có da đẹp, bóng láng, múi to, mọng nước kèm thêm vị ngọt, chua nhẹ và thơm.
Bưởi được bao trong túi giúp hạn chế sâu đục trái, tránh ánh nắng trực tiếp làm khô trái...
Mạnh dạn chuyển đổi 1,7ha đất ruộng lên vườn trồng giống mãng cầu xiêm Thái, ông Hồ Văn Em cùng con trai Hồ Thanh Nam (xã Định Thành, Thoại Sơn, tỉnh An Giang) mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động để giảm chi phí nhân công. Ngoài việc sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc sinh học, trái mãng cầu xiêm của vườn ông Em đều được bao trong bao lưới.
Theo anh Hồ Thanh Nam, con trai ông Em, việc dùng túi lưới bao trái hoàn toàn do gia đình nghĩ ra, vì trái mãng cầu xiêm có gai nên khi sử dụng túi lưới giúp trái tiếp xúc được với ánh sáng, gai bung đều, màu sắc đẹp lại tránh được ruồi đục thân.
“Khi trái mãng cầu xiêm khoảng bằng trái chanh, bà con nên tiến hành bao trái. Chi phí mua lưới về may túi khá nhiều, tuy nhiên mua 1 lần mình sử dụng được nhiều năm, thu hoạch trái xong đem giặt rồi chờ vụ trái tiếp bao lại” - anh Hồ Văn Nam cho biết. Hiện nay, nhiều nông dân trồng mãng cầu xiêm được hiệu quả bao trái cũng học hỏi và làm theo gia đình ông Hồ Văn Em. |
Ánh Nguyên (Báo An Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.