Đây là "bệnh viện" động vật do Công ty TNHH Dinh dưỡng - Thú y Hà Giang (Công ty Thú y Hà Giang) thành lập, với phòng khám, máy móc được đầu tư hiện đại, đầy đủ để đội ngũ bác sĩ ở đây "bắt mạch" và trị bệnh cho gia súc, gia cầm...
|
Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại "bệnh viện" động vật. |
Chỉ mong cứu được 20% số vật nuôi
Theo số liệu thống kê, hiện Bắc Giang có khoảng 20 triệu gia cầm, 4 triệu con lợn và gần 400.000 trâu, bò. Mỗi năm tỉnh thu khoảng 5.000 tỷ đồng từ chăn nuôi và thất thoát khoảng 800 tỷ đồng vì dịch bệnh...
Ông Nguyễn Văn Năm - Giám đốc Công ty Thú y Hà Giang nhẩm tính: "Số gia súc, gia cầm này chỉ "ăn hết" khoảng 400 - 500 tỷ đồng tiền thuốc thú y mỗi năm, bệnh viện thú y chúng tôi chỉ mong cứu được 20% trong số đó, thì người chăn nuôi cũng đã lãi gần 200 tỷ đồng/năm rồi".
Hiện ở nước ta, chăn nuôi đang phát triển rất mạnh, nhưng đi cùng với đó là sự bùng phát của nhiều loại dịch bệnh phức tạp, khiến các doanh nghiệp, trang trại, người chăn nuôi điêu đứng. Thành lập năm 2009, Công ty Thú y Hà Giang nhận thấy, muốn ngành thú y phát triển phải gắn liền với ngành chăn nuôi. Nên từ chỗ chỉ kinh doanh thuốc thú y, công ty đã kết hợp cả việc tư vấn, chẩn đoán và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc gia súc, gia cầm cho bà con nông dân trên địa bàn.
Do thiếu thiết bị kỹ thuật, nên cán bộ, nhân viên công ty mới chỉ dừng lại ở việc mổ xem xét, nhận biết trực tiếp trên nội tạng của động vật bằng mắt thường và chẩn đoán bệnh dựa trên triệu chứng và kinh nghiệm của bản thân...
Ông Năm tâm sự: "Dù anh em có chuyên môn, nhưng thiếu máy móc nên đành chịu. Có trang trại tuần trước gà, lợn... vẫn đẹp như trong tranh, nhưng vài hôm sau lăn đùng ra chết. "Của đau, con xót", cứ nghĩ đến cảnh đàn gà, lợn của bà con bỗng lăn ra chết không biết nguyên nhân gì, tôi không thể nào ngủ được. Vì thế, tôi quyết tâm đầu tư mua máy móc, mời giáo sư đầu ngành về chữa bệnh cho vật nuôi của bà con".
Nông dân yên tâm
Thành lập tháng 12.2010, "bệnh viện" động vật chuyên mổ, xét nghiệm và chẩn đoán bệnh cho gia súc, gia cầm. Ngoài đội ngũ cơ hữu gần 20 bác sĩ thú y, "bệnh viện" còn mời 2 chuyên gia đầu ngành của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội là GS - TS Trương Quang và PGS - TS Phạm Ngọc Thạch trực tiếp phân tích, xét nghiệm.
Hiện "bệnh viện" có khoảng 300 thiết bị, 40 máy móc phân tích, xét nghiệm với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng. Nhờ đó, chỉ sau 10 phút là có kết quả chẩn đoán và sau 24 giờ nếu đó là bệnh do virus gây ra như: Virus cúm A/H5N1, tai xanh, lở mồm long móng...
Ông Hoàng Đăng Huyến - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bắc Giang nói: "Với đội ngũ bác sĩ và được hỗ trợ của các giáo sư, cộng với trang thiết bị hiện có, tôi tin rằng "bệnh viện" hoàn toàn có thể chẩn đoán, xét nghiệm và phát hiện kịp thời dịch bệnh".
Ông Năm cho hay: Trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, “bệnh viện” đã xét nghiệm và tư vấn cho gần 1.000 lượt khách hàng, chủ yếu là tư vấn, xét nghiệm điều trị các bệnh hen ở lợn, gà. Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, kiểm soát được dịch bệnh nên chúng tôi cũng bớt áp lực.
Khi được hỏi về chi phí xét nghiệm, ông Năm cười: "Với lượng người đem mẫu đến xét nghiệm đông thế này, nếu chúng tôi thu phí chắc giàu to. "Bệnh viện" xét nghiệm, tư vấn hoàn toàn miễn phí, khi có kết quả chúng tôi sẽ tư vấn cho bà con nên sử dụng loại thuốc nào và cách sử dụng, còn khách có mua thuốc hay không thì tuỳ. Nhưng hầu như ai cũng mua thuốc để cứu được đàn gia súc, gia cầm...”.
Gặp anh Lưu Văn Chín ở xã Bắc Hươu (Yên Thế), người được Công ty Thú y Hà Giang giúp cứu cả trang trại gà trong trận dịch cúm H5N1 năm 2010, anh kể: "Năm đó, không có "bệnh viện" giúp đỡ, cung cấp thuốc, chỉ cho cách điều trị thì hơn 2 tấn gà của tôi đã đi tong. Giờ có "bệnh viện" rồi, hễ thấy có dấu hiệu bất thường là mình gọi điện hỏi bác sĩ ngay.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.