"Chuyện lạ" tại Bình Định: Nhặt rác ở biển… mang về bờ

Thăng Bình Thứ hai, ngày 22/01/2024 06:04 AM (GMT+7)
Không chỉ dần bỏ thói quen xả rác xuống biển, trong hành trình vươn khơi, ngư dân Bình Định còn bỏ công gom rác thải cho vào từng túi, mang vào bờ xử lý, tránh gây ô nhiễm cho đại dương.
Bình luận 0

Không xả rác xuống biển, gói ghém mang về đất liền

Kết thúc chuyến đi biển dài gần 20 ngày ở ngư trường Trường Sa, tàu cá BĐ-99028TS do ông Nguyễn Văn Lai (trú phường Hải Cảng, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng, trở về Cảng cá Quy Nhơn, với khoang thuyền chứa 18 tấn cá sọc dưa và 50 con cá ngừ đại dương.

Cùng với việc mang "lộc biển" vào bờ, tàu cá BĐ-99028TS cũng đưa 13kg rác thải nhựa thu gom từ hoạt động thu gom trên biển vào bờ để bàn giao cho Tổ thu gom rác thải nhựa Cảng cá Quy Nhơn xử lý.

"Chuyện lạ" tại Bình Định: Nhặt rác ở biển… mang về bờ- Ảnh 1.

Ngư dân Bình Định dùng túi gom rác thải từ ngoài khơi về đất liền xử lý. Ảnh: XT.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Lai - Thuyền trưởng tàu BĐ-99028TS, đây là chuyến biển thứ hai ông cùng các ngư dân trên thuyền thực hiện thu gom và mang rác thải vào bờ.

"Khi được tuyên truyền và cấp phát túi đựng rác thải, anh em cũng đã dần ý thức hơn, không vứt rác xuống biển. Sau khi ăn uống, sinh hoạt, có rác thải chúng tôi bỏ vào túi để đem vào bờ và luôn nhắc nhở nhau nâng cao ý thức bảo vệ môi trường", ông Lai nói.

Còn ngư dân Phan Thanh Trưởng (52 tuổi, ở phường Đống Đa, TP.Quy Nhơn), chủ tàu cá BĐ-91052 TS, phấn khởi: "Chuyến biển này rất ý nghĩa với chúng tôi, bởi không chỉ đánh bắt cá đạt sản lượng mà còn mang về rất nhiều rác nhựa, vỏ chai để tái chế".

Chuyến biển này, tàu cá của ông Trưởng mang về hơn 13kg rác thải nhựa và được thu mua 4.000 đồng/kg. Đây là rác thải chủ yếu từ sinh hoạt, nhu cầu mà ngư dân mang theo mỗi chuyến biển.

"Tôi dặn anh em trong quá trình đánh bắt ngoài khơi, không được xả rác xuống biển mà gom vào túi lưới để mang về bờ. Ngoài ra, quá trình đánh bắt nếu phát hiện rác thải nhựa trôi dạt, anh em thuyền viên cũng vớt để làm sạch biển", ông Trưởng nói thêm.

"Chuyện lạ" tại Bình Định: Nhặt rác ở biển… mang về bờ- Ảnh 2.

Rác thải được phân loại thành từng bao khác nhau để phân biệt. Ảnh: XT.

Tàu cá BĐ-99146 TS của Ngô Minh Châu (50 tuổi, ở xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) là một điển hình tiêu biểu khi mang về bờ lượng rác thải nhựa rất lớn trên 22kg.

Ông Châu cho biết, gia đình ông có 4 tàu cá, với khoảng 40 lao động, tham gia mô hình tuần hoàn rác nhựa trên biển do ngành chức năng Bình Định vừa phát động.

"Khi tỉnh Bình Định phát động mô hình tuần hoàn rác nhựa tôi ủng hộ ngay vì nó quá ý nghĩa. Lâu nay, ngư dân đa số xả rác thải xuống biển, giờ nghĩ lại thấy áy náy và lãng phí vì nguồn vật liệu nhựa có thể tái chế thành những sản phẩm hữu ích", ông Châu chia sẻ.

Vừa bàn giao 8kg rác thải nhựa, mang từ khơi xa vào bờ cho Tổ thu gom rác thải Cảng cá Quy Nhơn, ngư dân Nguyễn Văn Luyến (80 tuổi, trú phường Hải Cảng, TP.Quy Nhơn) cho hay: "Việc các ngư dân đồng lòng đem tất cả những rác thải vào bờ là việc làm có ý nghĩa góp phần cho môi trường biển không bị ô nhiễm".

"Việc làm tốt, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương"

Theo bà Nguyễn Thị Minh Lệ - Tổ trưởng Tổ thu gom rác thải nhựa Cảng cá Quy Nhơn, chương trình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá được thực hiện từ cuối tháng 11/2023 đến nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tổ thu gom rác thải nhựa Cảng cá Quy Nhơn đã thu gom được 102kg rác thải nhựa của 10 tàu cá mang về. Các loại rác thải được thu gom gồm chai nhựa trắng, chai nhựa màu, nắp chai và các loại bao bì.

"Khi ngư dân mang rác về, chúng tôi sẽ thực hiện việc thu gom, phân loại rác thải đồng thời tuyên truyền cho ngư dân để nâng cao nhận thức", bà Lệ cho biết.

"Chuyện lạ" tại Bình Định: Nhặt rác ở biển… mang về bờ- Ảnh 3.

Rác được đưa vào máy với công đoạn xử lý tại Cảng cá Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: XT.

Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định Đào Xuân Thiện cho rằng, khi tàu cá hoạt động trên biển, các vật dụng sinh hoạt như chai nước uống, túi mì tôm sau khi sử dụng sẽ được ngư dân bỏ vào túi rác.

Sau khi tàu cá vào bờ, ngư dân cũng sẽ mang những túi rác này vào. Tổ thu gom rác thải nhựa tại cảng cá sẽ tiếp nhận đưa vào nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá, sau đó bán cho nhà máy sản xuất vật liệu nhựa để tái chế.

Vẫn theo ông Đào Xuân Thiện, trước đây, việc ngư dân không mang rác vào mà bỏ rác thải ra biển tạo thành vùng rác ảnh hưởng đến đại dương, môi trường biển, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Việc đem rác vào bờ là một việc làm tốt, để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

"Tại cảng, chúng tôi luôn khích lệ ngư dân mang rác thải từ ngoài biển về, điều đó sẽ giúp lan toả đến những người dân sinh sống quanh khu vực và hoạt động tại cảng. Họ sẽ thấy rác ngoài khơi còn mang vào được thì ở trên bờ phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi", ông Thiện nói.

"Chuyện lạ" tại Bình Định: Nhặt rác ở biển… mang về bờ- Ảnh 4.

Rác thải được mang vào bờ bằng túi lưới, đây là cách làm không gây ô nhiễm môi trường biển của ngư dân Bình Định. Ảnh: XT.

Mỗi tàu phát thải 10-15kg rác thải nhựa/chuyến biển

Người đưa ra sáng kiến về quản lý rác thải nhựa, chế tạo giỏ đựng rác trên tàu cá là TS Trần Văn Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định.

TS Trần Văn Vinh cho hay, năm 2021, đơn vị mở đợt điều tra sơ bộ, nhận thấy đa số tàu cá ngư dân ra khơi đều có thói quen xả thẳng rác thải nhựa sinh hoạt xuống biển. Ước tính, mỗi tàu phát thải 10-15kg rác thải nhựa/chuyến biển (15-20 ngày).

Với 3.200 tàu cá ngư dân Bình Định thì mỗi chuyến biển, đại dương hứng chịu gần 4 tấn rác. Nếu nhìn rộng ra cả nước thì lượng rác thải ra biển rất lớn.

Từ đó, ông Vinh lên ý tưởng mô hình tuần hoàn rác thải nhựa tàu cá. Ông Vinh sáng chế các túi lưới chuyên dụng hình phễu, kèm theo dụng cụ vớt rác trang bị cho tàu cá.

"Vật liệu này gần gũi với ngư dân, nếu hư hỏng, ngư dân tự sửa chữa, tạo ra túi mới từ ngư lưới cụ bỏ đi của tàu. Túi lưới thiết kế treo trên tàu cá nên không chiếm nhiều diện tích, rác không bị bung, bật ra ngoài khi sóng lớn", ông Vinh bộc bạch.

"Chuyện lạ" tại Bình Định: Nhặt rác ở biển… mang về bờ- Ảnh 5.

Các lon nước ngọt, bia được ép thành đống. Ảnh: XT.

Ý tưởng trên được Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) ghi nhận, tài trợ toàn bộ kinh phí để thí điểm mô hình, đầu tư nhà máy phân loại rác thải nhựa, máy ép rác thải nhựa để tái chế.

Cuối tháng 11/2023, trên 200 tàu cá tỉnh Bình Định được đưa vào thí điểm triển khai mô hình trên. Sau khi thí điểm thành công, ngành chức năng sẽ nhân rộng ra 3.200 tàu cá biển Bình Định.

Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định Nguyễn Anh Dũng cho biết, các tàu cá của ngư dân khi mang rác nhựa về cảng, sẽ được phân loại rồi dùng máy ép lại, sau đó sẽ có đơn vị thu mua tái chế ra sản phẩm hữu ích. 

"Ngoài ra, đơn vị đang vận động thêm một số doanh nghiệp khác để tổ chức các chương trình quà tặng. Đổi rác lấy quà hay voucher (phiếu giảm giá) hoặc tặng nhiên liệu dầu, nhớt cho các chủ tàu tiên phong gom 100% rác nhựa về bờ", ông Dũng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem