Nuôi gà thả đồi ở Bình Định, sau hơn 3 tháng đạt 1,8kg/con, thịt săn chắc, tết nhà nào cũng mê

Thăng Bình Chủ nhật, ngày 21/01/2024 19:37 PM (GMT+7)
Nuôi gà thả đồi ở Bình Định đi lại nhiều nên thịt săn chắc, thơm ngon, chất lượng đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tiêu thụ sản phẩm, giá sản phẩm cao, cải thiện được thu nhập cho người chăn nuôi.
Bình luận 0

Nông dân được hỗ trợ 50% chi phí

Năm 2023, từ nguồn vốn hỗ trợ của khuyến nông trung ương, Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (Bình Định) xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Ân Hữu và Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân).

Mục tiêu của dự án, nhằm hỗ trợ hộ chăn nuôi tổ chức sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm bền vững. Nông dân tham gia mô hình được đào tạo, tập huấn, tham quan để nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi.

Là 1 trong 5 hộ dân được tham gia dự án, nông dân Nguyễn Thanh Tuấn ở thôn Phú Văn 1, xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân), cho biết: "Tham gia mô hình tôi được hỗ trợ 50% chi phí con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, vacxin tiêm phòng".

Nuôi gà thả đồi ở Bình Định, sau hơn 3 tháng đạt 1,8kg/con, thịt săn chắc, tết nhà nào cũng mê- Ảnh 1.

Gà thả đồi tại vùng trung du Hoài Ân, Bình Định. Ảnh: CT.

Theo nông dân Tuấn, trong quá trình chăn nuôi, gia đình ông được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Bình Định thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn tường tận từng khâu trong chăm sóc đàn gà. 

Ngoài ra, còn được kết nối với HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá trị trường.

"Nhờ tham gia dự án, tôi được học hỏi thêm kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi an toàn. 

Tận dụng được không gian vườn, để có chỗ cho gà đi lại, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để phối trộn thức ăn nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận", nông dân Trần Thanh Quan ở thôn Kim Sơn (xã Ân Nghĩa) phấn khởi, cho hay.

Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã tổng kết mô hình, để nhân rộng nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Thực tế, mô hình nuôi gà thả đồi gắn với tiêu thụ sản phẩm, là dự án khuyến nông trung ương thực hiện tại Bình Định, đã giúp hình thành mối liên kết mang lại hiệu quả cao.

Nuôi gà thả đồi ở Bình Định, sau hơn 3 tháng đạt 1,8kg/con, thịt săn chắc, tết nhà nào cũng mê- Ảnh 3.

Con giống được chọn lọc kỹ lưỡng trao tận tay người nông dân. Ảnh: CT.

Theo cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Bình Định Trần Thúy An, mô hình triển khai nhằm phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng giá trị cho sản phẩm bằng việc xây dựng chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra.

"Khi xây dựng dự án này, chúng tôi thuyết trình và đưa ra được những minh chứng cụ thể, tính khả thi cao nên bảo vệ được dự án trước hội đồng khuyến nông trung ương. 

Các hộ tham gia được hỗ trợ 50% chi phí con giống, vật tư; chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi, cam kết bao tiêu sản phẩm", bà An nói.

Gà sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, thịt lại thơm ngon

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định Huỳnh Việt Hùng cho hay, thành công bước đầu của dự án là cơ sở để đơn vị chuyển giao kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi an toàn, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; gia tăng giá trị cho sản phẩm chăn nuôi của huyện Hoài Ân.

Trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai 2 đợt thả giống với quy mô 10.000 con.

Mô hình phù hợp với điều kiện địa hình tại địa phương, tận dụng được gò đồi bỏ hoang hoặc vườn cây ăn quả để nuôi gà.

Gà thả đồi đi lại nhiều nên thịt săn chắc, thơm ngon, chất lượng đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tiêu thụ sản phẩm, giá sản phẩm cao, cải thiện được thu nhập cho người chăn nuôi.

Gà sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, sau hơn 3 tháng gà đạt khối lượng trung bình 1,7 - 1,8kg/con. Nuôi gà thả đồi tận dụng được công lao động nhàn rỗi trong nông hộ, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi.

Nuôi gà thả đồi ở Bình Định, sau hơn 3 tháng đạt 1,8kg/con, thịt săn chắc, tết nhà nào cũng mê- Ảnh 4.

Tập huấn kỹ thuật, quy trình chăn nuôi gà gắn với liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: CT.

Trưởng phòng NNPTNT huyện Hoài Ân (Bình Định) Võ Duy Tín cho rằng, mô hình liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm của Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai trên địa bàn là hướng đi của ngành nông nghiệp huyện để từng bước nâng cao chất lượng cho nông sản của địa phương.

Riêng với chăn nuôi, Hoài Ân chú trọng phát triển gà thả đồi, khuyến khích người dân đầu tư sản xuất và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu.

Mô hình liên kết chăn nuôi gà ở huyện Hoài Ân, không làm nửa vời, mà thực hiện quyết liệt "tới nơi tới chốn".

"Ví dụ, nếu như trước đây làm mô hình liên kết sản xuất, mối liên kết chỉ đến khâu tiêu thụ là chấm dứt, họ thu mua về làm gì mình không can thiệp. Nhưng với mô hình gà, Trung tâm Khuyến nông Bình Định liên kết xuyên suốt, khép kín. 

HTX Nông nghiệp Thanh Niên bao tiêu sản phẩm, tổ chức giết mổ, sơ chế, đóng bao bì để tiêu thụ với thương hiệu đặc sản gà đồi Hoài Ân", Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định Huỳnh Việt Hùng, khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem