Đặc sản Bình Định, món ngon từ cá, tôm bắt từ những đầm nước lợ trộn giữa nước sông với nước biển

Thứ hai, ngày 27/11/2023 05:37 AM (GMT+7)
Chính nguồn nước lợ được tạo nên từ sự hòa trộn giữa nước biển và nước sông nơi địa vực đặc thù đã làm cho thủy sản (cá, tôm...) của Bình Định ở đầm Châu Trúc (Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) và đầm Đạm Thủy (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) có được cái phong vị rất riêng, đặc biệt.
Bình luận 0

Ðầm Châu Trúc (còn gọi là Bàu Bàng hoặc đầm Trà Ổ) được bao quanh bởi 4 xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức, Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). 

Với chu vi ước chừng 20 km, đầm Châu Trúc nằm giữa một vùng bằng phẳng, các dãy núi thấp bao bọc ba phía Bắc, Tây và Nam. 

Đặc sản Bình Định, món ngon từ cá, tôm bắt từ những đầm nước hòa trộn giữa nước sông với nước biển - Ảnh 1.

Cá chình mun đầm Trà Ổ (đầm Châu Trúc), loài cá đặc sản đầm nước lợ được bao quanh bởi 4 xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức, Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

Theo lời ông Tư, một “thổ địa” ở đây, chính nhờ lợi thế tự nhiên này mà thủy sản ở Châu Trúc ngon không đâu sánh bằng.

Cá chình mun Châu Trúc

Không phải bởi của mình mình khen, nhưng nhắc đến con chình mun trên đầm Châu Trúc, người dân địa phương không tiếc lời khen tặng cho sản vật quê mình, bởi loài thủy sản này hội tụ trong nó đủ đầy cung bậc của vị giác: đắng, cay, ngọt, bùi, béo... 

Có thể làm món chình um, chình kho nghệ nhưng tuyệt đối không được bỏ qua món chình nướng. Chình được làm sạch nhưng nhất định phải giữ được chất nhớt, cắt khúc chừng một lóng tay. 

Công đoạn ướp chình phải được đẩy lên ở mức cầu kỳ dù ở miền quê dân dã. Ướp chình mun nhất định phải có nghệ sẻ vườn nhà trồng, nhổ thêm bụi sả, nắm ớt, muối, đường, tiêu, chút nước mắm cho mùi thơm đậm đà. 

Gia giảm gia vị sao cho vừa vặn, để cho từng thớ thịt được tẩm ướp thật thấm tháp trong khoảng 3 tiếng mới nướng.

Đặc sản Bình Định, món ngon từ cá, tôm bắt từ những đầm nước hòa trộn giữa nước sông với nước biển - Ảnh 2.

Bún tôm Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Vị của chình mun nướng không lẫn vào đâu được vì xen trong cái ngọt béo thơm tho là chút đắng đót mềm môi, vị măn mẳn của thứ sản vật sống nơi giao hòa giữa nơi đầm hòa mình vào biển.

Bún tôm, bún rạm

Bún thì khắp cả nước, địa phương nào cũng có, nhưng tô bún tôm, bún rạm Phù Mỹ vẫn có chỗ đứng riêng bởi sự đặc sắc và dung dị hòa điệu nhịp nhàng.

Bún tôm và bún rạm được xem là món ăn sáng mang tính bản địa. Mọi nguyên liệu từ bột bún, con tôm, con rạm, đến miếng bánh tráng ăn kèm đều phải được làm từ vùng đất Phù Mỹ và từ đầm Châu Trúc nức tiếng. 

Giản dị mà khổ công là khái niệm về cách thức chế biến món ăn này. Ăn bún theo kiểu ăn tới đâu ép bột bún tới đó, để bún đủ độ tươi nguyên hòa trộn với vị ngọt đậm đà của con tôm, con rạm bắt từ đầm. 

Tôm tươi đầm Châu Trúc được giã nhuyễn, thêm chút muối hột cho vừa miệng rồi múc nước gạo ép bún đang sôi sùng sục quấy lên cho thịt tôm vừa chín tới. 

Bún rạm thì cầu kỳ hơn, vì rạm phải được giã nhuyễn rồi vắt lấy nước, um lên với hành phi, dầu phụng.

Cả hai món bún đều ăn lúc nóng hôi hổi, bốc khói, kèm chút ớt xanh cay xé lưỡi mà thơm lừng.

Cá chua đầm Đạm Thủy

Đặc sản Bình Định, món ngon từ cá, tôm bắt từ những đầm nước hòa trộn giữa nước sông với nước biển - Ảnh 3.

Cá chua đầm Đạm Thủy, hay còn gọi là đầm Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Đầm Đạm Thủy (còn gọi là đầm Đề Gi, đầm Nước Ngọt) nối thông với biển qua cửa Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Đầm bao quanh 4 xã của 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ.

Vào mùa hè, nước trong đầm chảy ra cửa biển Đề Gi, nước biển theo thủy triều tràn ngược lên đầm, biến nơi này thành một vùng nước lợ rộng lớn. 

Vì cửa biển Đề Gi hẹp, lượng nước biển tràn vào sâu trong đầm không nhiều nên độ mặn của nước đầm Đạm Thủy thấp hơn so với những đầm nước lợ khác. 

Đó cũng là lý do mà đầm này còn có tên là đầm Nước Ngọt, và thủy sản nơi đây được sinh trưởng trong vùng nước “mặn dịu”, như cách gọi của người dân bản địa, nên cũng mang hương vị khác lạ mà không nơi nào có được.

Nhắc đến món ngon vùng đầm này thì sẽ không thể bỏ qua được món cá chua. Điều đặc biệt là cá chua ở đầm này xương mềm hơn, thịt cũng ngọt và ngon hơn cá chua nuôi hoặc sinh trưởng ở những vùng nước khác.

Một đĩa cá chua hấp hành, ăn kèm với rau sống và bánh tráng, chấm với nước mắm nguyên chất của biển Đề Gi cùng vài lát ớt cay. Ta có thể cảm nhận được vị cay nồng từ ớt, chan hòa cùng vị đặc trưng của mắm vùng Đề Gi, pha lẫn vị ngọt béo dịu nhẹ của cá, vị chua nhè nhẹ vương vấn đầu lưỡi như tên của loại cá này.

Nếu đã “phải lòng” món cá chua hấp thì bạn cũng đừng bỏ lỡ một khúc biến tấu đặc sắc khác của món cá chua, đó là cá chua phi lê nhúng lẫu. Bởi cá chua nơi đây xương rất mềm và nhỏ, nên chỉ cần xắt cá thành lát mỏng thì sẽ không còn lo về xương. 

Gắp một miếng cá phi lê nhúng vào nồi nước lẫu và ăn liền, vị ngọt vừa chín tới của thịt cá hòa với vị cay the của nước lẫu, không làm mất đi vị chua đặc trưng của loại cá này, thịt cá vừa nhúng thì vẫn dai, không bị rã.

* * *

Bạn, hãy thử một lần về Châu Trúc, Đạm Thủy, không chỉ để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sông nước miên man, khung cảnh thiên nhiên thanh bình, thơ mộng, mà còn để được nếm đủ món ngon đến quên cả đất trời của những vùng đầm nước này.

Quốc Thành-Kim Chi (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem