Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nét cổ kính của ngõ Hội Vũ. Clip: Nguyễn Tùng.
Ngõ Hội Vũ nằm trên phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, có ba nhánh thông ra ba con phố lớn lần lượt là Quán Sứ, Hàng Bông, Tràng Thi.
Ngõ Hội Vũ dài 256 mét và rộng 6 mét, nguyên là đất thôn Chiêu Hội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Chiêu Hội hợp nhất với Cổ Vũ trung thôn tạo thành địa phận ngõ Hội Vũ ngày nay.
Thời Pháp thuộc, nơi này được được lấy tên là ngõ Hội Vũ (ruelle Hội Vũ). Năm 1945, chính quyền Hà Nội nâng con ngõ lên thành phố nhưng đến năm 1949 đổi lại thành ngõ Hội Vũ và giữ nguyên tên gọi ấy tới ngày nay.
Tuy thông ra ba con phố tấp nập, ngõ Hội Vũ luôn đem lại cho du khách ghé thăm cảm giác như lạc vào một góc nhỏ giản dị và nguyên sơ giữa lòng Thủ đô. Những căn nhà, biệt thự có tuổi đời hàng trăm năm được bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn đã vô tình khiến khoảng không gian nơi đây như lắng đọng, chùng lại trước dòng chảy vội vàng của thời gian.
Sự giao thoa giữa một châu Âu hiện đại, lãng mạn và tinh tế với một phương Đông trầm mặc, sâu lắng đã tạo nên những hình ảnh đậm chất nghệ thuật của con ngõ Hội Vũ nức tiếng trong lòng phố cổ.
Dẫu đã trải qua biết bao lần trùng tu, cải tạo lớn nhỏ, những công trình kiến trúc phong cách Đông Dương nơi đây vẫn không đánh mất đi vẻ đẹp vốn có của nó.
Nhiều người sẵn sàng đem đến sự đổi thay mới mẻ cho những ngôi nhà nhưng lại không nỡ đánh mất đi nét tinh túy, hồn cốt của một công trình nghệ thuật vang bóng một thời.
Nhắc đến ngõ Hội Vũ, không thể không nhắc đến những quán cà phê biệt thự mang tính thương hiệu được du khách nước ngoài cũng như giới trẻ vô cùng yêu thích. Những căn biệt thự cổ tại đây không chỉ được cải tạo để làm nhà ở, văn phòng mà còn được các tiểu thương tận dụng để trở thành quán cà phê với không gian sang trọng và thoáng đãng.
Mỗi khi thành phố lên đèn, hàng quán nơi đây lại trở về với dáng vẻ thu hút vốn có của nó. Hương cà phê sữa nồng nàn cùng một khoảng không gian giàu chất thơ nơi ngõ nhỏ chắc chắn sẽ làm say lòng bất kỳ vị khách nào đã từng trải nghiệm qua, đặc biệt với những ai đam mê cái đẹp.
Nhiều người vẫn thường đùa rằng nếu so sánh ngõ Hội Vũ với con người, nơi đây xứng đáng là một người đàn bà tài đức vẹn toàn.
Bởi lẽ con ngõ này không chỉ để lại ấn tượng với "vẻ ngoài" mộc mạc, diễm lệ mà còn khiến du khách nhớ thương bằng một "tấm lòng" thân thiện, uyển chuyển và mến khách.
Ông Nguyễn Quang Hưng (ngõ Hội Vũ) chia sẻ, đa số người dân Hội Vũ hiện tại là dân cư từ tỉnh khác chuyển đến, những người gốc ở đây còn lại rất ít. Tuy vậy, thời gian dài sinh sống và làm việc tại con ngõ này đã thấm sâu vào tất cả người dân nơi đây cái dáng vẻ dễ gần, dân dã vốn có của những người con đất Kinh Kỳ.
Sự niềm nở, nhiệt tình của những cô hàng nước nơi đây dường như cũng có thể khiến cái oi nóng của buổi trưa hè trở nên thoải mái, dễ chịu đến lạ. Nhiều khi, người ta sẵn sàng dừng chân tại con ngõ và dành hàng giờ chỉ để nhâm nhi một ly trà đá, luyên thuyên những câu chuyện phiếm về đời, về người cùng các cụ già râu tóc bạc phơ.
Nhắc đến ngõ Hội Vũ, không thể không nhắc đến Cô Tư Hồng, một người đàn bà đẹp đã làm "chao đảo" giới doanh nhân Hà Thành một thời.
Cô Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan, một nữ doanh nhân thành đạt của giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bà trải qua ba đời chồng, người cuối cùng là cố đạo Pháp Croibier phá giới, người dân thường gọi là Cố Hồng.
Bà mở công ty, trúng thầu phá tường thành Hà Nội năm 1894. Đồng thời, bà cũng có công xây dựng kiến thiết phố phường cùng dấu ấn để lại là những ngôi nhà ở các phố Cửa Đông, Đường Thành, Hàng Da, trường Việt Đức.
Cô Tư Hồng có một dinh cơ ở ngõ Hội Vũ và một dãy 11 ngôi nhà ba tầng từ số 20 đến 40 ở ngõ Quán Thánh, cũng thuộc đất làng Hội Vũ xưa.
Là một người phụ nữ thông minh với tài kinh doanh nhạy bén, bà vẫn bị rất nhiều người mỉa mai, khinh bỉ vì định kiến đối với những người phụ nữ lấy chồng Tây. Vậy nhưng thời gian trôi đi, khi xã hội trở nên tiến bộ và có cái nhìn khách quan hơn đối với người phụ nữ, người ta mới nhận ra Cô Tư Hồng là một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, bao dung, thường xuyên làm từ thiện, giúp đỡ người dân nghèo.
Theo tư liệu lịch sử, từ năm 1902 đến 1903, ba tỉnh miền Trung rơi vào nạn mất mùa nghiêm trọng khiến thóc gạo khan hiếm, cuộc sống người dân lầm than. Cô Tư Hồng khi ấy đã không chần chừ tiếp tế một thuyền đầy gạo cho miền Trung dù đó vốn là hàng hóa dự định đem bán. Thậm chí, bà còn cho mổ bò lấy thịt và bỏ tiền mua thuốc để chia tới tận tay người dân vùng đói.
Hành động này của bà sau đó đã đến tai triều đình, vua Thành Thái ban cho bà hàm ‘Ngũ phẩm nghi dân, với biển vàng ‘Lạc quyên nghĩa phụ’.
Ông Nguyễn Anh Tài (60 tuổi), người dân sống lâu năm tại ngõ Hội Vũ kể lại: "Theo lời kể, trước đây cả khu ngõ này đều thuộc về Cô Tư Hồng hết, tất cả nhà cửa ở đây đều do bà xây. Bà xây nhà rồi cho người nghèo, những người sa cơ lỡ vận vào ở chứ không để cho thuê giá cao. Tuy người ta thường gọi bà là Me Tây nhưng người dân Hội Vũ vô cùng tôn trọng bà".
Ngõ Hội Vũ không chỉ là một địa điểm giàu tính lịch sử mà còn thấm đậm nét văn hoá lâu đời của người dân vùng đất Kinh Kỳ. Nếu có dịp ghé thăm Hà Nội 36 phố phường, xin đừng quên dành chút thời gian để cảm nhận, thấu hiểu vẻ đẹp tinh hoa của vùng đất và con người nơi đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.