Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết Trần Ích Phát sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường chưa từng có ai đỗ đại khoa. Ông sinh và mất năm nào cũng chưa xác định rõ được. Nhưng dựa trên nhiều tài liệu đối sánh có thể biết rằng ông sống vào thời vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV).
Trần Ích Phát rất thông minh, từng nổi danh thần đồng, kinh sách chỉ cần đọc qua một lần là thuộc. Ông dốc chí theo đuổi con đường khoa bảng. Nhưng số phận ông thật không may mắn. Ông lận đận trong thi cử, chỉ đỗ đầu kỳ thi Hương. Sau đó, ông trở về quê mở trường dạy học. Hay tin ông dạy học, nhiều trò từ khắp nơi đến xin học.
Tượng vua Lê Thánh Tông (ảnh mang tính minh họa cho bài viết, Nguồn: Internet).
Vào khoa thi Đình năm Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức (năm 1472), với đề văn sách hỏi về việc Đế vương trị thiên hạ do vua Lê Thánh Tông đích thân ra đề, trong bài làm Vũ Kiệt (một trong những học trò xuất sắc của thầy Trần Ích Phát) đã viện dẫn những sách vở kinh điển nổi tiếng và sử dụng kinh nghiệm tư duy sáng tạo để làm một bài nghị luận sắc sảo. Chẳng hạn khi vua hỏi: Tại sao quan lại được chọn cử nghiêm ngặt, lại có thêm các chức quan ngự sử, giám sát theo dõi, kiểm tra mà vẫn có nhiều người tham ô, hối lộ, làm những việc đồi bại?
Vũ Kiệt đã lập luận: Việc giáo dục phẩm chất cho quan lại phải tiến hành ngay từ lúc họ ngồi trên ghế nhà trường. Nếu khi học, họ đã có tư tưởng dối trá, mẹo mực, thì khi ra đảm nhiệm việc quan làm sao có thể có được phẩm chất thanh liêm, trong sạch. Vũ Kiệt còn đề xuất muốn giữ kỷ cương phép nước thì trước tiên phải thực hiện thật nghiêm túc từ vua cho đến triều đình, bởi lẽ không thể nước đầu nguồn đục mà lại đòi hỏi nước cuối nguồn phải trong!
Qua bài viết của mình, Vũ Kiệt đã gióng lên hồi chuông thức tỉnh triều đình. Vua Lê Thánh Tông khi đó đang tiến hành chỉnh đốn bộ máy nhà nước, cải cách hành chính đã nhận thấy Vũ Kiệt chính là người mình đang cần để giúp việc trị nước, an dân nên vua đã lấy Vũ Kiệt đỗ Trạng nguyên. Nhà vua đã bổ ông vào làm ở Hàn lâm viện với chức Hàn lâm thị thư, sau thăng lên chức Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư. Trạng nguyên Vũ Kiệt được đương thời ca ngợi là bậc thiên tài kiệt xuất, đức độ vẹn toàn.
Bia đá khắc tên tiến sĩ trong Văn Miếu (ảnh mang tính minh họa cho bài viết, Nguồn: Internet).
Ở khoa thi năm Đinh Mùi (1487), Trần Sùng Dĩnh, học trò của Trần Ích Phát đỗ Trạng nguyên. Những đề thi đó cho thấy sự trăn trở của vua Lê Thánh Tông muốn các sĩ tử đem tài năng, hiến kế giúp vua “trị quốc, bình thiên hạ”.
Nhiều người trong số học trò của Trần Ích Phát được đảm nhận các chức vụ cao nhất trong triều đình, giúp vua chấn hưng đất nước như Trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh; Trạng nguyên Vũ Kiệt, Trạng nguyên Nghiêm Viện; các Bảng nhãn Nguyễn Huân, Nguyễn Đức Huấn…; các Thám hoa Lê Ninh, Trần Bích Hoàng…
Theo Thư tịch cổ về khoa cử Nho học ở nước ta thời phong kiến, cả nước có 56 Trạng nguyên. Dưới thời vua Lê Thánh Tông trị vì (1460 - 1497), cả nước ta có 9 Trạng nguyên; 10 Bảng nhãn; 10 Thám hoa; 146 Hoàng giáp; 136 Tiến sĩ. Trong số đó, học trò của thầy Trần Ích Phát có đến 3 người đỗ Trạng nguyên; 4 người đỗ Bảng Nhãn; 6 người đỗ Thám Hoa; 10 người đỗ Hoàng Giáp; 51 người đỗ Tiến sĩ.
Vua Lê Thánh Tông khi còn đang là Hoàng tử đã biết và mến mộ tiếng tăm của thầy đồ Trần Ích Phát. Vì vậy, sau này khi lên làm vua, Lê Thánh Tông đã trọng dụng ông. Trần Ích Phát được vua đặc cách ngang hàng với Tiến sĩ, phong cho ông chức Giám sát Ngự sử. Sau, ông lại được thăng lên chức Hiến sát sứ rồi Đông các Đại học sĩ.
Trần Ích Phát khởi nghiệp làm thầy đồ dạy học rất thành công, rồi sau đó được vua trọng dụng làm quan. Sự nghiệp dạy học của thầy đáng để hậu thế soi gương, khâm phục!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.