Chuyện “nhặt” ở làng cổ xứ Đoài (kỳ cuối): “Đặc sản” làng hút du khách

Hà Nguyên Huyến Thứ tư, ngày 04/08/2021 19:00 PM (GMT+7)
Quãng năm 2016, nhà tôi trồng một dây bầu, hố trồng bầu có diện tích bằng một viên gạch Bát Tràng (25cm x 25cm), viên gạch này được cạy khỏi mặt sân. Mục đích của việc trồng chỉ là lấy bóng mát. Tuy chẳng chăm bón gì mà dây bầu lên ngần ngật, thoáng cái đã kín mặt giàn gần 15m2.
Bình luận 0

Chẳng mấy chốc cây bầu cho quả, quả đầu tiên đậu ngay lối cổng vào… Gần tháng sau quả bầu đã dài khoảng 1,2m, vợ tôi không cho hái, bảo: Để làm giống! Nhà làm du lịch, khách vào cả Tây lẫn ta ai cũng lấy làm lạ, ai cũng nâng niu rồi chụp ảnh kỷ niệm.

Câu đối quả bầu...

Sợ khách làm rụng cuống, tôi lấy dây buộc gióng treo quả bầu lên. Chị cả tôi sang chơi bảo: "Cậu làm thế quả bầu sẽ bị cong mất". Chị tôi làm ruộng nên nói rất có lý. Tôi bỏ gióng để cho quả phát triển tự nhiên không bị dây gióng cản trở. Cuối vụ quả bầu dài 1,4m, vanh (chu vi) chỗ to nhất 60cm. Hôm ấy, không biết ai đã nâng nó lên để chụp ảnh nên cuống bầu bị gãy một nửa. Nhìn quả bầu da hãy còn xanh mà tiếc. Chị tôi bảo: "Bầu đã già, cậu cứ cắt xuống, dựng vào chỗ bán nắng, bán râm là vỏ nó sẽ khô dần, hạt làm giống được rồi…".

Chuyện “nhặt” ở làng cổ xứ Đoài (kỳ cuối): “Đặc sản” làng hút du khách - Ảnh 1.

Làm tương truyền thống ở làng cổ Đương Lâm. Ảnh: Lê Hiếu

Cái nón đã cũ lắm, mưa nắng dãi dầu bạc phếch và xơ xớp nhưng vẫn còn nguyên cạp. Có lẽ trong làng tôi giờ đây không ai lại đi đội cái nón cũ thế… Họ mua để làm gì nhỉ, hay họ mua cái thời gian tồn tại trên vật dụng này?

Hôm lấy hạt, nhìn quả bầu mà không ai nỡ tay đập vỏ. Tôi gọi chú hàng xóm có cái dụng cụ cầm tay chuyên cắt sắt, cắt gạch… Chú ấy đến, quả bầu được bổ dọc làm hai nửa rất đẹp. Sau khi lấy hạt chia cho mọi người, tôi dựng hai nửa vỏ bầu vàng óng mà không biết để làm gì, song không bỏ vì đây là quả bầu mà có lẽ ít người nhìn thấy vì độ to, độ dài của nó!

Nhân một buổi trưa vắng vẻ, tôi mài mực, mực tốt thơm phưng phức. Tôi lấy bút lông viết lên vỏ bầu đôi câu đối bằng chữ Hán: "Lập trí bất tùy lưu tục chuyển - Lưu tâm học đáo cổ nhân nan" (lược dịch: Lập trí không nệ vào cái gì vì thời thế liên tục chuyển vận - Học theo cổ nhân là khó, ý nói phải sáng tạo). Chẳng hiểu hôm ấy viết lách thế nào mà chữ nghĩa tinh thần lắm. "Sơ xước, móc mác" rất… hách! Đợi khô mực, tôi đem đôi câu đối treo trong nhà.

Nghĩ là để chơi, để kỷ niệm, ai ngờ mấy tháng sau có đôi vợ chồng khách du lịch tới nhà ngỏ ý muốn mua "đôi câu đối quả bầu". Tôi không bán, người vợ năn nỉ… Họ cho biết: Hai người đều là người Hoa nhưng định cư ở Thái Lan. Họ đang có một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Hongkong. Họ muốn mua đôi câu đối này về để bày…

Tôi đành nhường quyền cho vợ quyết định. Vợ tôi bảo khách: Đây là sản phẩm văn hóa nên mọi người trả thế nào cũng được, không ra giá để mặc cả. Vợ chồng nhà kia đưa ra hai triệu đồng để mang sản phẩm đi.

Mấy hôm sau trong lúc tán gẫu, tôi nói với bà con trong xóm là vừa mới bán được hai triệu tiền bầu. Ai cũng hỏi: Trồng ở đâu mà nhiều thế, có dễ đến nửa sào bầu… Thế mới biết bán nguyên liệu là rất rẻ, nếu chế biến thì hiệu quả thật không ngờ!

Tuy tiếc nhưng nghĩ bụng: Năm sau thế nào cũng có một hai quả như thế. Đợi mãi cho đến tận bây giờ, mấy năm rồi mà không có được một quả bầu như thế nữa…

... và chiếc nón mê nửa triệu

Chuyện “nhặt” ở làng cổ xứ Đoài (kỳ cuối): “Đặc sản” làng hút du khách - Ảnh 3.

Cũng trong xóm tôi có vợ chồng già tuổi đã tám mươi nhưng còn khỏe. Con cái phương trưởng cả nhưng ông bà không ở với đứa nào. Làng tôi làm ruộng nên nhà nào cũng biết làm tương. Khách du lịch đến làng không có tương lại lắm người hỏi mua. Thế là hai cụ ngả ra làm tương bán, tương làm cẩn thận nên ngon và đắt khách.

Một hôm có mấy người Mỹ trung niên đi chơi tự do (không có hướng dẫn đi cùng). Họ ngang qua cổng nhà đôi vợ chồng già, thấy cụ bà đứng ở sân khuấy tương, lưng còng gập, tóc sơ xác trắng. Đặc biệt là cái quần đen xoắn tít lò xo lên tận gối, đôi chân gầy guộc với ngón chõe ra như người cổ. Cụ ông cởi trần ngồi trên thềm, xương cốt cái nào cái nấy hằn lên dưới da rõ mồn một. Mấy người Mỹ ghé vào, họ nhìn quanh quất rồi nhìn hai người già…

Chẳng hiểu sao một người rút ra tờ tiền mệnh giá 50 đô-la, làm hiệu mua chiếc nón đội đầu của bà cụ. Bà cụ nhìn tiền và nhất định không bán. Sau một hồi khua chân múa tay, bà chỉ vào những tờ tiền Việt trong tay người Mỹ nọ. Chợt như hiểu ra, người Mỹ lấy ra tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng… đổi lấy cái nón.

Về đến nhà tôi, sau khi nghe hướng dẫn kể lại tôi cứ nhìn mãi cái nón. Cái nón đã cũ lắm, mưa nắng dãi dầu bạc phếch và xơ xớp nhưng vẫn còn nguyên cạp. Có lẽ trong làng tôi giờ đây không ai lại đi đội cái nón cũ thế… Họ mua để làm gì nhỉ, hay họ mua cái thời gian tồn tại trên vật dụng này?

Đây là vật dụng "rẻ tiền mau hỏng" nhưng được chủ nhân dùng và gìn giữ rất cẩn thận nên mới còn được như thế này. Bằng chứng là quai nón được làm từ một cật giang già được chuốt óng ả. Trải qua lao động được mồ hôi nhuộm lên nước đỏ au như tôm luộc. Đẹp thật!

Mấy ngày sau chuyện cái "nón mê" bán được 500.000 đồng lan ra khắp làng. Mấy tay bợm nhậu hết tiền bảo: "Nhà mình có mấy cái, để rác cả nhà mà chẳng có ma nào hỏi". Tôi cứ nghĩ mãi, hay họ thương cảnh người già vất vả mà mở lòng hảo tâm, từ thiện… Song, nhìn người Mỹ nọ trước khi đi khỏi nhà tôi, họ gói ghém cái nón rất cẩn thận, buộc treo bên ngoài ba lô rồi đeo sau lưng trân trọng lắm… Chẳng biết ra làm sao cả. Mọi người chỉ còn biết giải thích: Làm du lịch nó thế!

*

*               * 

Thoáng chốc đã gần hai năm, đó là khoảng thời gian Covid - 19 hoành hành, làng tôi vắng hoe. Mới chỉ có năm nay (2021) từ xuân sang hè đã hai lần giãn cách.

Một mình mình đi trên đường làng chỉ thấy cổng nhà ai cũng im im đóng mà rờn rợn, rờn rợn vì một cái làng… bỏ không. Nông nghiệp gần như không ai làm nữa bởi tất cả đều bị cuốn vào cung cầu du lịch.

Và cũng chợt nghĩ, thế giới này thật mỏng manh, tất cả chỉ vì một con virus không mấy ai nhìn thấy nhưng lại hiện hữu ở mọi nơi trên thế gian này, để lại một hậu quả khôn lường. Thật thấm thía! 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem