Chuyện “nhặt” ở làng cổ xứ Đoài (kỳ IV): Việt kiều về nước và tiếng nói quê hương
Chuyện “nhặt” ở làng cổ xứ Đoài (kỳ IV): Việt kiều về nước và tiếng nói quê hương
Lê Hiếu
Thứ tư, ngày 04/08/2021 13:00 PM (GMT+7)
Hình ảnh hai người khách Việt quốc tịch Pháp cứ ám ảnh tôi mãi. Một người sinh ra và lớn lên ở Pháp vẫn cố gắng học tiếng Việt để nói được một vài câu. Một người lên chín tuổi mới sang Pháp mà không còn nói được một câu tiếng Việt nào.
Năm nào cũng vậy vợ chồng tôi thường thầm hỏi: "Ông Tây hay bà Đầm" đến xông nhà mình đây. Cũng không phải vì lý do này mà đoán may rủi của một năm làm ăn. Ý nghĩ vui vui ấy cũng bởi tại văn hoá châu Âu không giống với mình. Thật không ngờ người khách đầu tiên của nhà tôi năm ấy (2016) là một người Việt Nam! Ông ta hoàn toàn Việt Nam nhưng mang quốc tịch Pháp. Nhìn người Việt kiều, vợ tôi chép miệng: "Cơm gạo của Tây có khác!"
Ông ta nói tiếng Việt lơ lớ và ngọng nghịu: "Bố mẹ tao, đều là người Việt, sang Pháp vào khoảng những năm bốn mươi… Tao sinh ra ở Pháp, bố mẹ chỉ dạy một ít tiếng Việt. Hiện nay, tao là bác sĩ của một bệnh viện ở Cane (Cộng hòa Pháp). Vợ tao đây, Đầm! Hôm nay tao đưa ba đứa con về Việt Nam, tao đã đặt tour từ tháng trước. Nơi tao đến đầu tiên phải là một làng cổ. Mày cho tao..."- ông ta chỉ tay về phía bàn thờ, rồi đứng nghiêm cúi đầu vái lạy. Nhìn ông "Tây giả" làm lễ, nhà cả tôi nhịn cười và hết sức trân trọng họ.
Tôi tự hỏi mình, liệu cô gái Pháp gốc Việt tối nay có ngủ chung với mẹ đẻ mình không. Nếu cô nằm cạnh mẹ thì cô sẽ nói gì với mẹ mình khi không còn nhớ một câu tiếng Việt nào. Không biết cô có dám vòng tay ôm mẹ vào lòng, tay cô có chạm vào gói tiền bằng giấy nến bóng nhẫy mồ hôi bụng? Những đồng tiền ít ỏi nên được gói bọc rất cẩn thận đã từng nuôi cô và anh chị mình!
Sau khi cả gia đình ông thưởng thức một mâm cỗ tết (đúng phong tục Việt), chúng tôi thu dọn bàn thấy họ ăn thì ít mà nhìn ngắm là chính nhưng gia đình họ vô cùng thoải mái, cảm ơn rất chân thành ra đi. Ông ta bảo: "Tao đưa vợ con về Ý Yên, Nam Định, bố mẹ ở đấy, nhưng bây giờ không còn ai là người thân nữa. Các con tao muốn nhìn thấy nơi ông bà chúng đã từng sinh sống…".
Mấy ngày sau cũng có một người Việt Nam mang quốc tịch Pháp đến nhà. Lần này là một cô gái trẻ, cô không đi theo tour, không đặt cơm. Đi theo cô là một tốp các cô gái trẻ khác, được biết các cô đang là sinh viên của một số trường đại học và cao đẳng ngoài Hà Nội. Nghe mấy cô này nói chuyện với nhau đoán ngay ra họ là người Thạch Thất hay Phúc Thọ. Người của hai địa phương này đi đến đâu, nghe giọng nói là nhận ra ngay. Họ không giấu được thổ âm đặc trưng vùng.
Các cô tháp tùng cô gái Pháp gốc Việt để… phiên dịch bằng tiếng Anh mà các cô cũng không thạo lắm! Tôi hỏi tại sao các cô lại biết cô người Pháp này? Họ bảo: Họ là chị, em họ hàng… Tôi hỏi: Cô gái này không biết tiếng Việt không? Không, lúc nó mới về dạy mãi mới gọi được hai từ "mẹ ơi"! Tôi lặng lẽ ngắm nhìn các cô gái, họ cùng lứa với nhau nhưng sao người Việt vẫn là người Việt. Còn cô gái Pháp gốc Việt vẫn có cái gì đó không giống những cô gái kia. Chẳng biết có phải do bơ sữa, hay do giáo dục mang lại vẻ đẹp ngời ngời đầy tự tin!
Sau khi chụp ảnh thăm thú, các cô ào ra đi, không cô nào kịp chào gia đình tôi một câu, trừ cô gái Pháp gốc Việt: "Cam on!". Các cô đi rồi tôi bỗng giật mình thấy một giọng nói thẽ thọt ngay sau lưng, quay lại thì hoá ra là một người đàn bà từ lúc vào vẫn ngồi lặng lẽ bên thềm nhà. Người đà bà lần tay vào cạp quần lấy ra một gói bằng giấy nến bóng nhẫy mồ hôi bụng. Bà ta bảo: "Ông cho tôi gửi tiền tham quan nhà". "Bà là thế nào mà trả tiền cho tôi". "Tôi là mẹ cháu, tôi cho cháu làm con nuôi người ta năm cháu lên chín tuổi. Năm nào người ta (bố mẹ nuôi cô gái) cũng gửi cho chúng tôi ảnh, giấy khám sức khoẻ và kết quả học tập của cháu… Mãi cho đến năm nay, cháu đã 25 tuổi, học xong đại học rồi, chuẩn bị đi làm mới được về thăm nhà. Gia đình tôi đông con ở Xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội… Chúng tôi không nuôi nổi phải cho bớt một đứa! Hôm nay tôi đưa cháu về đây để biết thế nào là nhà cổ, làng cổ… Ở chỗ tôi không còn mấy nhà như thế này. Ngày cháu đi, quê tôi cũng gần như quê ông. Ngày cháu về không giống như thế nữa. Chẳng biết sau khi lên đây, cháu nó còn nhớ lại được gì không?".
"Không, cảm ơn bà, tôi có lấy tiền thăm nhà của ai bao giờ đâu!". Từ lúc ấy hình ảnh hai người Việt quốc tịch Pháp cứ ám ảnh tôi mãi. Một người sinh ra và lớn lên ở Pháp vẫn cố gắng học tiếng Việt để nói được một vài câu. Một người lên chín tuổi mới sang Pháp mà không còn nói được một câu tiếng Việt nào.
Đồng tiền của mẹ
Cách đây hơn 30 năm, sau khi tốt nghiệp đại học rồi thất nghiệp, tôi đi phụ việc cho một hội thợ nề. Ngày ấy, chúng tôi xây nhà cho một bà mế Mường ở chợ Lặt, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội (một làng Mường ở chân núi Ba Vì). Gia đình này đông con nhưng tất cả đều đi làm ăn xa. Nghe nói người con trai lớn đang là Hiệu trưởng một trường cấp III dưới xuôi. Nay gia đình chỉ có hai mẹ con, bà mẹ đã già và một người con gái lớn tuổi, nhỡ nhàng…
Một hôm tôi thấy tiếng nói ríu rít bên ngôi nhà sàn cũ. Tôi nhìn sang, một thiếu phụ trẻ đẹp, cao ráo, tóc uốn rất thời trang, mặc áo pun đỏ đang vừa dọn dẹp gầm nhà sàn và nói chuyện với bà mế bằng tiếng Mường. Hỏi thì được biết cô là con gái bà mế, lấy chồng ở Hà Nội, đang công tác ở một cơ quan nào đó… Tôi không biết họ đang nói chuyện gì nhưng nghe giọng nói và cử chỉ thì thấy cô gái yêu mẹ, yêu ngôi nhà sàn này lắm. Chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ đây là một thiếu nữ Nga đã lạc vào bản này đang nói chuyện với dân làng. Tối hôm đó, cô gái ngủ chung giường với mẹ, hai mẹ con nói chuyện đến tận khuya, tất cả đều bằng tiếng Mường…
Lâu lắm rồi, hôm nay, tôi chợt nhớ tới câu chuyện thời trai trẻ ở bản Lặt. Tôi tự hỏi mình liệu cô gái Pháp gốc Việt tối nay có ngủ chung với mẹ đẻ mình không. Nếu cô nằm cạnh mẹ thì cô sẽ nói gì với mẹ mình khi không còn nhớ một câu tiếng Việt nào. Không biết cô có dám vòng tay ôm mẹ vào lòng, tay cô có chạm vào gói tiền bằng giấy nến bóng nhẫy mồ hôi bụng? Những đồng tiền ít ỏi nên được gói bọc rất cẩn thận đã từng nuôi cô và anh chị mình!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.