Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về lộ trình trong việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM trên thị trường hiện nay sang công nghệ thẻ chip mới.
Theo lộ trình, trong năm 2019, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải chuyển đổi 30% lượng thẻ ATM sang công nghệ thẻ chip. Và dự kiến đến hết năm 2021, toàn bộ thẻ trên thị trường sẽ sử dụng công nghệ thẻ chip mới.
7 ngân hàng đầu tiên thực hiện chuyển đổi và phát hành trong đợt đầu gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank và ABBank. Đây là các ngân hàng có số lượng thẻ lớn, ước tính số lượng thẻ của 7 ngân hàng này chiếm khoảng 70% tổng số thẻ trên cả nước.
Hàng nghìn tỷ đồng chuyển đổi thẻ
Bà Đỗ Hoài Linh, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, khác với thẻ từ, thẻ chip (chip card) còn được gọi là thẻ thông minh, chứa một chip điện tử trên bề mặt thẻ, với bộ vi xử lý như một máy tính thu nhỏ và hoàn toàn độc lập.
Đặc biệt, ưu điểm vượt trội của thẻ chip không tiếp xúc là giao dịch rất nhanh, với các giao dịch giá trị nhỏ sẽ không cần nhập pin/ký mà vẫn có thể giao dịch được. Tốc độ xử lý một chạm này thông thường dưới 300 mms, nên độ an toàn của loại hình thẻ này cao hơn so với thẻ từ hiện nay. Đồng thời, thẻ chip có thể lưu trữ nhiều thông tin hơn thẻ từ. Việc áp dụng tiêu chuẩn công nghệ thẻ chip sẽ hạn chế tình trạng đánh cắp thông tin làm thẻ giả mạo hay các giao dịch gian lận của các cá nhân, tổ chức nước ngoài với tài khoản, thẻ ngân hàng như tình trạng đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan… cũng đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Thống kê cho thấy, tỷ lệ giao dịch bị giả mạo giảm đột biến khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.
Chính vì vậy, bà Linh cho rằng, việc chuyển đổi thẻ ATM làm bằng thẻ từ sang thẻ chip là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này sẽ tạo ra chi phí rất lớn đối với hệ thống ngân hàng thương mại nói chung và của mỗi một tổ chức tín dụng nói riêng.
Theo tìm hiểu, mức giá phổ biến của thẻ chip khoảng 1,5 - 2,5 USD/chiếc, bình quân khoảng 2 USD/ thẻ. Với tỷ giá hiện nay, chi phí cho 1 chiếc thẻ chip vào khoảng 35.000 - 58.000 đồng/thẻ. Hiên tại, các ngân hàng thương mại đã phát hành lũy kế khoảng 130 triệu thẻ ATM. Tuy nhiên, số lượng thẻ thực tế đang hoạt động có thể chỉ vào khoảng 70 triệu thẻ.
Như vậy, chỉ tính riêng với khoảng 70 triệu thẻ này, chi phí ngân hàng phải bỏ ra khi chuyển đổi có thể lên tới 4.000 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ. Trong năm 2019, với 30% số thẻ phải chuyển đổi, các NHTM phải chi ra ước khoảng trên 1.000 tỷ đồng.
Chưa kể, các NHTM còn phải nâng cấp cả thiết bị đầu cuối là POS, máy ATM để phù hợp với việc chuyển đổi thẻ. Theo đánh giá của giới tài chính, chi phí đổi sang thẻ chip và thiết bị đầu cuối là không hề nhỏ. Đây thực sự là một gánh nặng, đặc biệt với những NHTM có số lượng phát hành thẻ lớn như nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước như Vietinbank, Vietcombank…
Phí chuyển đổi là trách nhiệm của ngân hàng?
Lợi ích nhãn tiền từ việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là hiện hữu. Thế nhưng, vấn đề đặt ra, hàng nghìn tỷ đồng chuyển đổi thẻ ai gánh, ngân hàng hay khách hàng?
Theo ông Đặng Anh Tuấn, Viện phó Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân), các NHTM sẽ tính toán chi phí chuyển đổi cho phù hợp. Bởi chi phí chuyển đổi của mỗi NHTM là khác nhau vì tùy thuộc vào khối lượng thẻ đã phát hành cũng như số lượng thiết bị chấp nhận thẻ trên thị trường.
"Các NHTM sẽ cân đối chi phí để chuyển đổi sao cho đảm bảo hiệu quả và không ảnh hưởng đến hệ thống chấp nhận thẻ hiện tại. Do đó, NHTM có thể sẽ chia thành nhiều giai đoạn, ưu tiên chuyển đổi cho những khách hàng có giao dịch thường xuyên trước", ông Tuấn nói.
Về khoản chi phí phát sinh này, ông Tuấn cho biết thêm, hiện tại, chưa có văn bản chính thức nào quy định liên quan đến phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Do đó, tùy vào chính sách cũng như nguồn lực của mỗi ngân hàng để các ngân hàng đưa ra quyết định có hay không thu phí từ phía khách hàng. “Phí chuyển đổi ngân hàng chịu hay khách hàng? Nếu khách hàng phải gánh thì sẽ là bao nhiêu…các ngân hàng phải làm rõ điều này và cần minh bạch thông tin tới khách hàng”, ông Tuấn bày tỏ.
Dù không nằm trong danh sách 7 ngân hàng thuộc Top đầu chuyển đổi thẻ, song đại diện VPbank thừa nhận, khách hàng sẽ không phải mất phí chuyển đổi, đây là trách nhiệm của ngân hàng.
“Chúng tôi hiện đang có 500 máy POS và khoảng 1,5 triệu thẻ nội địa cần phải nâng cấp, trong tổng số hơn 3,8 triệu thẻ tín dụng và ghi nợ đã phát hành. Chi phí liên quan đến việc nâng cấp cũng như chuyển thẻ chuẩn từ thẻ từ sang thẻ chip cũng tương đối lớn, nhưng đó cũng là một trong những trọng tâm của chúng tôi trong việc đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như an toàn cho cả ngân hàng. Khách hàng sẽ không phải mất phí chuyển đổi, đây là trách nhiệm của ngân hàng”, ông Chu Hồng Ngọc, Giám đốc Khối Vận hành, VPBank khẳng định.
Tuy nhiên, một số NH khác lại cho rằng, mức phí chuyển đổi sẽ căn cứ vào mối quan hệ giữa khách hàng và NH chứ không miễn phí cho toàn bộ khách hàng. Chẳng hạn, sẽ chỉ áp dụng với khách hàng cũ, còn khách hàng mới NH sẽ đánh giá mức độ khai thác khách hàng để đưa ra mức giá phù hợp nhất.
Đứng trên góc độ nhà quản lý, quan điểm của NHNN là khách hàng không phải chịu thêm chi phí nào và các tổ chức phát hành sẽ là bên chịu chi phí phát sinh trong quá trình chuyển đổi thẻ chip.
“Thực chất chi phí làm phôi thẻ mới rất rẻ, chỉ chiếm khoảng 2-3% so với chi phí phát hành thẻ. Vì vậy, chi phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip sẽ không cao như việc phát hành một thẻ mới thông thường. Do vậy, trước mắt, 7 ngân hàng thương mại tham gia thí điểm lộ trình chuyển đổi sẽ không thu thêm thêm khoản phí nào khi chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip”, lãnh đạo Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho hay.
Nêu quan điểm của mình, ông Đào Minh Tuấn, chủ tịch Hội thẻ Việt Nam cũng thừa nhận, để cạnh tranh, các NHTM cần hạn chế mức thấp nhất chi phí phát sinh cho khách hàng. Nếu NHTM nào thu phí cao, khả năng cạnh tranh sẽ giảm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.