Chuyện về “phù thủy” xứ Huế sang Ấn Độ đúc đại hồng chung nặng 3 tấn

Võ Văn Dần Thứ hai, ngày 22/09/2014 06:58 AM (GMT+7)
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhiều đời đúc đồng ở TP.Huế, năm 1954 vừa tròn 16 tuổi Nguyễn Văn Sính phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn. 
Bình luận 0

Từ đó, ông theo bố làm nghề đúc đồng. Năm 1977 ông Sính tham gia HTX Đúc Thắng Lợi và chủ trì đúc nhiều tác phẩm có giá trị phục vụ cho đời sống tín ngưỡng tâm linh. Năm 2000 ông đúc tượng đồng Trần Hưng Đạo đặt tại công viên Vị Hoàng (TP. Nam Định) cao 10m, nặng 22 tấn; đúc chuông chùa Bái Đính (Ninh Bình) nặng 30 tấn, cao 5,4m và nhiều đại tượng, đại hồng chung khác ở trong Nam, ngoài Bắc.

Tiếng lành đồn xa, cái tên Nguyễn Văn Sính đã được nhiều nước trên thế giới biết đến và hợp tác, đặt hàng như: Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Tây Tạng, Nhật Bản, Úc, Pháp, Mỹ…

Đơn cử, năm 2004 ông sang Ấn Độ để chủ trì đúc đại hồng chung nặng 3 tấn, đặt ở Bồ Đề Đạo Tràng, trên chuông khắc bài kinh Bát Nhã gồm 3 thứ tiếng- tiếng Anh, tiếng Phạn, tiếng Việt, và đã để lại trên quê hương Đức Phật một “tuyệt tác tâm linh” thể hiện tài trí vẹn toàn của người Việt Nam.

Năm 2008 ông sang Nhật Bản đúc tháp chuông 3 tầng, tác phẩm kết tinh đường nét hoa văn mang dáng dấp đặc trưng, tiêu biểu cho nền văn hóa Việt, âm thanh đặc trưng của xứ Huế.

Khi được hỏi có bí quyết gì giúp ông thành công trong nghề nghiệp, ông chia sẻ: Tui luôn thấm nhuần lời dạy của cổ nhân: “Bắn phải nhắm, ăn phải nhai, nói phải nghĩ”, trước khi làm một việc chi tui đều suy nghĩ thấu đáo, làm nghề phải làm bằng cả bàn tay và khối óc”.

Cũng theo ông Sính, nghề đúc đồng có 2 phần rõ rệt- phần kỹ thuật và phần tâm linh. Muốn chuông kêu hay, thanh âm trong trẻo, vang vọng thì phải tuân thủ kỹ thuật đúc- nguyên liệu đạt chuẩn, pha chế đúng mức, làm khuôn độ dày mỏng phải cân xứng hài hòa với quả chuông, tượng, đổ đồng đúng nhiệt độ, đảm bảo thời gian.

“Nghề đúc chuông, tạc tượng khác hẳn với các nghề thủ công mỹ nghệ khác, bởi nó phản ánh đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Vì thế phải làm tận lực, bên cạnh tự lực bản thân thì phải cần đến tha lực của thập phương nữa” - ông Sính nói.

Để giữ nghề, bên cạnh việc truyền nghề cho con, ông Sính còn có công đào tạo cho làng nhiều thợ lành nghề. Hiện ước tính có khoảng 50% thợ đúc đồng ở phường Đúc được dạy nghề, truyền nghề từ cơ sở của Nguyễn Văn Sính, người ít thì vài ba năm, người gắn bó lâu nhất lên đến 20 năm, và chính họ đã bổ sung vào lực lượng thợ đúc đồng xứ Huế dồi dào như hôm nay.

Hiện ông Sính là Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ Huế, ủy viên Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng cho ông danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” vào năm 2015 .

   Bố ông là cụ Nguyễn Đình Toại - một tay đúc đồng nổi tiếng của Huế thời bấy giờ, từng đúc bộ lư “Tứ Tuần Đại Khánh”cho Vua Khải Định, đúc 6 vạn quan tiền cho Vua Bảo Đại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem