Cò lao động làm đảo điên bản làng

Thứ hai, ngày 26/03/2012 13:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những năm gần đây, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin của người dân các huyện miền núi- vùng cao, không ít đối tượng đã tiến hành các vụ lừa đảo hoặc tuyển dụng lao động trái phép, gây ra bao nỗi... trái ngang.
Bình luận 0

Tại huyện vùng cao biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, tình trạng này đang trở nên nhức nhối...

img
Bản Đỉnh Sơn 1 (xã Hữu Kiệm) chủ yếu còn người già và trẻ em.

Tuyển lao động trái phép

Đến bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, nơi cư trú của gần 100 hộ dân tộc Khơ Mú vào thời điểm giữa trưa, nhưng bản làng vắng hoe. Nhiều nhà cửa đóng then cài, những gia đình có người ở nhà thì chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Trưởng bản đang đi vắng, chúng tôi gặp Bí thư Chi bộ bản để tìm hiểu sự tình.

Bí thư Lữ Văn Xốm cho biết: Hầu hết thanh niên đi làm ăn xa nên chỉ có người lớn tuổi và trẻ con ở nhà. Hỏi chuyện thu nhập, ông Xốm cho hay: "Thu nhập nhiều hay ít tùy vào từng người. Có người được chừng 10 triệu đồng/năm, nhưng nhiều người suốt năm đi về không có đồng nào, lại còn bị chủ đánh đập. Thậm chí một số người còn không có tiền về quê".

Về vấn đề này, ông Hà Minh Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm khẳng định: Tình trạng này không chỉ có ở bản Đỉnh Sơn 1 mà còn diễn ra ở các bản khác như Đỉnh Sơn 2, Huồi Thợ và các xã có đông người Khơ Mú sinh sống như Bảo Nam, Bắc Lý, Phà Đánh, Tà Cạ, Chiêu Lưu...

Còn theo người dân các xã Tà Cạ, Hữu Kiệm, Chiêu Lưu và thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn), hàng năm, vào thời gian sau Tết Nguyên đán thường có những kẻ môi giới (dân địa phương gọi là bọn "cò cáy") về tuyển lao động trái phép trên địa bàn. Chúng vẽ ra viễn cảnh về một "miền đất hứa", ở đó công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao và có cơ hội đổi đời. Gần như suốt đời chưa đi khỏi địa bàn huyện, nghe nói bùi tai, lại được những kẻ "cò cáy" đưa cho một số tiền, những ông bố, bà mẹ sẵn sàng để con cái ra đi, dù có thể chúng chưa đến tuổi lao động và không hề biết gì về thủ tục hợp đồng lao động.

Chính quyền không kiểm soát được

Có thể nói, tình trạng lừa đảo và tuyển dụng lao động trái phép trên địa bàn huyện Kỳ Sơn lâu nay đã khá nhức nhối. Vừa qua, Công an huyện Tương Dương đã bắt giữ đối tượng Phan Văn Lương do tuyển dụng trái phép 11 người (trong số này có 3 người chưa đến tuổi lao động) trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và bàn giao cho Công an huyện này điều tra, xử lý.

Số lao động được những kẻ môi giới "tuyển" hẹn tập trung tại một địa điểm bí mật để lên xe. Tinh vi hơn, một số kẻ môi giới thuê cả một chuyến xe chạy thẳng vào địa điểm cần đến, trước mui xe căng tấm băng rôn có dòng chữ "Đoàn tham quan” để che mắt lực lượng công an.

Được biết, Phan Văn Lương đã tuyển số người kể trên vào làm tại Doanh nghiệp tư nhân Đức Vinh ở tỉnh Kon Tum. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc lừa đảo, tuyển dụng lao động trái phép trên địa bàn Kỳ Sơn nói riêng và các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An nói chung.

Câu hỏi đặt ra là các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và các đoàn thể đã làm gì để ngăn chặn tình trạng nêu trên? Ông Hà Minh Phúc cho biết: Hầu hết những người đi đào đãi vàng không làm thủ tục tạm trú, tạm vắng nên chính quyền địa phương không thể kiểm soát được. Còn anh Nguyễn Hoàng Quang - cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn cho hay: "Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi có nhiệm vụ thống kê báo cáo từ các xã, nhưng đến nay chưa có xã nào gửi báo cáo về huyện về tình trạng này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem