Không chỉ có mặt ở vùng nông thôn, hiện nay năn còn được bán ở các chợ tỉnh, thị thành và có trong mâm cỗ, nhà hàng sang trọng.
Tôi có người dì quê ở TX. Ngã Năm (Sóc Trăng). Nhớ mỗi lần xuống nhà, dì hay đãi món mắm kho hay lẩu. Và tất nhiên là không thể thiếu món rau ăn kèm là năn. Thế là dì huy động toàn lực lượng ra ruộng nhổ năn. Lúc đó, cây năn mọc đầy ở vùng ruộng trũng, ai muốn ăn thì cứ hỏi chủ ruộng một tiếng là thoải mái thu hoạch năn.
Cây năn trở thành sản vật của vùng đất trũng phèn, giúp người dân tăng thu nhập.
Muốn ăn năn phải dụng công nhiều, sau khi nhổ xong phải bóc tách vỏ ngoài. Cách nhanh nhất là lấy cây tăm đâm vào một đầu trên, rọc một đường từ trên xuống hơn tấc rồi tách phần non có màu trắng xanh, ngắt bỏ phần già xanh đậm. Ngoài ăn sống, nhiều người còn chế biến nhiều món từ năn như năn xào, năn làm gỏi, làm nhân bánh xèo (thay thế cho củ sắn hay giá đỗ), năn ăn kèm với lẩu…
Niềm vui “tung hoành” ngoài ruộng năn nay chỉ còn trong ký ức của tôi và của nhiều người. Vì dần dà, loại “rau đồng” ấy ít đi và nó bắt đầu có giá trị thương mại. Ban đầu ruộng nào có năn mọc thì người ta gầy lại chăm sóc để nhổ đem ra chợ bán. |
Nhớ khi ấy, người ta bó năn thành từng bó để trước mũi xuồng vừa chèo vừa rao bán. Về sau, nhu cầu người dùng càng tăng nên nhiều hộ cũng chuyển đổi diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng năn.
Lúc bấy giờ, cây năn lại hiển nhiên phát triển trên đất ruộng. Ở Sóc Trăng, cây năn phát triển ở vùng đất phèn trũng như tại TX. Ngã Năm, huyện Thạnh Trị.
Đa số hộ chuyển từ trồng lúa sang trồng năn cho rằng, trồng năn cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Vì trồng lúa tốn nhiều chi phí, lợi nhuận không bao nhiêu, còn trồng năn thì thu nhập đều tay, thu lời nhiều hơn. Mặc dù, mỗi bó năn (một bó tầm 1kg) bán cho người thu mua chênh lệch từ 40% đến 50% so với giá ngoài thị trường nhưng người trồng năn vẫn thấy có lời.
Năn được thu mua để giao sỉ ở chợ hay giao trực tiếp tại quán ăn, nhà có đám tiệc, có khi đóng thùng đưa lên TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Chị Nguyễn Thị Lệ ở khóm Vĩnh Hậu, Phường 3 (TX. Ngã Năm) khoe: “Nhà có hai miếng đất ruộng tổng cộng 5 công, tôi đều trồng năn. Cây năn trồng mới khoảng 2 - 3 tháng cho thu hoạch. Nhổ được 5 - 6 tháng thì mình dọn ruộng để trồng lại. Mỗi ngày, hai mẹ con tôi cũng nhổ được 120kg, bán được 720.000 đồng. Nhờ trồng năn mà tôi có tiền mua sắm đồ đạc trong nhà. Nếu làm lúa thì không có đủ sống, nói chi đến mua sắm cái gì”.
Trước mắt thấy rằng, cây năn là cứu cánh cho nhiều hộ nghèo muốn thoát nghèo nhanh khi không có nhiều đất và nhiều vốn. Chỉ cần trồng vài công năn thì nông dân đã bỏ túi ít nhất vài trăm ngàn đồng mỗi ngày (khi năn vào vụ thu hoạch). Thêm nữa, cây năn phù hợp với vùng đất trũng bị nhiễm phèn. Nông dân cũng có thể tận dụng thả cá nuôi trong ruộng năn, thu nhập cũng khá.
Không chỉ được bán ở vùng nông thôn, năn cũng có mặt ở các chợ trung tâm của tỉnh Sóc Trăng. Không chỉ có mặt trong mân cơm gia đình mà năn cũng “lên mân” trong các đám tiệc, được nhiều thực khách ưa thích. Loại “rau đồng” này không kén người ăn và ăn hoài cũng không thấy ngán nên nó cũng có mặt tại các quán ăn, kể cả nhà hàng sang trọng.
Ông Nguyễn Trường Vũ - quản lý Nhà hàng Hưng Lộc Phát ở TP. Sóc Trăng cho biết: “Hiện nhà hàng có các món chế biến từ năn như năn xào, năn làm gỏi, ăn với lẩu, ăn với các món kho…Đặc biệt nhà hàng có món thịt trâu kho tương ăn kèm với năn. Một ngày, nhà hàng cũng tiêu thụ ít nhất là 15kg năn (loại năn đã tách vỏ ngoài, chưa lặt bỏ phần già), có hôm khách đặt tiệc thì tiêu thụ hơn 75kg. Món năn thường được khách chọn để đãi bạn ở phương xa đến Sóc Trăng tham quan, du lịch”.
Năn thường có mặt trong các buổi tiệc đãi khách phương xa. Ai từng ăn qua thì không thể ngừng đũa với món “rau đồng” đặc trưng vùng sông nước.
Cho nên hiện nay, con đường tiêu thụ năn khá ổn định và người trồng chỉ cần thu hoạch là có người đến tận nhà mua. Chị Lệ hồ hởi: “Nhổ được bao nhiêu bán đều hết. Nhiều người trồng nhiều quá không nhổ xuể thì thuê giá 2.000 đồng/kg. Mua về họ giao hàng ở các tỉnh lân cận, bán đi xa nhất là đóng thùng đưa lên các nhà hàng trên TP. Hồ Chí Minh”.
Loay hoay chất những bó năn lên xe, chị Nghi ở xã Hưng Phú, huyện Phước Long (Bạc Liêu) tiếp lời: “Sáng tôi chạy xe qua TX. Ngã Năm mua năn. Vào mùa mưa, ngày mua tầm 300kg. Mình chuyển bán ở Bạc Liêu, có người lấy hàng bán ở Cà Mau luôn, lên thành phố cũng có. Rồi nhà nào có đám tiệc dặn tôi giao luôn. Nhiều người ưa năn lắm, không sợ ế”. |
Tuy nhiên, có nhiều rào cản khiến cho sản vật “hương đồng gió nội” này không thể “vượt biên” đến vùng đất xa hơn. Chị Lệ chia sẻ: “Năn không thể đi xa hơn vì không để lâu được, dùng trong ngày, nếu trữ lạnh để quá 2 ngày là năn hết ngon. Nhưng nếu bảo quản không tốt, thì năn xuống màu, mất ngon. Hiện cũng có nhiều người làm dưa năn bán nhưng cũng chỉ vài ngày thôi”...
Chị Lệ cho biết thêm: "Cho nên, tuy được người nông thôn cũng như người phố thị “sủng ái” đưa vào bữa cơm trong gia đình hay xuất hiện trong quán ăn, nhà hàng nhưng năn không thể đi xa. Những quán ăn, nhà hàng chỉ mua năn với số lượng vừa phải vì sợ hư hỏng. Ông Vũ cho hay: “Thường Nhà hàng Hưng Lộc Phát không mua năn số lượng lớn. Như sáng mua về tiêu thụ hết thì trưa mua tiếp, trưa dùng hết thì chiều mới mua thêm”.
Vì chuyện không bảo quản lâu nên những du khách đến Sóc Trăng đã từng thưởng thức món năn cũng tiếc rẻ không thể mua về làm quà. Để đưa sản vật đặc trưng của vùng sông nước đi đến vùng xa, tiêu thụ rộng khắp thì cần có một giải pháp hữu hiệu, quan trọng là tăng thời gian sử dụng.
Đó là một trong những trăn trở của ngành nông nghiệp địa phương nên trước mắt ngành nông nghiệp không khuyến khích người dân mở rộng diện tích, chuyển đổi ồ ạt đất trồng lúa sang trồng năn để trách tình trạng cung vượt cầu. Một khi loại rau dễ mất màu, mất vị ứ hàng thì người nông dân lại chịu thiệt thòi, ứa nước mắt trên ruộng năn vì chịu nhiều cực khổ nhưng không bán được sản phẩm.
Chị Lệ than thở: “Làm năn tuy có tiền nhưng cực lắm. 11 giờ tối thức nhổ năn đến 3 giờ sáng, ngâm mình trong nước lạnh mấy tiếng đồng hồ. Người trồng năn chỉ lấy công làm lời chớ… biết làm gì hơn”. Kết thúc câu nói, chị thở dài và đưa mắt hướng về ruộng năn như mong chờ một sự chuyển mình nào đó để trong tương lai gia đình chị và những người dân gắn bó với loại sản vật vùng sông nước bớt nỗi lo hơn. |
Hoài Thương (Báo Sóc Trăng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.