Ái Thượng là xã khó khăn của huyện Bá Thước với 1.115 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm 53%. Đồng bào Mường, Thái chiếm 90% dân số, với phong tục dùng nước suối, mó nước là chính, rất ít hộ đào giếng, xây bể chứa nước. Mùa khô, nhiều hộ phải đi gần 1 cây số để gánh nước. Mùa mưa nước đục, cuốn theo nhiều tạp chất, giun sán.
|
Niềm vui của anh Bùi Văn Ảnh khi có giếng, bể nước sạch dùng. |
Có nước sạch
Khi được Ngân hàng CSXH hỗ trợ vay vốn đào giếng, xây bể chứa nước sạch, người dân nơi đây phấn khởi lắm. Ông Bùi Văn Thự - Chủ tịch Hội ND xã Ái Thượng cho hay: "Xã có 955 hội viên, chia thành 12 tổ vay vốn. Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi đã đào và xây được gần 60 cái giếng và bể nước sạch, mỗi công trình trị giá 8 triệu đồng. Đến nay, cơ bản các hộ đều có nước sạch để dùng. Cuối năm nay sẽ có khoảng 30 cái giếng, bể nước hoàn thành".
Bà Bùi Thị Hoa (thôn Giổi) đang vặn vòi xả nước rửa rau phấn khởi nói: "Năm ngoái, gia đình tôi được vay 8 triệu đồng để đào giếng và xây bể. Từ ngày có bể vừa nhàn, vừa tiện, nước lại sạch, chứ trước đây dùng nước suối hay bị đau bụng lắm".
Có vốn làm ăn
Dẫn chúng tôi đi thăm những hộ vừa xây bể nước sạch, ông Thự bảo, nhờ được vay vốn mà mấy năm gần đây đã có rất nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Anh Bùi Văn Ảnh từng nằm trong danh sách hộ nghèo của thôn Giổi. Năm 2009, được Ngân hàng CSXH cho vay 8 triệu đồng, anh mua máy xát và nuôi lợn. Nhờ chịu khó làm ăn, gia đình anh đã thoát nghèo. Nhận thấy nhu cầu cống giếng, cống thoát nước ngày càng lớn, anh đã mạnh dạn vay vốn mua máy trộn bê tông về đúc cống bán.
Tính đến ngày cuối tháng 8.2011, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Bá Thước là 213,367 tỷ đồng. Trong đó vốn cho vay hộ nghèo 112,920 tỷ đồng, nước sạch 41,752 tỷ đồng, vốn SXKD vùng khó khăn 2,460 tỷ đồng.
Ông Hồ Minh Hoàn - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Bá ThướcAnh Ảnh cho hay: "Hiện tôi thuê 3 người làm, với công từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, mỗi tháng xuất khoảng 150 cái cống, trừ chi phí lãi 8 triệu đồng". Năm 2010, anh Trần Văn Minh, thôn Giổi vay 15 triệu đồng Ngân hàng CSXH. Anh vay thêm gia đình, bạn bè mở cửa hàng tạp hóa cung ứng phân bón, lân đạm, thức ăn gia súc, gia cầm tại nhà.
Từ cửa hàng tạp hóa nhỏ, đến nay anh đã phát triển thành đại lý, mỗi tháng xuất gần chục tấn hàng các loại. Phân bón, thuốc trừ sâu anh cho chịu 50% đến mùa trả lúa, còn thức ăn chăn nuôi khi lợn, gà xuất chuồng mới phải trả gốc, nên bà con rất phấn khởi. "Ngân hàng giúp mình, mình có điều kiện hơn thì giúp bà con. Có phân bón cây màu tốt, có thức ăn con lợn, gà nhanh lớn bà con có lãi, thì mình cũng có lời" - anh Minh chia sẻ.
Ông Hồ Minh Hoàn- Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Bá Thước cho hay, huyện có 23 xã thì 22 xã thuộc diện khó khăn, dân cư thưa, đường sá đi lại khó khăn có điểm giao dịch cách trung tâm tới 50km. Nhưng với sự nỗ lực của cán bộ ngân hàng và các tổ tín dụng nên đồng vốn được sử dụng rất hiệu quả. Năm 2010 đã có 652 hộ thoát nghèo, số hộ khá giả liên tục tăng.
Nguyễn Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.