Cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Nghệ sĩ lo phải đi lái tàu!

Thanh Hà Thứ sáu, ngày 06/05/2016 06:38 AM (GMT+7)
Mấy ngày qua, giới nghệ sĩ cũng như công chúng yêu điện ảnh đang xôn xao việc Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) có chủ sở hữu mới là Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso). Trả lời về những lo lắng xung quanh số phận VFS và tương lai các nghệ sĩ, lãnh đạo Vivaso cho biết, mối lo nghệ sĩ phải đi lái tàu thủy là không có cơ sở.
Bình luận 0

Tài sản VFS không phải là đất vàng

Ngay khi Vivaso mua cổ phần VFS, nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư chiến lược đã “vớ bẫm” khi có được hợp đồng quá hời từ quỹ đất mà VFS đang được phép sử dụng. Chia sẻ về nhận định này, ông Nguyễn Danh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vivaso cho hay: “Chúng tôi là những nhà  đầu tư thuần túy, không được phép tham gia đánh giá giá trị doanh nghiệp. Tại địa chỉ chính của VFS ở địa chỉ số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) có diện tích quỹ đất là hơn 5.000m2. Ngoài ra có gần 1.000m2 ở phố Hoàng Hoa Thám; có một phần đất trường quay ở Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, thêm vào đó là một chi nhánh ở TP.HCM. Tuy nhiên, nói đến quỹ đất, theo quy định, VFS đang thuê quỹ đất từ nhà nước. Vì vậy, không thể đánh giá tài sản, giá trị của VFS là quỹ đất vàng”.

img

“Đến hẹn lại lên”- một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.Ảnh: Internet

Theo tìm hiểu của  NTNN, trong hồ sơ chuyển nhượng đã có cam kết giữa nhà đầu tư chiến lược với Bộ VHTTDL là sẽ sử dụng quỹ đất tại địa chỉ số 4 Thụy Khuê quản lý điều hành cũng như văn phòng để phục vụ sản xuất phim.

Ngoài ra, ông Nguyễn Danh Thắng cũng cho hay, trong tiêu chí đầu tư chiến lược được Bộ VHTTDL phê duyệt, điều đầu tiên trong cam kết trong vòng 5 năm là nhà đầu tư chiến lược phải sử dụng tối thiểu 20%  vốn điều lệ của công ty để phục vụ cho sản xuất phim cũng như hoạt động điện ảnh. Với tiêu chí đó, số vốn điều lệ của công ty khi đưa ra là 50 tỷ đồng và số tiền dành để sản xuất phim là 10 tỷ đồng một năm. “Nhiều nghệ sĩ hoang mang, thậm chí có người lo sẽ phải đi lái tàu thủy thay vì đóng phim. Tôi đã có buổi gặp gỡ với tất cả thành viên VFS và chia sẻ, thực chất của cổ phần hóa chỉ là thay đổi tên của hãng cũng như có thêm sự đầu tư. Giữa Vivaso và VFS vẫn là 2 doanh nghiệp hoạt động độc lập”- ông Thắng nói.

VFS khó sống với tình yêu bằng lời nói

“Chúng tôi cứ nghĩ, VFS sẽ được nhiều người quan tâm. Thế nhưng, chờ đợi đến ngày cuối cùng của hạn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, còn đúng 15 phút cuối trong ngày  mới xuất hiện một công ty đến nộp hồ sơ, đó chính là bên Vivaso”.
NSƯT, đạo diễn Vương Đức

Ngày 5.5, trao đổi với NTNN, NSƯT, đạo diễn Vương Đức - Giám đốc VFS cho biết, việc định giá VFS với tổng giá trị tài sản chỉ gần 20 tỷ đồng là hoàn toàn chính xác vì đất đai của hãng phim rất nhiều nhưng tính pháp lý không có.

Đạo diễn Vương Đức cho biết: “Từ khi tôi được bổ nhiệm Giám đốc VFS, tôi được bàn giao tài sản với số vốn rất ít. Một thời gian rất dài, VFS không được đầu tư, chỉ rót tiền đầu tư làm phim. Điều này khiến  giá trị doanh nghiệp được định giá rất thấp”.

Trăn trở và đầy tâm tư ở vai trò là người quản lý khi VFS bước sang giai đoạn cổ phần hóa, đạo diễn Vương Đức chia sẻ, ông khá bất ngờ khi chỉ có một nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ. “Thật tâm tôi phải nói rằng, nhiều người cứ nói yêu điện ảnh, yêu hãng phim truyện, nhưng đó là chỉ là lời nói chứ không thực lòng bằng hành động. Điều đó khiến VFS khó khăn là đương nhiên”- đạo diễn Vương Đức nói. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem