Có sự “đánh tráo" khái niệm về Đàn Xã Tắc?

Thứ năm, ngày 18/04/2013 15:01 PM (GMT+7)
Dân Việt - Ngay sau loạt bài về di tích Đàn Xã Tắc được đăng trên Dân Việt, TS Nguyễn Hồng Kiên-Viện Khảo cổ, người trực tiếp tham gia khai quật di tích Đàn Xã Tắc, đã có ý kiến phản hồi về việc xây dựng cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa đi qua di tích này.
Bình luận 0

Theo tiến sĩ thì việc khoanh vùng bảo vệ khu khảo cổ học đã khai quật hoàn toàn không đồng nghĩa với khoanh vùng bảo vệ khu di tích đàn tế Xã Tắc Thăng Long các thời Lý - Trần - Lê.

img
 

“Khu vực chúng tôi đã khai quật năm 2006-2007 nằm sát mép đường đỏ chỉ giới giải phòng mặt bằng, cũng là mép đường hiện nay. Đặc biệt, hố khai quật số IV mở rộng (H. IVMR) là nơi đã phát hiện được các di tích kiến trúc, các di vật giúp khẳng định đây là khu vực trung tâm của đàn tế. Các dấu vết khi khai quật đều cho thấy di tích khu trung tâm đàn tế còn tiếp tục chạy dài hơn về phía Bắc (tức phía khu dân cư hiện nay) và phía Đông (đã làm đường), và trên thực tế đảo giao thông hiện nay gần như nằm ngoài khu vực đã khai quật”- TS Nguyễn Hồng Kiên cho biết.

Theo tiến sĩ, văn bản “Biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích khảo cổ học đàn Xã Tắc (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội)” ghi: “ Phía Bắc giáp: Khu đất trống và khu dân cư phường Nam Đồng.” Dù chưa có bản vẽ khoanh vùng bảo vệ di tích này, thì cũng thấy rất rõ là bán đảo giao thông hiện nay không phải là di tích Đàn Xã Tắc đã được xếp hạng.

Có vẻ như việc khoanh vùng bảo khu vực đã khai quật khảo cổ học chỉ là động thái ghi nhận, đánh dấu di tích mà thôi. Nói một cách hình ảnh: khảo cổ mới khẳng định được cái bàn thờ trong một kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng chứ chưa xác định được khuôn viên ngôi nhà thờ họ, chùa, đình…đó.

Cũng theo tiến sĩ Kiên thì vào năm 2007, Ông Nguyễn Quốc Triệu bấy giờ là Chủ tịch UBND Hà Nội đã kết luận tại Hội thảo khoa học về đàn Xã Tắc vào sáng 18.1.2007 như sau: “Khẳng định di tích là Đàn Xã Tắc; Thống nhất bảo tồn di tích, cụ thể là xây đường tách ra hai bên di tích…”, nếu làm được điều đó thì vấn đề đã được giải quyết từ năm 2007, chứ không phải bây giờ nhưng vì không thực hiện thì càng về sau sẽ càng tốn kém gấp bội. Việc mở đường (sau khi khai quật khảo cổ học) ít ảnh hưởng đến di tích nằm trong lòng đất, còn xây trụ làm cầu vượt nhất định sẽ phá hủy di tích.

“Tôi cho rằng họ đã và đang có một nhầm lẫn cố tình khi cho rằng di tích Đàn Tế Xã Tắc Thăng Long các thời Lý-Trần-Lê chỉ nằm trong bán đảo giao thông hiện nay. Có thể nói đó là một sự “đánh tráo khái niệm”. Tôi mong các nhà quản lý hãy suy xét thật chín, vì đàn tế Xã Tắc từng là một biểu tượng của quốc gia, dân tộc.Không có một di tích nào thiêng liêng hơn”- TS Nguyễn Hồng Kiên chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem