Có thể thiếu thịt lợn nhiều hơn dự tính, lượng nhập khẩu không đủ bù

Thanh Phong Thứ ba, ngày 17/12/2019 12:31 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu 200.000 tấn do Bộ NN&PTNT ước tính. Bên cạnh đó, số lượng thịt lợn nhập khẩu tính tới thời điểm hiện tại chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Bình luận 0

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho hay, tính đến tháng 11/2019, tổng đàn lợn cả nước giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước. Do diễn biến khó lường của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung tiếp tục giảm khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng. 

Từ tháng 6 đến nay, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019). 

Hiện nay, giá các sản phẩm thịt lợn đang ở mức rất cao (lợn hơi hiện ở mức 80.000 – 90.000đ/kg, tăng 10.000đ/kg so với tuần trước, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000 – 180.000đ/kg, tăng 15.000 – 20.000đ/kg so với tuần đầu tháng 12 năm 2019).

img

Lượng thịt lợn thiếu hụt cuối năm sẽ nhiều hơn dự tính

Ngoài ra, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, số lượng lợn thiếu hụt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ NN&PTNT ước tính. Nguyên nhân là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không dám tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh.

Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm. 

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, thời gian đầu khi xuất hiện bệnh dịch nhu cầu tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, do giá thịt lợn đắt và thiếu khiến nhu cầu tiêu dùng giảm so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, hiện tại, lượng thịt cần cung cấp cho thịt trường có xu hướng tăng (dự báo tăng mạnh nhất trong tháng 1 năm 2020).

“Dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 2018 do giá quá đắt nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 300.000 – 320.000 tấn/tháng. Như vậy, dự báo nhu cầu cho tháng 12 năm 2019 và tháng 1 năm 2020 khoảng 600.000 tấn.” Bộ Công Thương cho hay.

Đáng chú ý, theo nhận định từ Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng thịt nhập khẩu này khó có thể bù đắp được sự thiếu hụt trong thời điểm cuối năm. 

“Trong tháng 10/2019, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, đứng thứ 2 là thị trường Đức, đứng thứ 3 là thị trường Hoa Kỳ, tiếp theo là thị trường Hà Lan. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.” Bộ Công Thương cho hay.

Bộ NN&PTNT thông tin thêm, hiện nay, có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại, việc nhập khẩu thịt lợn vẫn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản thịt lợn đông lạnh sau nhập khẩu. 

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh vẫn rất khiêm tốn, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến. Ngoài ra, tình trạng “găm hàng, thổi giá” của một số đơn vị chăn nuôi, cũng như tình trạng xuất lậu lợn sang Trung Quốc cũng khiến mặt hàng này càng đắt và thiếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem