Có tổ hợp tác thu mua rau màu, nông dân một xã ở An Giang không còn lo "dội chợ"

Chủ nhật, ngày 31/07/2022 18:26 PM (GMT+7)
Lâu nay, điệp khúc được mùa mất giá, “giải cứu nông sản”… là tình trạng diễn ra quen thuộc đối với người nông dân. Tổ hợp tác thu mua rau màu do Hội Nông dân xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang thành lập đã giúp nông dân an tâm sản xuất, không còn lo lắng về đầu ra hay chịu lỗ vì bị thương lái ép giá.
Bình luận 0

Để hỗ trợ nông dân có kênh tiêu thụ rau màu hiệu quả, đảm bảo chi phí canh tác, có lợi nhuận, Hội Nông dân xã Bình Thành tham mưu Đảng ủy, UBND xã Bình Thành thành lập Tổ hợp tác thu mua rau màu. Tổ ra mắt tháng 5/2020 với 13 thành viên, trong đó có 1 tổ trưởng. 

Ngay từ đầu năm, tổ xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên. Các thành viên sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống rau màu (đảm bảo nguồn gốc, giá thành) được Hội Nông dân huyện cung ứng. 

Sau khi canh tác và tiêu thụ, hội viên mới trả chi phí cho hội. Sự hỗ trợ này đã phần nào giúp hội viên an tâm sản xuất và cung cấp ra thị trường các loại rau màu an toàn, chất lượng.

Có tổ hợp tác thu mua rau màu, nông dân xã này của tỉnh An Giang không còn lo "dội chợ" - Ảnh 1.

Tổ hợp tác thu mua rau màu giúp nông dân xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang an tâm sản xuất

Theo đó, rau màu của thành viên nào đến kỳ thu hoạch sẽ được thông báo trước 1 ngày để tổ chuẩn bị. Sau khi thu hoạch xong, nông sản được tập hợp tại nơi tập kết thu mua của tổ hợp tác. Các thành viên trong tổ hỗ trợ nhau vận chuyển lên xe đi tiêu thụ. Tổ có 1 xe tải với tải trọng khoảng 3 tấn do các thành viên đóng góp kinh phí mua trả góp (400 triệu đồng). Vì vậy, mọi người rất an tâm trong khâu vận chuyển.

“Với mục đích là hỗ trợ đầu ra rau màu cho nông dân, không vì lợi nhuận nên tổ thu mua sát với giá thương lái thu mua của nông dân. Nhờ vậy, các thành viên trong tổ đều rất phấn khởi, an tâm sản xuất, không sợ bị thương lái ép giá hay ùn ứ không nơi tiêu thụ. 

Ngoài thu mua hỗ trợ các thành viên trong tổ, tổ hợp tác còn mở rộng hoạt động thu mua rau màu của nông dân trên địa bàn trong và ngoài xã (nếu nông dân có nhu cầu). Hiện, tổ hợp tác đạt doanh thu từ 10-15 triệu đồng/tháng” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thành Lê Văn Hải cho biết.

Các đầu mối thu mua rau màu do tổ hợp tác cung ứng chủ yếu các chợ đầu mối ở TP. Long Xuyên, TP. Hồ Chí Minh. Hội Nông dân xã thực hiện vai trò “cầu nối” chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân và phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thoại Sơn nhằm hỗ trợ vốn vay cho hội viên nông dân thâm canh cây trồng nhằm đạt hiệu quả cao nhất. 

Thời gian qua, do thiếu sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, dẫn tới tình trạng rau màu trồng ra bán nhỏ lẻ, bị thương lái ép giá nên lợi nhuận không cao, nhiều khi sản phẩm không bán được, nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Tổ hợp tác thành lập đã phần nào giải được bài toán đầu ra rau màu cho nông dân trên địa bàn xã Bình Thành. Ngoài ra, với việc thành lập tổ hợp tác còn giúp nông dân có nơi để hội viên trao đổi về các biện pháp sản xuất, đồng thời được tập huấn về kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo nông sản sản xuất được an toàn.

“Chúng tôi đang tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, mở rộng thêm các kênh tiêu thụ khác nhằm chủ động hơn về đầu ra của sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất” - ông Lê Văn Hải chia sẻ thêm.

Với khoảng 10 công rau màu, anh Nguyễn Văn Thật (ngụ ấp Bình Thành, xã Bình Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác thu mua rau màu) chia sẻ: “Trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, nhờ tham gia tổ hợp tác mà tôi và các thành viên trong tổ tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt, đảm bảo lợi nhuận sau thu hoạch. Không chỉ đảm bảo đầu ra, các thành viên trong tổ còn được định hướng sản xuất, điều tiết trồng rau màu để không bị “dội chợ”. 

Nghĩa là, sau mỗi đợt thu mua và bán hàng cho thương lái, tôi sẽ trao đổi, nắm bắt thông tin thị trường rau màu từ thương lái, như: Dưa leo đang thừa, mướp đang thiếu… Từ đó, tôi sẽ định hướng các thành viên nên chọn trồng loại rau màu gì cho mùa sau, vừa mang lại hiệu quả, vừa không chịu cảnh được mùa, mất giá” - anh Thật bày tỏ. Mỗi ngày, tổ hợp tác thu mua từ 3-4 tấn rau màu. Nông dân trên địa bàn xã đa phần đều rất tin tưởng, ủng hộ hoạt động của tổ.

“Để nông dân yên tâm sản xuất, Hội Nông dân xã Bình Thành còn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thoại Sơn hỗ trợ vốn vay ưu đãi với số tiền vay tối đa 50 triệu đồng/hộ nông dân. Năm 2021, đã có 10 hộ nông dân được giải ngân, với tổng số tiền 500 triệu đồng. Ngoài ra, năm 2022, Hội Nông dân xã Bình Thành giới thiệu 12 hộ nông dân được nhận vốn vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện Thoại Sơn, với tổng số tiền 150 triệu đồng” - ông Lê Văn Hải thông tin thêm.

Hiện, tổng diện tích trồng rau màu trên địa bàn xã Bình Thành là 30ha với các loại: Dưa leo, bầu, mướp, bí, các loại củ, ớt… Trong đó, tổng diện tích trồng màu của 13 thành viên trong tổ hợp tác là 5ha được canh tác đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phương Lan (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem