Con động vật hoang dã lắm chân này nuôi thành công dưới tán rừng, dân Sóc Trăng hễ bắt bán là hết sạch

Ngọc Thơ (Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng) Thứ sáu, ngày 15/11/2024 12:42 PM (GMT+7)
Huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) đã hỗ trợ nông dân thực hiện thành công mô hình nuôi ba khía (một loài động vật hoang dã lớp giáp xác) dưới tán rừng. Mô hình còn kết hợp ương dưỡng, sản xuất giống ba khía nhằm chủ động nguồn giống chất lượng để duy trì và phát triển mô hình về sau.
Bình luận 0
Nếu như trước đây, ba khía chỉ là món ăn dân dã ở đồng quê thì ngày nay, “sản vật” này đã và đang trở thành món ăn hút khách tại nhiều quán ăn, nhà hàng ở thành thị. 

Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng tăng cao cùng tiềm năng thổ nhưỡng khá thích hợp tại khu vực rừng ngập mặn ở địa phương, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) đã hỗ trợ nông dân thực hiện thành công mô hình nuôi ba khía (một loài động vật hoang dã thuộc lớp giáp xác) dưới tán rừng.

Mô hình còn kết hợp ương dưỡng, sản xuất giống ba khía nhằm chủ động nguồn giống chất lượng để duy trì và phát triển mô hình về sau.

Đầu năm 2023, Hợp tác xã An Phú Hưng ở ấp Vàm Hồ A, xã An Thạnh Nam được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) hỗ trợ 500kg ba khía giống để thực hiện thí điểm mô hình nuôi ba khía dưới tán rừng. 

Vì là loài động vật hoang dã thuộc lớp động vật giáp xác sống lưỡng cư thích hợp với rừng ngập mặn, khu vực bãi bồi nên ba khía lớn nhanh, đạt tỷ lệ sống cao. 

Sau gần 6 tháng, người nuôi con ba khía đã có thể thu hoạch với năng suất đạt từ 15 con/kg, giá bán 70.000 đồng/kg. 

Theo chia sẻ của hộ nuôi, mô hình nuôi ba khía ít tốn chi phí sản xuất do tận dụng chủ yếu là nguồn thức ăn ngoài tự nhiên. 

Người nuôi con ba khía chỉ cần bỏ ra chi phí đầu tư ban đầu trong việc rào, tấn lưới xung quanh khu vực nuôi để tránh thất thoát. 

Ngoài giá bán ba khía ít biến động so với các đối tượng vật nuôi khác, nguồn cung ba khí thịt hiện cũng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khá cao của thị trường. 

Ông Bùi Thanh Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã An Phú Hưng, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Hiện giờ con ba khía bán có giá lắm, do có thể chế biến được nhiều món nên người dân rất chuộng, nuôi con đặc sản này thì không bao giờ lo đến chuyện không bán được. 

Nuôi con ba khía cũng đỡ tốn công lắm, chỉ cần coi sóc xem lưới có bị rách không để chỉnh sửa lại để ba khía không bò ra ngoài”.

Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến giống loài ba khía trở nên khan hiếm. 

Để chủ động nguồn giống tại chỗ cung cấp cho các tổ viên có nhu cầu tiếp cận mô hình cũng như phục hồi và bảo tồn giống loài ba khía trong hệ thống rừng phòng hộ tại địa phương, đầu năm 2024, Hợp tác xã tiếp tục được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 50 kg ba khía ôm trứng để thực hiện thử nghiệm mô hình ương dưỡng và sản xuất ba khía giống.

img

 Mô hình nuôi ba khía dưới tán rừng ngập mặn thực hiện ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng). Con ba khía là động vật hoang dã thuộc lớp động vật giáp xác, những năm gần đây con ba khía là con đặc sản.

Sau thời gian ương thuần tại khu vực ao đất lót bạt từ 18 - 20 ngày, khi ba khía chuẩn bị nở ra ấu trùng sẽ được thả ra khu vực bãi bồi có rào lưới (nhằm tránh cho ba khía bò ra ngoài cũng như tình trạng thiên địch ăn ba khía con khi nở). 

20 ngày tiếp theo, khi ba khía con đạt kích cỡ 5 mm, Hợp tác xã sẽ phân phối cho các tổ viên để nuôi thương phẩm. 

Cái lợi lớn nhất của cách làm này là nhờ ương trong môi trường tự nhiên nên khi thả ra môi trường ngoài, ba khía có sức đề kháng tốt, dễ thích nghi, nhờ vậy khi nuôi thịt sẽ đạt tỷ lệ sống cao hơn. 

Ông Bùi Thanh Hoàng cho biết thêm: “Hồi xưa ở khu vực này, vào lúc con nước rằm hoặc 30 của tháng 8, tháng 9, tháng 10 âm lịch thì con ba khía sinh sản nhiều lắm nhưng bây giờ không còn nữa. 

Thêm vào đó, nếu cứ thi nhau bắt thì con ba khía giống cũng sẽ không được nhiều nên Hợp tác xã quyết định ương ba khía giống rồi từ từ nhân rộng ra để bán lại cho bà con nuôi. Bước đầu làm cũng đạt lắm”.

Hiện nay, con ba khía là một trong những con động vật đặc sản có thể chế biến trên 40 món ăn khác nhau. Bên cạnh đó, ba khía sống còn có thể vận chuyển xa để phục vụ cho nhiều mục đích thương mại. 

Vì vậy, điểm an toàn khi thực hiện mô hình nuôi ba khía là người nuôi sẽ không phải lo ngại nhiều về vấn đề tiêu thụ như nhiều đối tượng vật nuôi khác. Điều quan trọng là cần chủ động giải pháp quản lý, bảo tồn nguồn ba khía giống thật tốt để tránh việc khan hiếm con giống phục vụ nhu cầu nhân rộng mô hình.

Đồng chí Lâm Ánh Tiên - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, thông tin: “Đầu tiên, chúng ta phải chú ý vào mùa sinh sản của ba khía (tức là mùa ba khía bắt cặp giao vỹ), bà con nên hạn chế đánh bắt. 

Thứ hai, những con ba khía ôm trứng khi đánh bắt được bà con nên thực hiện mô hình ương nuôi, để đưa chúng ra môi trường sinh thái tự nhiên để chúng nở ra ấu trùng. 

Ở những vùng này, khi thủy triều lên sẽ mang phù sa kèm theo nguồn thức ăn tự nhiên giúp cho ba khía con phát triển. Làm như vậy, chúng ta sẽ từng bước ổn định được nguồn giống ngoài tự nhiên, cũng như có thể chủ động được nguồn giống tốt để phát triển nuôi đối tượng này trong hệ thống rừng ngập mặn”.

Ngoài mang đến hiệu quả kinh tế ổn định cho hộ nuôi, mô hình nuôi ba khía dưới tán rừng ngập mặn còn góp phần phục hồi môi trường sinh thái khu vực bãi bồi ven biển. 

Về lâu dài, khi mô hình được nhân rộng còn tạo thêm sinh kế bền vững để người dân địa phương cùng tham gia quản lý và bảo vệ rừng. Bởi một khi rừng phát triển tốt, ba khía sẽ có môi trường thuận lợi để sinh trưởng và phát triển, thu nhập của người dân từ đó sẽ được cải thiện hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem