"Con đường bác Trọng" và cuộc gặp gỡ đặc biệt 10 năm trước của đồng bào dân tộc ở Võ Miếu
"Con đường bác Trọng" và cuộc gặp gỡ đặc biệt 10 năm trước của đồng bào dân tộc ở Võ Miếu (Phú Thọ)
Hoan Nguyễn
Thứ năm, ngày 25/07/2024 13:58 PM (GMT+7)
Những đồng bào các dân tộc thiểu số ở Võ Miếu (Thanh Sơn, Phú Thọ) dù được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 10 năm trước, nhưng vẫn nhớ như in hình ảnh người lãnh đạo đáng kính, giản dị, gần gũi, nhớ từng lời bác hỏi thăm, động viên, căn dặn.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Phú Thọ vào ngày 5/4/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian đến thăm hỏi đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lời động viên, căn dặn các cán bộ, người dân và đến nay, nhiều người vẫn ghi nhớ, xúc động.
Nhớ mãi hình ảnh giản dị, gần gũi của Tổng Bí thư
Đã hơn 10 năm trôi qua, bà con dân tộc Mường, Dao, Mông… ở xã miền núi Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nhớ như in hình ảnh người lãnh đạo đáng kính, nhớ từng lời bác hỏi, bác dạy, bác dặn trong chuyến thăm vào ngày 5/4/2014.
Bà Hà Thị Mậu (68 tuổi, người dân tộc Mường, xóm Trại, xã Võ Miếu) bày tỏ niềm xót xa trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Biết tin bác Trọng mất, tôi sững sờ, bàng hoàng. Vẫn biết sinh, lão, bệnh, tử đời người không tránh khỏi, nhưng tôi thương bác vì đến những giây phút cuối đời vẫn tận hiến cho Đất nước, cho dân tộc".
Đôi mắt ngấn lệ, giọng run run bà Mậu kể: "Tôi vẫn còn nhớ như in sáng hôm đó là ngày 5/4/2014, bác Trọng mặc chiếc sơ mi màu xanh nhạt, bên ngoài mặc áo khoác tối màu giản dị, mái tóc đã bạc trắng, nụ cười tươi sáng, hiền từ trò chuyện, hỏi thăm, động viên bà con các dân tộc ở Võ Miếu chúng tôi. Bác giản dị và gần gũi lắm, nói rất từ tốn, chậm rãi để bà con dễ nghe, dễ hiểu. Bác xưng 'chúng ta' và gọi người dân là các cụ, các ông, các bà, các anh, các chị, các cháu… rất thân thiết, mến thương vô cùng".
Theo lời bà Mậu, lúc đầu, bà cùng nhiều bà con không dám đến gần bác, bởi lần đầu gặp có chút không tự nhiên, hồi hộp, bối rối. Nhưng điều này nhanh chóng qua đi. Bà Mậu không bao giờ quên khoảnh khắc được bác Trọng ân cần nắm tay, rồi bảo tự giới thiệu về bản thân.
"Bác còn hỏi tỉ mỉ tôi rằng: Chị ở khu nào trong xã, là người dân tộc gì, chăn nuôi con gì, cuộc sống có bị đói, bị rét không? Tôi bảo, tôi là người dân tộc Mường, cuộc sống bám ruộng, bám đồi để cấy lúa, trồng chè, chăn nuôi lợn, gà. Cuộc sống không còn bị đói, bị rét, nhưng vẫn còn nghèo lắm, nhất là đường xá giao thông cực kỳ khó khăn đi lại. Cứ vào mùa mưa, nước sông, suối dâng cao, lũ về là bà con không đi lại được, bị cô lập. Các cháu nhỏ không đến trường học được, còn người bị ốm đau, bệnh tật cũng không thể di chuyển lên bệnh viện thị trấn, huyện, tỉnh để chữa chạy kịp thời được" - bà Mậu nhớ lại.
Còn ông Hà Quang Nguyện (63 tuổi, khu Bần 1, xã Võ Miếu) lúc đó là Bí thư chi bộ khu Bần 1, chia sẻ, ông cũng như đông đảo bà con ở đây không thể quên ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc với người dân xã Võ Miếu.
Theo lời kể của ông Nguyện, hơn 10 năm trước, cuộc sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng, kết cấu giao thông còn yếu kém, không có lấy một tuyến xe cố định nào hoạt động khiến kinh tế - xã hội của địa phương không thể bứt phá.
"Từ Võ Miếu đến trung tâm huyện chỉ 13km, nhưng bà con phải đi mất hơn 1 giờ đồng hồ mới đến nơi. Nhiều lần, đi khám bệnh, đi bán hàng nông sản ra ngoài huyện, khi trở về trời đổ mưa to thì phải mất vài tiếng mới di chuyển đến nhà" - ông Nguyện nói.
Ngày 5/4/2014, khi được báo tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp về đến hội trường xã, ông cùng bà con hân hoan và không khỏi hồi hộp, bởi họ chuẩn bị được gặp gỡ, trò chuyện và bày tỏ tâm tư với vị lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Trong buổi gặp gỡ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ân cần hỏi thăm, trò chuyện từ các cụ già đến các em nhỏ. Bác thương bà con đồng bào dân tộc Mường, Dao… ở Võ Miếu còn nghèo, đường giao thông hư hỏng nghiêm trọng, mùa mưa lũ bị chia cắt.
"Hôm đó, bác bắt tay tôi và nói chúng ta phải cố gắng. Bác động viên, căn dặn tôi cùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã Võ Miếu cứ yên tâm, chúng ta đều là người dân tộc Việt Nam. Bà con phải đảm bảo sức khỏe, đoàn kết, hăng hái sản xuất lao động, đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa bão" - ông Nguyện vẫn còn nhớ như in những lời Tổng Bí thư căn dặn.
"Con đường bác Trọng"
Ông Hà Văn Thạo, Bí thư Đảng ủy xã Võ Miếu (thời điểm đó đang làm Chủ tịch UBND xã Võ Miếu) vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng bức ảnh "Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch". Những lời dặn dò của Tổng Bí thư đã theo ông suốt hơn 10 năm nay, trở thành kim chỉ nam trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của xã Võ Miếu.
"Tôi ấn tượng đặc biệt với câu hỏi đơn giản, nhưng rất tinh tế, bám sát thực tiễn cuộc sống người dân, địa phương của bác Trọng. Bác hỏi: Dựa vào đâu, xã Võ Miếu báo cáo có 15% hộ khá, giàu?. Bác vừa hỏi dứt lời, tôi bình tĩnh trả lời ngay: Tiêu chí hộ nghèo Võ Miếu làm, xét duyệt theo đúng quy định chung của Chính phủ, trong đó căn cứ về thu nhập là dưới 500.000 đồng/người/tháng… Còn về hộ khá, hộ giàu thì không có quy định và hộ khá, giàu ở thành phố, ở huyện cũng khác ở nông thôn, miền núi. Ở xã miền núi khó khăn như Võ Miếu, những hộ có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng được sẽ được cho là hộ khá, hộ giàu. Lắng nghe lý giải của tôi xong, bác Trọng nở một nụ cười" - ông Hà Văn Thạo nhớ lại.
Ông Thạo cũng nhớ rõ Tổng Bí thư nhắc nhở cán bộ, bà con của xã cần chăm chỉ làm ăn, liên kết tập hợp sức mạnh của các hộ gia đình, lựa chọn các cây trồng là thế mạnh của địa phương như cây chè, cây lâm nghiệp (cây keo chủ yếu) để làm mũi nhọn phát triển kinh tế.
Xuất phát từ những đề đạt, tâm tư nguyện vọng của người dân xã Võ Miếu, ngay tại chuyến thăm và làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các ban, ngành Trung ương nghiên cứu, làm thủ tục và triển khai dự án cầu qua sông Bần xã Võ Miếu (cầu Bần) và đường tỉnh lộ 316C kết nối với cầu Bần.
Chỉ 3 tháng sau, dự án cầu Bần và tỉnh lộ 316C đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng để thay thế đập tràn dân sinh, mở rộng, nâng cấp tuyến đường giao thông theo tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng.
Đến năm 2018, dự án hoàn thành, con đường này đã trở thành huyết mạch giao thông, thay đổi hoàn toàn bộ mặt của xã Võ Miếu. Nhờ có con đường mới, kinh tế của Võ Miếu đã phát triển vượt bậc, đời sống của người dân khởi sắc. Người dân trong xã, trong vùng vẫn quen gọi tuyến đường với cái tên thân thương là "con đường bác Trọng".
Ông Hà Văn Thạo chia sẻ thêm, năm 2014, xã Võ Miếu không có doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ, tỷ lệ hộ nghèo 13%, thu nhập bình quân đầu người/năm dưới 20 triệu đồng.
Sau 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống dưới 3% trên tổng số 3.000 hộ, bình quân thu nhập đã đạt gần 42 đồng/người/năm.
Võ Miếu hiện nay đã có 13 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã hoạt động ở các lĩnh vực. Kinh tế phát triển kéo theo bộ mặt nông thôn đã thay đổi hoàn toàn, xã Võ Miếu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022; phấn đấu năm 2025 sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.