Ông Vũ Tiến Lộc không ngần ngại chỉ ra phần “lạnh” hiện nay nằm ở các Vụ, Cục, chuyên viên ở các Bộ, ngành
Câu chuyện mở đầu Hội thảo “Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018” của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc về tình trạng tồn tại ngày càng nhiều các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bất hợp lý, gây cản trở cho sự phát triển của nhiều ngành và của nền kinh tế đã mở đầu cho một buổi thảo luận sôi nổi, với nhiều câu chuyện, phân tích của các chuyên gia kinh tế và các hiệp hội doanh nghiệp xung quanh chủ đề kiến tạo môi trường kinh doanh.
Thậm chí, trong câu chuyện của mình, ông Vũ Tiến Lộc còn đưa ra một so sánh thú vị: “Con đường dài nhất Việt Nam không phải từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, mà là con đường từ lời nói đến hành động của một số cơ quan, tổ chức”.
Khi nhắc tới tình trạng “trên nóng-dưới lạnh”, ông Lộc cũng không ngần ngại chỉ ra phần “lạnh” hiện nay nằm ở các Vụ, Cục, chuyên viên ở các Bộ, ngành.
Thời gian chờ đợi vài năm đủ “giết” hàng vạn doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chúng ta đã nghe rất nhiều lời cảm ơn của các doanh nghiệp với các Bộ, ngành, VCCI vì đã giải tỏa được rào cản này, rào cản khác. Nhưng chưa ai lên tiếng chia buồn với các doanh nghiệp phải ra đi trước khi các cơ quan cải thiện được những điều kiện, rào cản này.
“Có những việc mất 2 năm, có những việc mất 3, 4 năm hoặc hơn để rồi ra được một Nghị định hoặc quy định về bãi bỏ điều kiện kinh doanh. Thời gian vài năm chờ đợi đó đủ giết hàng vạn doanh nghiệp rồi”, bà Phạm Chi Lan nhận xét.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Ảnh: I.T)
Theo đó, riêng 6 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký mới là 64.531, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng con số doanh nghiệp dừng hoạt động lên tới 52.803, tăng tới 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chưa bao giờ khoảng cách giữa 2 con số nêu trên lớn như bây giờ, số doanh nghiệp dừng hoạt động bằng 80% số doanh nghiệp mới ra đời. Tôi vẫn nói rằng số doanh nghiệp chết là chết thật, còn số đăng ký mới thì chưa biết bao giờ mới hoạt động.
Một con số khác cũng rất đáng lo là riêng quý II.2018, số việc làm mới được tạo ra chỉ là 283.000, giảm 17% so với quý II.2017. Như vậy, cùng với việc doanh nghiệp dừng hoạt động, nhiều công ăn việc làm mất đi.
Bà Chi Lan tỏ ra lo lắng: “Chưa cần tới những thách thức như Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các cam kết quốc tế, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, những thách thức trong nước cũng đủ làm doanh nghiệp chết, hàng vạn người lao động không có việc làm mới rồi”.
Theo bà Lan, đó là những yếu tố liên quan tới môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh quyết định 50% việc doanh nghiệp có tồn tại, phát triển được hay không.
Từ đây, bà Phạm Chi Lan tiếp tục đặt câu hỏi: “Tại sao lại khó khăn, lằng nhằng tới thế trong việc thay đổi những điều vô lý tồn tại bao nhiêu năm?”.
Rồi tự mình trả lời: “Tôi nghĩ tư duy vẫn là vấn đề lớn. Xuyên suốt trong tư duy của nhiều người làm công tác quản lý Nhà nước hiện nay vẫn mặc định cho rằng: Đã là doanh nghiệp thì có vi phạm, đã làm thế nào cũng sai, cho nên phải kiểm soát để tránh cái sai đó. Vì vậy, họ đặt ra rất nhiều điều kiện để kiểm soát.
Chúng ta đang đi ngược lại nguyên lý bình thường của quản lý Nhà nước của các nước. Ở nhiều nước, họ nắm lớn-buông nhỏ, Nhà nước chỉ quản lý, kiểm soát khu vực lớn nhất là khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực sử dụng nhiều tài sản nhất của Nhà nước. Nhưng ở Việt Nam, sự giám sát với DNNN hết sức lỏng lẻo, nên mất mát đối với nền kinh tế rất lớn, đó là buông lớn-nắm nhỏ”.
Khen Nghị định thay đổi tốt 1 thì phải chê sự cố thủ chậm trễ 10
Trong khi đó, LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC nêu ra thực trạng, nhiều nơi hô hào, thúc giục cải cách rất mạnh, nhưng chuyển động rất từ từ, ngắc ngứ, còn quá chậm thay đổi. Chưa kể còn tạo ra tác động phụ là tạo thêm nhiều khó khăn, xung đột mới ngoài mong muốn.
“Phản ánh Nghị định về Kinh doanh khí quá bất cập từ lâu và trái với nguyên tắc của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, nhưng năm 2016 Nghị định 19/2016/NĐ-CP sửa đổi kiên quyết không tiếp thu. Và phải mất hơn 2 năm sau mới sửa đổi được bằng Nghị định 87/2018/NĐ-CP. Hàng trăm doanh nghiệp ra đi. Vậy thì khen Nghị định thay đổi rất tốt 1 thì phải chê sự cố thủ chậm trễ 10.
Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh gạo, đã 8 năm rồi làm hại thị trường, cả thương nhân và nông dân, báo chí và VCCI đã nêu rõ mà vẫn chưa thể thay đổi”, LS Trương Thanh Đức nói.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC (Ảnh: I.T)
Theo ông Đức, thời gian sửa sai dài hơn cả tuổi thọ trung bình của doanh nghiệp. Đồng thời, cho rằng việc sửa sai phải tính bằng tháng chứ không tính nhiều năm như vậy.
Đưa ra các giải pháp tại hội nghị, LS Trương Thanh Đức cho rằng chủ thể tạo ra sai lầm, trói buộc là các Bộ. Vậy nên, để chính họ sửa sai là điều không dễ.
Từ đây, ông Đức đề ra một số giải pháp: “Tôi đề nghị VCCI cần kiến nghị giải pháp loại trừ và khắc phục tình trạng dựng rào cản kinh doanh sai trái, bất hợp lý kiểu như quy kết trách nhiệm của công chức tương tự như với Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước khi gây oan sai, thiệt hại.
Việc cần làm ngay là, xin cấp trên gỡ bỏ lệnh cấm các cuộc bình chọn Top 10 quy định tồi nhất trong năm của VCCI. Chính phủ kiến tạo và đổi mới thì chả có lý do gì chỉ cho khen, không cho phê phán.
Cuối cùng, có 3 khâu ảnh hưởng chính đến kinh doanh là ban hành pháp luật, thực thi quy định và giải quyết tranh chấp. VCCI cần quan tâm hơn đến 2 khâu sau. Ví dụ, tại sao các DN rất khốn khổ với các vụ kiện tại Toà án bị kéo dài lê thê (như 1 đề tài mà VCCI đã nghiên cứu năm ngoái) mà lại chưa sử dụng nhiều cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài? Vậy VCCI cần thúc đẩy việc này, trước hết là VIAC, bên cạnh VCCI”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.