Con số báo động: 139 làng nghề ở Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng, chỉ 5,2% nước thải được xử lý

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 29/09/2020 15:14 PM (GMT+7)
Theo kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề từ năm 2017 - 2020, có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 95 làng nghề ô nhiễm. Tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.
Bình luận 0

Sáng 29/9, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU tổ chức Hội thảo với chủ đề: "Liên kết 4 nhà về xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Nước thải phần lớn xả trực tiếp ra môi trường

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết: Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp lớn với dân số trên 4 triệu người, chiếm trên 60% lực lượng lao động của toàn Thành phố. Bên cạnh kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại, vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, trong đó, có vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn.

Con số báo động: Hà Nội có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, nước thải được xử lý chỉ 5,2%  - Ảnh 1.

Làng nghề Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì từ lâu đã nổi danh với thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 26 cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải; 1.350 làng có nghề, trong đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống.

Theo kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2017-2020 có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), có 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), có 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%), tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.

"Nước thải của một số ít làng nghề được chuyển đến cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn nước thải tại các làng nghề đều xả thải thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào" – báo cáo tại Hội thảo chỉ rõ.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội khẳng định: Các cụm công nghiệp, làng nghề đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đặc biệt là các làng nghề đã thu hút các lao động nhàn rỗi, lao động nghèo, quá tuổi tại địa phương. Tổng doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.

Song, mặt trái của phát triển kinh tế trong thời gian qua là vấn đề ô nhiễm môi trường, như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, bụi, chất thải rắn, nước thải đối với làng nghề, cụm công nghiệp; ô nhiễm chất thải rắn, nước thải, mùi hôi thối trong sản xuất chăn nuôi; ô nhiễm bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước, đất, tàn dư thuốc bảo vệ thực vật, tàn dư nông sản trong sản xuất trồng trọt; ô nhiễm nước thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt hàng ngày của khu vực nông thôn thải ra,… kết hợp với rác thải, nước thải đô thị đã tạo nên từ chỗ ô nhiễm nhỏ thành ô nhiễm tập trung, gây khó khăn trong xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Con số báo động: Hà Nội có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, nước thải được xử lý chỉ 5,2%  - Ảnh 2.

Nghề làm miến dong ở Dương Liễu tuy mang lại giá trị kinh tế cao nhưng đã làm tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương thêm trầm trọng.

Thành phố hiện có có 06 trạm/nhà máy xử lý nước thải (trong đó: 05 trạm/nhà máy xử lý nước thải nằm trong khu vực nội đô: Kim Liên, Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, Yên Sở, Hồ Tây; 01 nhà máy xử lý nước thải nằm ở khu vực ngoại thành: Bắc Thăng Long - Vân Trì. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy xử lý nước thải của Thành phố đạt 276.300 m3/ngày đêm).

Có 02 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung là Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì tiếp nhận xử lý rác thải sinh hoạt từ địa bàn quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, các nhà máy xử lý nước thải mới xử lý được khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý ở khu vực nội đô, ở các làng nghề chỉ chiếm khoảng 5,2%, phần còn lại chưa được xử lý mà trực tiếp xả thải ra môi trường.

Công tác BVMT còn nhiều khó khăn

Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường – Tổng Cục môi trường, Bộ TNMT cho hay, một số huyện như Hoài Đức, Thanh Trì, Quốc Oai vẫn còn một số nơi trên địa bàn các chỉ tiêu môi trường còn thiếu bền vững, đặc biệt là công tác VSMT, cải tạo cảnh quan.

"Công tác thu gom và vận chuyển chất thải đến nơi xử lý với khoảng cách xa, chưa hiệu quả. Các điểm trung chuyển chất thải chưa được quy hoạch phù hợp, gây ô nhiễm và mất mỹ quan" – bà Ánh cho hay.

Con số báo động: Hà Nội có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, nước thải được xử lý chỉ 5,2%  - Ảnh 3.

Nhiều làng nghề xả thải trực tiếp ra sông ngòi, khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng

Ông Kiểu Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 cụm công nghiệp, trong đó 5 cụm làng nghề, 126 doanh nghiệp chính vì vậy việc xử lý nước thải, rác thải sản xuất của một số làng nghề còn gặp nhiều khó khăn.

Việc giải quyết đi dời một số cơ sở sản xuất trong làng nghề ra khỏi khu dân cư đến địa điểm cụm, điểm công nghiệp làng nghề kết quả còn hạn chế, tồn tại do đặc điểm của các làng nghề là đối tượng lao động tham gia làm nghề là các thành viên của hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh ngay tại nơi sinh sống.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, đây là lần thứ 3 trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Ban chỉ đạo Chương trình số 02 tổ chức hội thảo liên kết 4 nhà. Hà Nội luôn xác định phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.Chính vì vậy, trong 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, TP đã tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, đề án, dự án, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế về nước thải và chất thải rắn ở khu vực nông thôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp.

Theo đó, đề nghị các sở ngành, địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; nêu cao hơn nữa vai trò lãnh chỉ đạo của chính quyền các cấp. Làm tốt hơn nữa tuyên truyền, vận động. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu tham mưu TP ban hành chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý môi trường khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, đổi mới tư duy, phát huy nguồn lực trong xã hội cho công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải làng nghề tập trung. Nghiên cứu, quy hoạch, mở rộng cụm công nghiệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư. Đưa công nghệ mới xử lý chất thải rắn và nước thải của các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ đầu nguồn sản xuất. Đối với rác thải sinh hoạt, cần thiết phải phân loại tại nguồn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các sở, ngành TP căn cứ chức năng nhiệm vụ để cụ thể hóa đề án bảo vệ môi trường nông thôn. Trong đó, ưu tiên các đề tài mang tính ứng dụng cao, thiết thực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem