Công an Hà Nội điều tra vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng của một hiệu phó

Thứ tư, ngày 21/08/2013 18:57 PM (GMT+7)
Theo cơ quan công an, đã có 18 người gửi đơn tới các cơ quan chức năng tố việc bà Trương Thị Hải Yến vay nợ số tiền trên 268 tỷ và 16 quyển sổ đỏ.
Bình luận 0

Ngày 21.8, Cơ quan CSĐT - Công an Hà Nội cho biết, họ đang phối hợp với Công an quận Hoàng Mai để xác minh, điều tra làm rõ vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng liên quan đến bà Trương Thị Hải Yến – Chủ tịch HĐQT, kiêm Phó hiệu trưởng trường THPT Dân lập Phương Nam (Khu đô thị mới Định Công, Hoàng Mai).

img
Ảnh: Gia đình các chủ nợ của bà Yến mất nhà phải vào trường ở

Theo cơ quan công an, đã có 18 người gửi đơn tới các cơ quan chức năng tố việc bà Trương Thị Hải Yến vay nợ số tiền trên 268 tỷ và 16 quyển sổ đỏ. Trong thời gian qua, hàng chục chủ nợ liên tục bao vây trụ sở trường THPT Dân lập Phương Nam để đòi nợ bà Yến. Những người này treo băng rôn, khẩu hiệu, thậm chí có người ăn ngủ luôn tại trường này hy vọng đòi được tiền từ bà Yến.

Bán 7 ngôi nhà để trả nợ

Chị Ngô Thị Anh Thư (phố Định Công, Hà Nội) một trong những chủ nợ lớn nhất của bà Yến, đang rơi vào cảnh sống dở chết dở cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, bà Yến vừa vay vừa lừa tôi tất cả 140 tỷ đồng. Trong số ấy có đến 130 tỷ là tôi đi vay lãi của người khác. Ngoài ngôi nhà của mình tôi đã phải bán đến 7 ngôi nhà của hai bên nội ngoại để trả bớt nợ. Bây giờ tôi mất hết nhà cửa, phải đi thuê nhà ở.

Không nhưng vậy, tôi còn đang phải gánh đến hơn 60 tỷ tiền nợ của hơn chục người. Nếu không bám trụ ở trường này để đòi được tiền bà Yến, chắc tôi sống cũng không được”. Theo chị Thư, lần đầu tiên chị cho bà Yến vay lãi giá cao từ năm 2008, với mức từ 2000đ/1 triệu/ngày.

img

“Tháng 9.2011, bà Yến gọi tôi nói có một ngôi nhà đến hạn phải trả ngân hàng bảo tôi mua giúp. Đang trong lúc không còn nhà cửa, tôi thấy ngôi nhà hơn 100m bà Yến rao bán 6,5 tỷ nên tôi đi vay mượn bên ngoài nộp vào ngân hàng chuộc giấy tờ nhà ra.

Khi đó, con trai bà Yến là anh Mai Huy Thành đã viết giấy bán nhà cho tôi. Tôi cầm sổ đỏ yêu cầu bà Yến đi công chứng sang tên thì lúc này bà Yến mới nói thật đó là nhà bà ấy mượn của một hộ dân, chỉ còn cách tôi đưa lại sổ cho bà ấy đi vay tiền ngân hàng.

Bà Yến dỗ dành vay được sẽ trả tôi 6,5 tỷ cùng với 5 tỷ nợ cũ. Ngậm đắng nuốt cay, tôi đồng ý. Nhưng sau đó bà Yến mất hút cùng sổ đỏ. Ngôi nhà mới gia đình tôi dọn về chưa ấm chỗ đã bị ngân hàng đến kê biên. Cả gia đình tôi lại phải ra đường” – chị Thư nức nở.

Đến trường sống vì mất nhà

Một trong những người lâm vào cảnh bi đát như bao chủ nợ khác của bà Yến có anh Hoàng Văn Ngọc (trú tại Hoàng Hoa Thám, Hà Nội). “Nhà tôi bị bà Yến lừa hết, không còn gì nữa. Tôi đã nộp đơn tố cáo lên cơ quan công an gần 2 năm nay nhưng chẳng ai giải quyết. Bây giờ nhà cửa tôi không còn nên khốn khổ đành phải dọn vào trường ở. Chúng tôi hết đường rồi” –Anh Ngọc nói.

img

Đưa gia đình vào sinh sống luôn trong trường Phương Nam, hàng ngày, gia đình anh Ngọc xuống căng tin mua cơm sống qua ngày, tắm rửa chung ngay tại sân trường. “Nếu một vài ngày tới mà vẫn chưa được bà Yến giải quyết nợ, chúng tôi sẽ không nằm tại hội trường nữa mà lên ở hẳn một phòng nào đó. Chúng tôi bị dồn đến đường cùng rồi, không chờ đợi được nữa. Giờ vạ vật, bệnh tật mà cũng không có tiền chữa bệnh”, anh Ngọc nói.

Tương tự anh Ngọc, chị Nguyễn Thị Lan Dương (phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội), cho bà Yến mượn 700 triệu đồng (cả gốc lẫn lãi), kể: “Sau nhiều lần đòi nợ không được, khi bị gây áp lực, bà Yến đã chấp nhận viết giấy hẹn đến ngày 25.6 sẽ trả. Do tiền vay lãi, quá hạn không trả, tôi bị chủ nợ đến tịch thu nhà. Vì không có nhà, gia đình tôi gồm 8 người, trong đó có mẹ đẻ là cụ Hoàn Thị Lư (68 tuổi), 3 đứa con (đứa nhỏ nhất 19 tháng) vào căng tin của trường để sống, chờ đòi tiền.

“Con sắp nhập trường nhưng không có tiền mua đồng phục, học phí, vậy mà nhiều lần đòi nợ nhưng chị Yến chỉ viết giấy hẹn sau bỏ đó” - chị Dương bức xúc. .

Sau khi nhiều chủ nợ của bà Yên đến trường sinh sống, treo băng rôn khẩu hiệu, ngày 15.8, chính quyền địa phương cùng các cơ quan liên quan đã cho các bên làm việc với nhau nhưng không thống nhất được. Đến nay, nhiều chủ nợ vẫn bám trụ lại trong trường để hy vọng giải quyết dứt điểm khoản nợ với bà Yến.

Thắng Quang (Thắng Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem