Cồng chiêng Tây Nguyên lo bị “Âu hóa”

Duy Hậu Thứ năm, ngày 31/07/2014 11:27 AM (GMT+7)
Sau khi cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005, các hoạt động nhằm chấn hưng, khôi phục các giá trị văn hóa cồng chiêng được đẩy mạnh và đạt không ít kết quả. Song, cồng chiêng vẫn đang thiếu không gian “sinh tồn” đúng nghĩa...
Bình luận 0

Khơi dậy đam mê

Buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) có một đội chiêng “teen” nhưng đã thành thục những “ngón” chiêng của người Ê Đê. Nghệ nhân Y Thim Byă - người đào tạo đội chiêng ấy tự hào: “Chúng mang chiêng đi đánh trong các cuộc liên hoan, hội thi, hay đơn giản là phục vụ khách du lịch, bao giờ cũng nhận được sự tán thưởng của mọi người.

Muốn chúng làm được điều đó thì người truyền dạy phải biết khơi dậy niềm đam mê”. Y Thu Êban (14 tuổi) - một học trò cưng của Nghệ nhân Y Thim nói: “Được biểu diễn cồng chiêng với các ông, các bác lớn tuổi là niềm tự hào của chúng cháu. Và điều đó đã thôi thúc chúng cháu không ngừng luyện tập”.

Chính vì niềm đam mê đó mà Y Thu cũng như các bạn trong đội không chỉ chơi được chiêng đồng, chiêng tre mà còn có thể chơi thuần thục nhiều nhạc cụ của dân tộc Ê Đê khác như đàn t’rưng, kèn đinh năm, đing tút… Và niềm đam mê ấy còn giúp những nghệ nhân “nhí” như Y Thu, Y Noal… lọt vào mắt một số đơn vị đào tạo nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Ở buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) cũng có một đội chiêng được nhiều người biết đến. Đó là đội chiêng nữ (chiêng Jhô) với những cô gái Ê Đê xinh đẹp ở lứa trăng tròn. Họ đang ngày đêm luyện tập, để giữ gìn nhịp chiêng Jhô rất độc đáo của dân tộc mình. H’Diêu - thành viên trong đội chiêng Jhô này tâm sự: “Hiện tất cả mọi người đều có thể đảm đương được mọi vị trí khác nhau trong đội. Nhưng chúng em vẫn không ngừng tập luyện, để tiếng chiêng “thấm” sâu vào mỗi người mà hiểu hơn điều kỳ diệu của nó”.

Sáng tạo... thái quá

Có thể nói, từ khi được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể, việc truyền dạy khôi phục cồng chiêng được chú trọng đáng kể. Không chỉ 2 đội chiêng kể trên mà ở khắp vùng Tây Nguyên có hàng chục đội chiêng được đánh giá rất cao.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê K’dăm, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang được tiếp nối rất đáng khích lệ. Tuy vậy, có một vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay là tình trạng “sáng tạo” thái quá của lớp trẻ đối với di sản văn hóa truyền thống.

Việc này đã vô tình “Âu hóa” tiếng chiêng truyền thống. Một số nhà nghiên cứu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã từng chỉ ra vấn nạn sửa lại hàng âm của dàn chiêng để chơi những bài hát hiện đại, trẻ trung hơn; hoặc rút gọn phiên chế âm thanh dàn chiêng theo hướng tiêu cực, để rồi đến lúc muốn đánh lại những bài chiêng cổ của dân tộc mình thì không thể được nữa.

Ông Trần Vĩnh- Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Kon Tum, người đã dày công nghiên cứu cồng chiêng Tây Nguyên, cũng cho rằng, việc này đang làm mất đi giá trị thực sự của cồng chiêng. Ông Vĩnh cũng quan ngại: “Các yếu tố làm nên không gian văn hóa cồng chiêng gồm: Tính cộng đồng, cộng cảm; sự gắn kết với thiên nhiên, với kết cấu vật chất văn hóa cư trú làng - nhà rông - nhà sàn; lễ thức, nghi lễ truyền thống. Ba yếu tố này nếu bị tách rời thì văn hóa cồng chiêng chưa phải là chính nó.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem