Công nghệ rất lợi hại, vì sao nhà thầu xây dựng quy mô dưới 100 tỷ vẫn "ngoài cuộc"?

H.Anh Thứ tư, ngày 25/10/2023 15:41 PM (GMT+7)
Cần có những chính sách, cơ chế rõ ràng trong quản lý hồ sơ qua mạng, đấu thầu qua mạng, cũng như chính sách chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhà thầu.
Bình luận 0

Đó là kiến nghị được ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đưa ra tại Diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 25/10.

Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề - Ảnh 1.

Toàn cảnh Diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số"

Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ Chúng ta đang bước vào những tháng cuối cùng của năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD…

Những con số thống kê trên cho thấy, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường.

"Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hóa quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.

Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề - Ảnh 2.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045", ông Hoàng Quang Phòng phân tích.

Ông Hoàng Quang Phòng cũng chỉ ra, phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp.

Vì vậy, việc tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách. Đây chính là chìa khóa để chúng ta thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số.

Doanh nghiệp hiểu biết về chuyển đổi số, nhưng có áp dụng được không?

Tham gia thảo luận tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là cơ hội, là bước ngoặt cho tất cả các ngành nghề kinh doanh và với doanh nghiệp nhà thầu cũng không ngoại lệ. Chuyển đổi số góp phần quản lý về tài chính, về quản lý về thiết kế, quy hoạch, quản lý về nhân lực, quản lý về dự án, quản lý về vật tư, vật liệu đầu ra, đầu vào chặt chẽ hơn, đối với cả người quản lý và và người sử dụng.

Trong ngành xây dựng, hiện đã có công nghệ này và đây thực sự là mô hình quản lý hiện đại hiệu quả - công nghệ BIM (Building Information Modeling) - quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình.

Với công nghệ này, các đơn vị có thể quản lý thiết kế giữa chủ đầu tư với nhà thầu và các thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, tiết kiệm được rất nhiều về vật tư, tiết kiệm rất nhiều nhân lực. Nhưng để thực hiện được thì cũng cần kinh phí rất lớn, thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu đầu vào, kết với hợp với chủ đầu tư, tức là chủ đầu tư và nhà thầu có một cái sự đồng bộ với nhau.

Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)

Nhưng theo ông Hiệp, đây không phải là điều có thể thực hiện được một cách dễ dàng. Vì vậy, có thể nói được trong ngành xây dựng hiện nay chỉ một số công ty lớn mà thường là những công ty có tên tuổi như Coteccons, Newtecons có thể thực hiện được.

Với các doanh nghiệp quy mô dưới 100 tỷ thì mặc dù biết là công nghệ này rất lợi hại nhưng đều chưa áp dụng. Theo ông Hiệp, đây là đặc thù của ngành xây dựng: Doanh nghiệp hiểu biết về chuyển đổi số rất là rõ, nhưng có áp dụng được không lại không phải là vấn đề dễ dàng.

Ông Hiệp chia sẻ một trường hợp hi hữu, vừa qua VACC đã tham gia phân xử vụ kiện của một nhà thầu tại Quảng Nam. Sự việc do doanh nghiệp nộp đấu thầu qua mạng nhưng do mạng lỗi, theo đó hồ sơ không được gửi lên và doanh nghiệp bị loại. Do đó, có thể thấy rằng chuyển đổi số vẫn có những trường hợp khó xử khi áp dụng.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, vấn đề quản lý hồ sơ cũng cần có những quy định rõ ràng hơn về tính pháp lý. Cụ thể, với các hồ sơ đã được số hóa thì có được công nhận, có tính pháp lý hay không. Bởi có những hồ sơ từ rất lâu và trong quá trình quản lý có thể bị hư hỏng.

Và với quản lý dữ liệu về nhà thầu, hiện nay cũng chưa có thể chế, quy chế nào quy định cụ thể là những dữ liệu nào thì doanh nghiệp nhà thầu phải công bố lên mạng để cho các cơ quan quản lý nhà nước nắm được. Có những dữ liệu của doanh nghiệp dữ liệu mở, có dữ liệu lại là dữ liệu kín. Theo đó, ông Hiệp cho rằng có quy định thống nhất làm cho chức năng quan quản lý nhà nước nắm được tình hình các doanh nghiệp nắm được các cái thị trường nói chung thì cũng cần rất rõ những vấn đề mất.

"Với ngành xây dựng, đặc biệt liên quan đến hồ sơ đấu thầu qua mạng, còn nhiều bất cập, những điều kiện riêng và đặc thù. Do đó, dù doanh nghiệp nhận thức rất rõ vai trò của chuyển đổi số, nhưng vẫn còn những khó khăn, rào cản", ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch HH Vận tải Ô tô Việt Nam nhận định: Chuyển đổi số được triển khai sâu rộng và sớm trong ngành vận tải và thu được các kết quả tích cực. Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả áp dụng chuyển đổi số về mặt quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do vây, ông Quyền kiến nghị: Với các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu có chủ trương, kế hoạch cụ thể để nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Hiện nay trung tâm này phần mềm được sử dụng vẫn còn là phần mềm thí điểm chưa đủ độ thông minh, tiện lợi để khai thác dữ liệu; phần cứng chưa được nâng cấp cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển phương tiện. Do đó, nhà nước nên có kế hoạch nâng cấp hàng năm để duy trì, nâng cấp cơ sở quản lý dữ liệu.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem