Công nghệ Trung Quốc lại sắp “nghẹt thở” dưới đòn mới từ Mỹ

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 21/04/2021 07:22 AM (GMT+7)
Hai nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ở Mỹ đang kêu gọi mở rộng các hạn chế đối với việc xuất khẩu các công cụ chế tạo chip sang Trung Quốc. Điều này xảy ra sau khi Chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã thêm 7 thực thể siêu máy tính mới của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại của mình.
Bình luận 0

Theo báo cáo của trang BloombergQuint, Michael McCaul ở Texas, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Thượng nghị sĩ Tom Cotton của bang Arkansas đã yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ bắt buộc yêu cầu tất cả các nhà sản xuất công cụ thiết kế chip điện tử tự động hóa của Hoa Kỳ phải có giấy phép mới của Chính phủ, trước khi xuất khẩu bất kỳ sản phẩm nào đến Trung Quốc.

Mỹ lại ra đòn với công nghệ Trung Quốc

Ảnh: @Pixabay.

Ảnh: @Pixabay.

Theo McCaul và Cotton đã viết trong một bức thư gửi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo: "Có bằng chứng rõ ràng cho thấy, các công ty liên kết với quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc và đang sử dụng công nghệ này để phát triển vũ khí tiên tiến". 

Trước đó, Mỹ đã thêm bảy công ty dựa trên siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại của mình, điều này ngăn họ nhận hàng xuất khẩu từ các công ty Mỹ. Lý do cho danh sách đen là do các nguy cơ an ninh quốc gia bị cáo buộc. Trong số các thực thể bị đưa vào danh sách có Tập đoàn Công nghệ thông tin Phytium Thiên Tân, Trung tâm Thiết kế vi mạch tích hợp hiệu suất cao Thượng Hải, Công ty Vi điện tử Sunway, Trung tâm Siêu máy tính quốc gia Tế Nam, Trung tâm Siêu máy tính quốc gia Thâm Quyến, Trung tâm Siêu máy tính quốc gia Vô Tích và Trung tâm Siêu máy tính Trịnh Châu.

Hai nhà lập pháp này cũng yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tìm cách "giảm thiểu rủi ro từ các công ty Đài Loan cung cấp dịch vụ và công nghệ cho các đối tượng có liên quan", họ nói thêm rằng, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) không nên sản xuất chip tiên tiến cho quân đội của Trung Quốc.

Gần đây nhất, đã có thông tin cho hay TSMC chính thức đình chỉ các đơn đặt hàng mới từ một trong những công ty bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen.

Ảnh: @Pixabay.

Ảnh: @Pixabay.

Trước đây, chia sẻ về vấn đề tương tự này, Arthur Ge, Giám đốc điều hành của Legend Capital cho biết: "Nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép lên các lĩnh vực xương sống của ngành công nghệ Trung Quốc, chẳng hạn sản xuất chip tiên tiến, tác động sẽ rất nghiêm trọng và Huawei chính là nạn nhân đầu tiên".

Theo Reuters, ngoài công nghệ sản xuất chip, Mỹ có thể tiếp tục ban hành các lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các thiết bị, phần mềm, công nghệ nhạy cảm khác. Hiện Synopsys, nhà cung cấp các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) có trụ sở tại Mountain View, California đã dừng hợp tác với Huawei.

"Ngành công nghiệp chip của chúng ta vẫn đi sau Silicon Valley của Mỹ ít nhất 20 năm, kể cả ở quy mô, chất lượng nhân lực lẫn hệ sinh thái", ông Wang Xuguang, CEO của công ty thiết kế chip Ainstec nhận xét. "Nếu chúng ta có thể thịnh vượng cùng lúc với Mỹ, đó sẽ là viễn cảnh đẹp nhất. Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh không cho phép, chúng ta phải cân nhắc lại mình đang có gì trong tay".

Ảnh: @Pixabay.

Ảnh: @Pixabay.

"Dù không ai muốn nói ra nhưng thế giới đang bước vào một thời kỳ chiến tranh lạnh mới. Tôi e rằng cuộc chiến vẫn tiếp tục mở rộng trong tương lai. Tuy nhiên, thách thức cũng có thể biến thành cơ hội cho các công ty Trung Quốc", Li Xing, nhà sáng lập quỹ V Fund cho biết.

Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hỗ trợ các công ty công nghệ và tăng cường khả năng tự chủ của ngành. Chính quyền Bắc Kinh gần đây đưa ra một loạt biện pháp như giảm thuế, miễn thuế và khuyến khích đầu tư để hỗ trợ các nhà sản xuất chip và sản xuất phần mềm trong nước.

Trong chiến lược phát triển 5 năm tới (2021 – 2025), Trung Quốc đầu tư mạnh cho công nghệ, nhất là sản xuất chip tiến tới tự chủ trong công nghệ bán dẫn. Khu Kinh tế - Công nghệ Bắc Kinh là một ví dụ, mỗi năm khu này sẽ được đầu tư hàng chục tỷ USD phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp mới nổi như vi mạch tích hợp, 5G, điện toán đám mây, Bigdata, trí tuệ nhân tạo và blockchain.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để rút ngắn khoảng cách lạc hậu trong sản xuất chip so với nhiều nước phương Tây, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc cần phải tạo nhiều đột phá hơn nữa về công nghệ để đi tắt đón đầu. Đây là một vấn đề cực khó, bởi chỉ có đổ tiền đầu tư khủng vào không thôi là chưa đủ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem