Công nhân chỉ mong có việc làm đến Tết

Thứ sáu, ngày 04/01/2013 07:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thay vì trông mong vào một khoản tiền thưởng tết kha khá như những năm trước, nhiều lao động tại TP.HCM, Bình Dương... chỉ mong giữ được việc làm để Tết đến có chút đỉnh mua sắm cho gia đình.
Bình luận 0

Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam đang có biểu hiện “chết lâm sàng” với hàng loạt lô hàng bị ứ đọng, nợ ngân hàng kéo dài, lợi nhuận âm, nợ lương công nhân đến 2 - 3 tháng chưa giải quyết... khiến cho hàng trăm lao động cảm thấy bất an.

img
Với nhiều công nhân, có được việc làm thời điểm giáp Tết này đã là may mắn.

Chỉ mong có việc làm

Từ đầu tháng 12.2012 đến nay, do Công ty Sae Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc, chuyên dệt, nhuộm, đóng tại huyện Củ Chi) không có việc làm nên gần 200 công nhân lâm vào cảnh hết sức bi đát. Dù đã là tháng 1.2013, nhưng công ty vẫn chưa thanh toán lương tháng 11 mà mới chỉ tạm ứng cho mỗi công nhân 500.000 đồng/người, còn nợ từ 2- 2,5 triệu đồng/người. Chị Lan Anh - một công nhân cho biết: “Do công ty nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài nên gây khó khăn cho công nhân trong việc chốt sổ BHXH và làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, công nhân chúng em lại càng khó khăn hơn”.

Tình trạng như Công ty Sae Hwa Vina không phải là cá biệt trong nhiều công ty may mặc tại các khu công nghiệp phía Nam những ngày gần đây. Chị Nguyễn Thị Mai - công nhân ở một xí nghiệp may, hiện đang bán trái cây dạo khu vực Làng ĐH Thủ Đức, cho biết: “Công ty em bắt đầu hết đơn đặt hàng từ khoảng giữa tháng 8.2012, em cùng nhiều chị em khác phải làm việc cầm chừng hưởng 70% lương cơ bản trong 2 tháng, sau đó, toàn bộ công nhân phải... ra đường vì hết việc”.

Tại khu nhà trọ của chị Mai những ngày cuối năm này hiện có hàng chục công nhân thất nghiệp. Mơ ước lớn nhất của họ vào lúc này chỉ có việc làm chứ không dám màng gì đến chuyện thưởng tết. “Gần Tết rồi mà chẳng xin được việc, chẳng biết sắp tới lấy tiền đâu để sống đây thì còn mơ gì được thưởng tết” - chị Trần Ngọc Phương Uyên, công nhân ở Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (Bình Dương) chia sẻ.

Tuy nhiên, lãnh đạo một công ty da giày tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2 thẳng thắn: “Mục tiêu chính trong thời gian tới của nhiều doanh nghiệp không phải là chăm lo tết cho người lao động mà chủ yếu là để đảm bảo việc làm và thanh toán tiền lương còn nợ cho người lao động. Vấn đề tuyển dụng thêm lao động thì phải qua Tết âm lịch mới tính tới”.

Sau Tết sẽ “sốt” lao động

Tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... được dự báo sẽ tăng rất cao bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, vấn đề chăm lo cho người lao động dịp tết được đánh giá là nguyên nhân chính khiến người lao động nản, không muốn quay lại làm việc.

Bình quân thưởng tết thấp hơn năm 2011

Đó là ghi nhận của Sở LĐTBXH TP.HCM về mức thưởng tết bình quân năm nay của các doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước có mức thưởng Tết âm lịch bình quân vào khoảng 8,5 triệu đồng/người (thấp hơn mức 11,3 triệu đồng của năm ngoái), của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước là 7,9 triệu đồng/người. Doanh nghiệp dân doanh có mức thưởng thấp hơn năm ngoái với 3,9 triệu đồng/người, trong khi đó khối doanh nghiệp FDI có mức bình quân 5,6 triệu đồng/người (năm ngoái là 3,4 triệu đồng).

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, cho biết: “Thời điểm cuối năm, tại TP.HCM có hàng nghìn lượt lao động bị đẩy ra đường do doanh nghiệp phá sản, điều đó sẽ tạo tâm lý bất an cho người lao động không muốn quay lại làm việc sau Tết.

Đồng thời, mức thu nhập trung bình của người lao động tại TP.HCM hiện nay cũng chỉ khoảng 2,5- 2,9 triệu đồng/tháng, mà đủ thứ chi phí cho việc ăn ở nên nhiều công nhân sau khi về tết sẽ không trở lại”.

Cũng theo ông Tuấn, với các chính sách kích cầu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của UBND TP.HCM, năm 2013, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến sẽ giảm khó khăn và có khả năng phát triển thu hút nhiều lao động.

Dự đoán quý I/2013, xu hướng nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông cho các ngành sản xuất, chế biến như dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, nhựa, bao bì, xây dựng... sẽ tăng với khoảng 65.000 chỗ làm, trong đó 43% nhu cầu lao động phổ thông.

Riêng quý II và quý III/2013, dự kiến sẽ có khoảng 70.000 chỗ làm mỗi quý và quý IV/2013, dự báo sẽ cần khoảng 65.000 chỗ làm. Do vậy, bài toán đặt ra ở đây là các doanh nghiệp phải có chính sách đãi ngộ cũng như chăm lo phù hợp để giữ chân lao động sau Tết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem