Công trình Panorama phá vỡ cảnh quan, tài nguyên du lịch Mã Pí Lèng

Hà Thúy Phương Thứ bảy, ngày 05/10/2019 07:30 AM (GMT+7)
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai khẳng định nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pí Lèng là công trình không được phép tồn tại.
Bình luận 0

Dân Việt đang đăng tải loạt bài phản ánh về công trình Panorama 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Các bài viết đã gây được hiệu ứng xã hội lớn, nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ, chia sẻ của nhiều chuyên gia, nhà báo, nhà nhiếp ảnh và người dân... Đã có nhiều người lên tiếng, đề nghị Hà Giang cần vào cuộc xử lý vi phạm, trả lại cảnh quan cho đèo Mã Pí Lèng.

Trao đổi với Dân Việt ngày 4/10, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai, một chuyên gia thực địa có nhiều công trình nghiên cứu uy tín trong việc phát huy giá trị di sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế, phát triển du lịch nhân văn - cho rằng, không gian trên đèo Mã Pí Lèng là không gian của thiên nhiên thuần túy. Việc tự nhiên xuất hiện một tòa nhà tại không gian đó với quy mô rất lớn, chắn ngang và án ngữ trên đỉnh đèo đã phá hỏng không gian thiên nhiên. Đây là một sự vi phạm không gian cũng như tài nguyên du lịch. Việc cần làm là áp dụng luật để xử lý và thái độ người dân bức xúc như hiện nay là hoàn toàn đúng. Việc chính quyền tỏ thái độ muốn làm ngơ đi, hợp lý hóa việc này rõ ràng là vì lợi ích của một nhóm người.

img

Nhà nghỉ, nhà hàng Panorama án ngữ trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý

Nói về trách nhiệm của việc để cho công trình này tồn tại một cách trái phép, tiến sĩ Trần Hữu Sơn khẳng định với Dân Việt: "Việc để công trình này tồn tại trước hết chính quyền phải chịu trách nhiệm. Tại sao lại để cho công trình xây dựng ở đó? Tại sao công trình xây dựng không được tham khảo tư vấn khoa học? Chính quyền, sau đó đến doanh nghiệp nào xây dựng thì doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm".

Ông Trần Hữu Sơn cũng chỉ ra việc tồn tại một công trình như thế này, ngoài việc phá vỡ cảnh quan thiên nhiên còn dẫn đến những ảnh hưởng xấu đối với các lĩnh vực khác. Hiện nay từ Đà Nẵng, Sa Pa đến Phú Quốc, nhiều trung tâm du lịch đang dần bị tàn phá. "Hà Giang không được đi theo vết xe đổ này. Không nên chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt mà không thấy được lợi ích lâu dài, lợi ích của vài chục năm sau chứ không phải mấy đồng tiền lãi", Tiến sĩ Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.

img

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn 

Về ý kiến của chủ doanh nghiệp tư nhân cho rằng việc xây dựng công trình là cần thiết để phục vụ khách du lịch và tạo công ăn việc làm cho người dân, theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, đó là lý do bao biện, hoàn toàn không chính đáng, không có người dân nào cần việc gì từ công trình đó. "Việc xây dựng nhà nghỉ cho dân du lịch nếu có sao không xây những nhà sàn thấp, phù hợp với cảnh quan mà xây một khối bê tông không có thẩm mỹ như vậy?".

Cũng theo nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai, Mã Pí Lèng là đèo nằm trên khoảng 20km nối 2 trung tâm phố thị là Mèo Vạc và Đồng Văn. Hai thị trấn này, đặc biệt là Mèo Vạc đang phát triển rất nhanh do có lượng lớn khách du lịch mà Mã Pí Lèng chính là thỏi nam châm thu hút khách du lịch đến. Với tốc độ phát triển hiện tại, Mèo Vạc và Đồng Văn sẽ trở thành 2 trung tâm du lịch và dịch vụ. Chuỗi giá trị từ con đèo báu vật Mã Pí Lèng rất phong phú mà không thể kể hết được. Nhưng đó là nếu tất cả những giá trị này còn giữ được sức hút tự nhiên của nó.

Được biết, sau loạt bài phản ánh của Dân Việt, Hà Giang đang lập đoàn kiểm tra các trình tự, thủ tục có liên quan đối với công trình Panorama.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem