Theo Giáo sư Hoàng Tích Huyền - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý (ĐH Y Hà Nội), các loại thuốc có thành phần corticoid được chỉ định trong nhiều loại bệnh từ đơn giản đến phức tạp như đau mắt, dị ứng, hen, mề đay, chống viêm, các bệnh về da (sẹo lồi, viêm da dị ứng), viêm khớp, giảm đau. Thậm chí trong các bệnh nặng như ung thư, suy thượng thận cấp tính và mãn tính. Thuốc có Corticoid cũng có nhiều dạng như kem bôi, dung dịch nhỏ hoặc xoa, thuốc uống, tiêm, viên đặt trực tràng.
Dùng thuốc nhỏ mắt có Corticoid lâu ngày có thể bị mù mắt.
Các bệnh nhân viêm khớp khi sử dụng corticoid thường thấy tác dụng giảm đau ngay lập tức, vì thế, rất thích sử dụng. Nhiều người thường đồn thổi về các ông lang “mũi tiêm thần kỳ” có thể dẹp các cơn đau đớn của viêm khớp và cứ đau là đến để được “tiêm một cái”.
Tuy nhiên, GS Huyền cho biết, đây là các thuốc giảm đau K-cort, có thành phần Corticoid, có thể giảm đau 3-4 ngày. Nếu tiêm liên tục sẽ ngấm vào xương, máu, gây xốp xương. “Đã có bệnh nhân dùng K-cort trong vòng 4-5 năm, xương ròn đến mức chỉ cần ấn mạnh là gãy, rất khó phục hồi”.
GS Huyền cho biết, người dân đừng vì giảm một cơn đau tức thì mà có thể tàn phế cả đời. Muốn sử dụng thuốc có Corticoid, đều phải có chỉ định của bác sĩ và tuân thủ chặt chẽ liều lượng và thời gian sử dụng.
Ngoài ra, thuốc có Corticoid quá liều, quá lâu có thể gây chảy máu dạ dày cấp, khó cầm. Thuốc này chống chỉ định với các bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày, tá tràng. Corticoid có trong một số thuốc nhỏ mắt để chống viêm có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp. Corticoid dạng kem dùng để bôi có thể gây teo da, xơ cứng bì, viêm da, nếu bôi quá liều sẽ gây nên hội chứng Cushing mặt tròn như mặt trăng...
Thuốc có Corticoid chưa có thuốc dành riêng cho trẻ nhỏ, tuy nhiên thuốc vẫn được kê cho một số trẻ nhỏ như viêm da, dị ứng, thuốc nhỏ mắt. Theo GS Huyền, việc sử dụng thuốc có corticoid cho trẻ cần đặc biệt thận trọng. Ngoài các tác dụng phụ như đối với người lớn, thuốc có Corticoid còn làm giảm hoạt động hoóc môn tuyến giáp trạng, gây chậm lớn, ức chế hoạt động của tuyến sinh dục gây rối loạn kinh nguyệt ở bé gái và thay đổi nội tiết tố sinh dục ở bé trai. Xương trẻ yếu nên cũng dễ gây xốp xương hơn…
Theo GS Huyền, có trẻ sau khi bị chàm, bố mẹ đã bôi thuốc chữa cho con nên thuốc đã làm teo da, khiến trẻ bị mất cả một mảng lớn. Lại có trẻ bị hen suyễn, cha mẹ đã dùng thuốc dạng xịt có chứa Corticoid xịt cho trẻ lâu ngày, khiến trẻ bị phù mặt to.
“Corticoid là con dao hai lưỡi mà bác sĩ cần phải thận trọng kê cho bệnh nhân, đồng thời, nói rõ cho bệnh nhân và người nhà biết về các tác dụng phụ của thuốc. Cần ngưng sử dụng thuốc và đi khám nếu gặp các tác dụng phụ. Đồng thời, người bệnh phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều. Không tự ý mua thuốc có chứa Corticoid để sử dụng” – GS Huyền nhấn mạnh.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.