Các ngành công nghiệp truyền thông cũng không ngoại lệ, phần lớn là bởi các biện pháp do Chính phủ và cơ quan y tế thực hiện để chống lại sự lây lan của virus bao gồm hạn chế mọi người đến rạp chiếu phim, những người nổi tiếng đi du lịch nước ngoài để tham dự các sự kiện và trường quay.
Do đó, các phương tiện truyền thông đã phải tìm ra những cách mới để hoạt động và cho phép mọi người sử dụng nội dung sáng tạo của mình.
Ở Hàn Quốc, điều này đã dẫn đến sự gia tăng của các nền tảng phát trực tuyến qua mạng (OTT) và việc sử dụng công nghệ cho nội dung ảo. Thị trường kỹ thuật số này đã tăng từ 682 triệu USD vào năm 2019 lên 832 triệu USD vào năm 2020.
Nhà phê bình truyền thông Jung Duk-hyun cho biết: "Vì giãn cách xã hội, nhiều người đã ngừng ra ngoài đến những nơi như rạp chiếu phim. Vì vậy, OTT, cho phép mọi người thưởng thức nội dung video mà không cần ra ngoài, đã trở thành một cách tiêu dùng phương tiện truyền thông phổ biến".
Covid-19 có làm thay đổi thói quen "thưởng" nhạc, phim của khán giả?
Do Joon-ho, giáo sư truyền thông truyền thông tại Đại học Sookmyung Women's University ở Seoul, Hàn Quốc nhận định rằng, đại dịch đã giúp mở ra toàn cảnh kỹ thuật số cho những người tiêu dùng lớn tuổi, những người từng không quen với các dịch vụ phát trực tuyến.
Ông nói: "Trong suốt thời gian dịch Covid-19 diễn ra, những người trung niên trở lên có cơ hội quen với các dịch vụ OTT. Đối với phim ảnh, rạp chiếu phim từng là địa điểm chính để xem phim trước Covid-19, nhưng vì đại dịch khiến mọi người khó đến rạp, nên các bộ phim được phát hành trên nền tảng OTT, thay đổi cách mọi người xem phim".
Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những hạn chế đi lại và tụ tập trong thời kỳ đại dịch, đồng thời phải đổi mới các buổi biểu diễn trực tiếp và tương tác giữa các nghệ sĩ và người hâm mộ của họ.
Vào tháng 4/2020, công ty quản lý K-pop SM Entertainment đã ra mắt nền tảng trực tuyến, Beyond Live - dịch vụ hòa nhạc trực tuyến trả phí đầu tiên trên thế giới.
Dịch vụ này mang đến các buổi biểu diễn thời gian thực cho người xem và cho phép các nghệ sĩ và người hâm mộ tương tác trực tuyến.
Vào tháng 12/2020, Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc do Nhà nước điều hành đã ra mắt Kocca Music Studio, chuyên tổ chức các buổi biểu diễn trực tuyến nhập vai đạt được với các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo, thực tế tăng cường...
Những nghệ sĩ nổi tiếng K-pop như BTS và Blackpink hiện đã tổ chức các buổi hòa nhạc trực tuyến và sự kiện dành cho người hâm mộ, tương tác với người hâm mộ toàn cầu của họ thông qua trò chuyện video.
Lee Gyu-tag, giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc cho biết, những sự kiện trực tuyến như vậy đã trở thành tiêu chuẩn mới trong ngành công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc.
"Đối với những nghệ sĩ thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc, việc sắp xếp các buổi hòa nhạc trực tuyến và ngoại tuyến cùng nhau đã trở thành một tiêu chuẩn mới", Lee Gyu-tag chia sẻ. Anh nói thêm: "Nếu đó là một buổi hòa nhạc kéo dài ba ngày, họ thực hiện cả buổi biểu diễn trực tuyến và trực tiếp trong một ngày và tổ chức các buổi biểu diễn trực tiếp trong hai ngày còn lại mà không bị ràng buộc về thời gian và không gian".
Khi các hạn chế dịch Covid-19 giảm bớt, ngành công nghiệp truyền thông Hàn Quốc đã cố gắng quay trở lại các phương thức hoạt động trước dịch Covid-19. Nghệ sĩ K-pop đã tăng cường các hoạt động toàn cầu của họ, các nhà phân phối bắt đầu phát hành các bộ phim bị trì hoãn và các hãng phim đã tiếp tục quay phim ở nước ngoài.
Mặc dù dịch vụ phát trực tuyến được dự đoán sẽ trở thành một cách phổ biến để thưởng thức các buổi biểu diễn, Lee Gyu-tag vẫn nghi ngờ rằng, các tương tác trực tuyến và nhập vai sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của khán giả.
"Các công nghệ mới cho nội dung nhập vai như metaverse (vũ trụ ảo) từng đóng vai trò cần thiết một phần vì dịch Covid-19 không cho phép các màn trình diễn trực tiếp xảy ra. Ban đầu, người hâm mộ quan tâm nhưng không thực sự ủng hộ. Có rất nhiều người hâm mộ nói rằng, những tính năng ngoài lề khiến họ mất tập trung vào việc thưởng thức buổi hòa nhạc.
Giờ đây, các buổi hòa nhạc trực tiếp đã có thể thực hiện được, người hâm mộ cảm thấy việc nhìn thấy các nghệ sĩ yêu thích của họ tương tác với những người hâm mộ khác thông qua trò chuyện video là một sự lãng phí trải nghiệm. Vì họ có thể đến buổi hòa nhạc để xem màn trình diễn của các nghệ sĩ", Lee nhận định.
Lee nói thêm rằng, chìa khóa để áp dụng công nghệ mới trong K-pop sẽ nằm ở việc nó có thể truyền tải tốt màn trình diễn của các nghệ sĩ đến mức nào.
"Công nghệ mới, tiên tiến là những gì người hâm mộ muốn. Họ muốn có cùng trải nghiệm khi xem các buổi biểu diễn ở nhà qua màn hình hoặc TV như khi xem trực tiếp. Vì vậy, vấn đề không phải là về thói quen sử dụng công nghệ mà là về độ chân thực của các buổi biểu diễn như thể họ đang thực sự ngồi tại địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc".
Các dịch vụ OTT, vốn có lượng người dùng gia tăng trong thời kỳ đại dịch đã chứng kiến số lượng sụt giảm vào đầu năm nay sau khi giãn cách xã hội và hạn chế đi lại được nới lỏng ở Hàn Quốc.
Theo nền tảng dữ liệu lớn Mobile Index, số lượng người dùng di động của bảy dịch vụ hàng đầu tại Hàn Quốc - Wavve, Tving, Seezn, Coupang Play, Disney +, Netflix và Watcha đạt 26,86 triệu trong tháng 4, giảm khoảng 3,4 triệu so với với tháng 1.
Tuy nhiên, Jung Duk-hyun cho biết, các dịch vụ OTT vẫn sẽ chiếm một phần rất lớn trong cách mọi người sử dụng phương tiện truyền thông trong nước.
"Vì chúng tôi đã trải nghiệm mức tiêu thụ nội dung dựa trên đăng ký thông qua OTT, chúng tôi biết mình có thể thưởng thức bao nhiêu nội dung với một số tiền nhất định hàng tháng. Vì vậy, trừ khi có một bộ phim chỉ được làm cho rạp chiếu phim, chúng tôi không cần phải đến đó để thưởng thức nội dung truyền thông", anh nói.
Tuy nhiên, anh nhận định rằng, thị trường phát trực tuyến nóng bỏng, chứa đầy sự cạnh tranh sẽ đòi hỏi các công ty phải có một cách tiếp cận khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.