Năm tuần trước, chị H. (27 tuổi) đã đến 1 phòng khám sản tư trên đường Đê La Thành (Hà Nội) để hút thai. Chờ mãi mà không thấy kinh nguyệt, chị mua que thử Quickstic về dùng và kết quả "2 vạch" khiến chị chắc mẩm mình lại có thai.
|
Ảnh minh họa |
Đến một cơ sở "dành cho phụ nữ" khác cũng trên phố này, chị H. không làm thủ tục mà vào thẳng phòng thủ thuật để đưa chi phí trọn gói. Thấy chị H. trình cái que thử có sẵn hai vạch hồng và cho biết bị trễ kinh 5 tuần, y tá yên tâm "giải quyết", bỏ qua các xét nghiệm cần thiết.
Tuy nhiên, ngay trong lúc làm thủ thuật y tá đã thắc mắc: "Sao thai 7 tuần tuổi mà... ít vậy?".
Chỉ đến khi kê đơn, hẹn tái khám sau 2 tuần, chị H. mới kể rằng lần phá thai trước (cách đó 5 tuần) chị không khám lại theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Lúc ấy, y tá mới giật mình: Chị H vừa được phá thai dù... không có thai.
Câu chuyện này được một y tá sản phụ khoa kể lại như một tai nạn nghề nghiệp mà chị đã trải qua. Chị lo rằng, nhiều phụ nữ có thể lâm cảnh phá thai dù không có thai, do thiếu kiến thức sản - phụ khoa, lại gặp phải thầy thuốc bỏ qua các xét nghiệm và tư vấn cần thiết trước khi thực hiện thủ thuật như chị.
Phá thai xong vẫn... hai vạch
Theo BS. Nguyễn Duy Ánh - Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nhiều phụ nữ lầm tưởng mình "dính bầu" sau khi bỏ thai do que thử cho kết quả "hai vạch".
Thường sau khi nạo hoặc sảy thai, các xét nghiệm thử thai vẫn cho kết quả dương tính do nội tiết tố hCG (human chorionic gonadotropin, có trong máu và nước tiểu thai nhi) vẫn còn trong máu và nước tiểu của người mẹ. Khi thai đã ra khỏi cơ thể người mẹ, hCG chưa đào thải ngay mà giảm từ từ, khoảng 4-6 tuần mới trở về như ở người không có thai.
Một số chị em sau phá thai 6 tuần cũng vẫn thấy "2 vạch" khi dùng que thử, dù kết quả siêu âm là không có thai. Đây là các trường hợp bị rối loạn nội tiết tố cơ thể dẫn đến việc "lên vạch" ở chị em không có thai.
Tuy nhiên, BS. Nguyễn Duy cảnh báo: "hai vạch" có thể thông báo tình trạng có thai thật, bởi nguy cơ có thai lại rất cao, nhất là vào thời kỳ rụng trứng: khoảng 10 - 12 ngày sau khi phá thai.
Nạo thai thiếu siêu âm: Nguy hại khó lường
Theo các thầy thuốc sản phụ khoa, việc đưa các dụng cụ bằng kim loại vào nhằm nong rộng cổ tử cung, dò hướng khoang tử cung, nạo khoang tử cung... có thể làm xước tử cung, thậm chí tạo thành lỗ rách ở tử cung. Nhất là trường hợp trong tử cung không có thai, các dụng cụ này càng phải "dò tìm" ráo riết hơn; nguy cơ chảy máu, thủng tử cung càng cao.
BS. Lê Thị Kim Dung - Trung tâm y tế lao động (Thái Hà, Hà Nội) khuyến cáo: Để tránh tai nạn nêu trên, chị em nên chắc chắn mình đã “dính bầu” không chỉ với que thử thai, mà bằng các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại là xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng (hoặc qua ngả âm đạo).
Khi quyết định phá bỏ thai, cần lựa chọn cơ sở uy tín, nơi nhân viên y tế phân tích ảnh hưởng của việc nạo hút thai đến tâm, sinh lý cũng như khả năng sinh sản sau này, giúp chị em lựa chọn phương pháp phù hợp, cách tự chăm sóc, vệ sinh và tránh thai sau đó.
Chị em cũng cần tuân thủ việc uống thuốc sau nạo thai (thường là kháng sinh và thuốc nội tiết) để chống viêm nhiễm, dính vòi trứng, niêm mạc tử cung (gây vô sinh). Đảm bảo khám và siêu âm lại sau 2 tuần để xác định chắc chắn không sót nhau trong buồng tử cung.
Phụ nữ sau khi nạo phá thai nên kiêng cữ chuyện chăn gối ít nhất đến chu kỳ kinh nguyệt sau (khoảng 1 tháng). Tuy nhiên, để tránh tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục, tốt nhất khoảng 1,5 tháng mới "gặp chồng" trở lại.
Theo một khảo sát trên một tờ báo với gần 500 bạn đọc, gần 1/3 số phụ nữ đi nạo phá thai không được nhân viên y tế tư vấn gì, một số tương tự khác chỉ được bác sĩ dặn dò sơ sơ về việc nghỉ ngơi, trong khi không ít người phải cố gạn hỏi thì mới được bác sĩ tư vấn.
Theo Phụ nữ Today
Vui lòng nhập nội dung bình luận.