Cụ bà 78 tuổi kiệt lực bảo tồn di tích quốc gia

Thứ bảy, ngày 06/10/2012 14:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Căn nhà mục nát xây dựng từ cuối thế kỷ 19 của cụ Nguyễn Thị Ba ở Long An có thể sập bất kỳ lúc nào, nhưng cụ vẫn phải “bảo vệ” vì đây là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, được công nhận từ năm 2007.
Bình luận 0

Cách đây khoảng 200 năm, dòng họ Nguyễn Hữu từ miền Trung vào miền Nam lập nghiệp và trở nên giàu có nhất vùng Châu Thành, Long An. Cụm nhà cổ Thanh Phú Long (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) gồm 4 ngôi nhà của dòng họ được xây từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 thì hoàn thành theo kiến trúc 3 gian, 2 chái với 4 hàng cột, mỗi cột cả ôm tay bằng gỗ căm xe.

Hoành phi, liễn…được chạm trổ thủ công với hình hoa lá, chim thú và nhiều hoa sen, búp sen lẫn đài sen. Cụm nhà này đều làm từ gỗ quý lâu năm, từ ngoại đến nội thất đều do những nhóm thợ tài hoa ở Huế vào làm ròng rã nhiều năm mới xong.

img
Dây leo mọc đầy trên tường nhà

Đến giờ chỉ duy nhất nhà ông Nguyễn Hữu Hoanh (cất xong năm 1900) là còn giữ nguyên vẹn những đường nét chạm trổ nguyên sơ. Và đây cũng là ngôi nhà còn nhiều vật dụng cổ xưa nhất từ đôi bức hoành phi, bộ ngựa, bàn uống nước đến ấm trà, chén cơm… Thế nhưng nó lại bị thời gian tàn phá nhiều nhất. Bà Trần Thị Ba, (cháu nội ông Hoanh), người duy nhất sống tại ngôi nhà này nay đã gần 80 tuổi vẫn ngày đêm phập phồng bởi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Dẫn chúng tôi đi thăm khắp căn nhà, bà Ba luôn miệng dặn dò khách phải cẩn thận kẻo ngói rơi bể đầu bởi nóc nhà đã thủng tan nát, lỗ nào lớn to như cái chiếu, lỗ nhỏ cũng bằng cái nia, toàn bộ cấu kiện bằng gỗ đều mục nát.

Những cây cột gỗ lim cả ôm tay cũng đã bị mối mọt đục ruỗng và bị mưa nắng làm hư hại. Bà kể, khi mới được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cách đây 5 năm, căn nhà này đã xuống cấp nhưng không tệ đến mức này. Đồng ý ký tên vào di sản, coi như căn nhà “thuộc về nhà nước”, bà không thể tự ý sửa chữa. “Mà tui già rồi, muốn sửa cũng không tìm đâu ra tiền để sửa” - bà Ba phân trần.

Nói về việc bảo tồn căn nhà, bà Ba chùng giọng: “Mình không có tiền, Nhà nước cũng không có tiền nên đành ngậm ngùi nhìn công trình mục ruỗng theo thời gian. Cách đây mấy năm, có đoàn cán bộ ở tận Hà Nội vào đây đo vẽ, chụp hình, quay phim. Họ bảo tôi cứ yên tâm chờ, họ sẽ giúp gia đình tôi bảo vệ căn nhà này.

Nhưng nay thì căn nhà đã rệu rã không biết sẽ sập khi nào, tôi thì đã quá già yếu để có thể nhìn thấy căn nhà được trùng tu…”. Hiện gian nhà chính đã xuống cấp quá nặng nên bà Ba dùng để làm… chuồng gà. Bà dùng lưới nhốt gà trong nhà, vừa cải thiện cuộc sống và cho gà ăn mối, “bảo tồn” kiểu dân gian.

Theo ông Nguyễn Hữu Tài - Trưởng phòng Phòng Xây dựng cơ bản, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa (Sở VH-TT&DL tỉnh Long An), trong cụm di tích, căn nhà bà Ba đang ở xuống cấp nặng nhất nhưng mấy năm nay chưa có vốn trùng tu. “Chúng tôi đã phối hợp cùng Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung lập dự án trùng tu. Chỉ riêng căn nhà bà Ba đã cần tới 7 tỷ đồng. Hiện vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích đã chi khoảng 3 tỷ đồng và chúng tôi sẽ triển khai làm ngay trong năm nay” - ông Tài nói.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem