Cú hích cho... cà chua bi

Thu Hà Thứ năm, ngày 24/03/2016 09:49 AM (GMT+7)
Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn ủy thác từ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã tạo “cú hích” cho các hộ dân xã Mai Sơn, huyện Yên Mô (Ninh Bình) chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông sản an toàn bằng Dự án “Trồng cà chua bi theo hướng VietGAP”.
Bình luận 0

Trúng mùa, được giá

Về xã Mai Sơn, nhìn những thửa ruộng trồng cà chua bi theo hướng VietGAP chín đỏ, sai trĩu quả, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con nơi đây. Ông Vũ Văn Bằng – Chủ tịch Hội ND xã Mai Sơn cho biết: “Dự án “Trồng cà chua bi theo hướng VietGAP do T.Ư Hội NDVN phối hợp Hội ND tỉnh Ninh Bình thực hiện ở xã Mai Sơn (từ tháng 5.2015 – 5.2016) có sự tham gia của 10 hộ ND. Quỹ HTND đã giải ngân cho dự án 300 triệu đồng, mỗi hộ được vay từ 25 – 50 triệu đồng để hoàn thiện việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất VietGAP. Năm nay, cà chua bi vừa được mùa, được giá nên ND phấn khởi lắm”.

img

Anh Tống Văn Sỡi thu hoạch cà chua bi của gia đình.  Ảnh: Thu Hà

Đi đôi với giải ngân vốn Quỹ HTND, Hội ND tỉnh còn tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tư vấn thành lập tổ hợp tác, HTX. Thông qua các hoạt động hỗ trợ  đó để tạo điều kiện cho Hội ND tập hợp phát triển hội viên, góp phần xây dựng tổ chức…”.

Ông Đinh Hồng Thái –  Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình

Là 1 trong 10 hộ vay vốn Quỹ HTND, anh Tống Văn Sỡi chia sẻ: “Tôi trồng cà chua bi được 3 năm rồi, chưa thấy năm nào cà chua lại được giá như năm nay, trung bình hơn 10.000 đồng/kg. Có thời điểm giá cà chua bi lên hơn 20.000 đồng/kg. Vụ này, với 3 sào trồng cà chua bi tôi thu về hơn 60 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng”.

Theo anh Sỡi, giống cà chua bi có thời gian sinh trưởng ngắn. Sau khoảng 3 tháng gieo trồng có thể cho thu hoạch. So với giống cà chua thường, cà chua bi cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Tuy nhiên vốn đầu tư cà chua bi khá lớn. “Với 30 triệu đồng Quỹ HTND cho vay, gia đình tôi có tiền mua tre, nứa làm giàn và hơn chục tấn phân chuồng để bón. Cà chua bi được trồng theo hướng VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng rất ưa chuộng” - anh Sỡi vui mừng nói.

Thay đổi cách thức sản xuất

Gia đình ông Tống Văn Lư là một trong những hộ có diện tích trồng cà chua nhiều nhất xã. Ông Lư trồng 41 sào cà chua bi theo hướng VietGAP và 40 sào cà chua thường nên vốn đầu tư khá lớn. Trước đây, vào mỗi vụ ông Lư lại phải chật vật xoay tiền để mua vật tư, phân bón và trả lương nhân công lao động. “Khi được Quỹ HTND cho vay 50 triệu đồng tôi đã gỡ được thế bí về vốn. Ngoài cho vay vốn, Hội ND tỉnh còn hướng dẫn bà kỹ lưỡng quy trình trồng cà chua theo hướng VietGAP. So với cách trồng cũ, trồng cà chua bi theo hướng VietGAP hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, mà sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng đều được đảm bảo. Với 41 sào cà chua bi theo hướng VietGAP tôi thu về hơn 300 triệu đồng” - ông Lư khoe

Theo ông Lư, trồng theo hướng VietGAP, việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh phải đảm bảo liều lượng, khi thu hoạch phải dừng phun thuốc ít nhất trước 30 ngày.

Ông Vũ Văn Bằng thông tin, ND xã Mai Sơn trồng cà chua bi đã nhiều năm nhưng chủ yếu là tự phát, không áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Từ đầu năm 2015, Hội ND tỉnh xây dựng mô hình trồng cà chua bi theo hướng VietGAP đã mở các lớp dạy nghề, tập huấn quy trình kỹ thuật cho bà con. “Với nguồn vốn vay 300 triệu đồng từ Quỹ HTND đã tạo “cú hích” để bà con thay đổi cách thức sản xuất. Nhận thấy những thuận lợi của cây cà chua bi trồng theo hướng VietGAP, sắp tới sẽ có thêm nhiều hộ dân trong xã Mai Sơn sản xuất theo phương pháp này” - ông Bằng khẳng định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem