Ngày 18.5.2012, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) ban hành Văn bản số 822/BVTV-QLT gửi các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV thông báo, 29 sản phẩm thuốc BVTV đã có kết quả khảo nghiệm sẽ không được đăng ký vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Trong đó, một số tên thuốc Cục BVTV đưa ra là có hoạt chất nhóm 2, không được đăng ký trên cây ăn quả. Lập tức, các doanh nghiệp (DN) có sản phẩm xin cấp phép lưu hành bất bình, phản đối Công văn 822 của Cục BVTV.
|
Mỗi sản phẩm thuốc BVTV cần 2 năm khảo nghiệm trên đồng ruộng (ảnh minh họa). |
Lý do các công ty thuốc BVTV phản đối là từ trước tháng 6.2010, các sản phẩm đó đã được Cục BVTV cấp giấy phép khảo nghiệm, nên Cục chỉ có quyền từ chối khi sản phẩm khảo nghiệm có hiệu lực thấp, còn khi sản phẩm đạt kết quả, bắt buộc Cục BVTV phải cấp giấy phép đăng ký.
Theo Văn bản 822, trong số 29 sản phẩm không được cấp phép, có 4 sản phẩm hiệu lực thấp, còn lại là sản phẩm chứa hoạt chất nhóm 2 không được đăng ký trên cây ăn quả. Ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục BVTV giải thích: “Thời điểm các DN đăng ký khảo kiểm nghiệm, hoạt chất nhóm 2 vẫn được đăng ký sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 26.6.2010, Thông tư 38/2010/TT-BNN của Bộ NNPTNT có hiệu lực, vì vậy tất cả các sản phẩm thuốc BVTV dùng cho cây ăn quả có độ độc cấp tính nhóm 2 không được cấp phép dùng cho đối tượng cây trồng này để sử dụng ở Việt Nam”.
Giải thích của ông Hồng nghe có vẻ thuyết phục, nhưng thực tế thì ngược lại. Bởi tại Thông tư số 73/2011/TT-BNN do Bộ NNPTNT ban hành ngày 26.10.2011, vẫn có sản phẩm mang tên thương mại Imi.R4 40WP có hoạt chất nhóm 2 được cấp cho Công ty cổ phần Thanh Điền. Công ty này cũng đã được cấp giấy phép khảo nghiệm trên diện rộng và hẹp cho một sản phẩm khác có hoạt chất nhóm 2, cấp phép sau khi Thông tư 38 có hiệu lực 1 năm, do chính Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng ký ngày 29.6.2011.
Để một sản phẩm được cấp phép lưu hành, DN phải mất 2 năm tham gia khảo kiểm nghiệm trên đồng ruộng. Kinh phí DN nộp vào ngân sách nhà nước là 106 triệu đồng, tùy theo hình thức khảo nghiệm. Với lộ trình quản lý như cấp giấy phép khảo nghiệm, cấp giấy phép đăng ký không rõ ràng của Cục BVTV, các DN đã mất hơn 2 tỷ đồng chi phí khảo nghiệm và mất thời gian trong vòng 2 năm để chờ đợi (cho một sản phẩm) mà không được cấp phép lưu hành và không nhận được một giải pháp nào hợp lý từ phía cơ quan quản lý của Cục BVTV.
Tài Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.