Cục Chăn nuôi: Tết năm nay lo nhất sức mua, khi nào giá lợn hơi nhích lên, không lo thiếu thịt lợn

Thiên Hương (Thực hiện) Thứ ba, ngày 07/11/2023 11:56 AM (GMT+7)
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng thời điểm này, công tác tái đàn khá ảm đạm, không nhộn nhịp như mọi năm. Hiện tổng đàn lợn đã tăng lên hơn 29 triệu con, nhưng nếu giá lợn hơi vẫn như hiện tại thì doanh nghiệp càng lớn, nông hộ càng bị thu hẹp.
Bình luận 0

Ngành chăn nuôi trong nước đang chịu sức ép rất lớn

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ với PV Báo Dân Việt như vậy khi trao đổi về tình hình cung ứng thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. 

Thưa ông, như mọi năm thời điểm này bà con chăn nuôi và các doanh nghiệp đã tất bật tái đàn, đẩy mạnh chăn nuôi lợn và gia cầm phục vụ thị trường cuối năm, tuy nhiên không khí năm nay khác hẳn, rất trầm lắng. Ông có thể cho biết điều gì đang xảy ra với ngành chăn nuôi? 

Cục Chăn nuôi: Tết năm nay không lo thiếu thịt, lo nhất sức mua và khi nào giá lợn hơi nhích lên - Ảnh 1.

Cuối năm thường là thời điểm thị trường chăn nuôi sôi động nhất năm, là mùa "gặt hái" của nông dân và doanh nghiệp khi nhu cầu tiêu thụ thịt và giá heo hơi cùng lên cao. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Ba Vì (TP.Hà Nội). Thiên Hương

Chỉ còn hơn hai tháng nữa là sẽ đến Tết Nguyên đán nhưng chăn nuôi hiện chưa có sự nhộn nhịp như mọi năm. Thị trường chăn nuôi thời điểm này khá ảm đạm do ba vấn đề. Thứ nhất, hậu COVID-19, người dân bị giảm việc, thất nghiệp tăng lên khiến thu nhập giảm đi và buộc phải thắt chặt chi tiêu. 

Thứ hai, nhiều bếp ăn tập thể cơ cấu lại quy mô sản xuất, kéo theo nhu cầu mua bán hàng thực phẩm giảm xuống, trong đó có thịt lợn, gia cầm, thủy hải sản.

Thứ ba, đó là sức ép từ hàng nhập khẩu và nhập lậu. Chúng ta đã ký kết 19 hiệp định thương mại tự do, do đó thịt trâu bò, heo, gà nhập vào Việt Nam thời gian qua có sự gia tăng, cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của người nông dân và doanh nghiệp trong nước. 

Với đặc thù đường biên giới dài hơn 3.000 km, hàng nhập lậu ồ ạt vào thị trường trong nước, kèm theo các rủi ro liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và môi trường, có thể nói ngành chăn nuôi trong nước đang gặp sức ép rất lớn. 

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục đổ tiền đầu tư vào các dự án lớn, còn người chăn nuôi thì teo tóp dần. Có thể thấy bức tranh ngành chăn nuôi đang thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn, thưa ông? 

Đúng vậy, xu hướng rất rõ là các doanh nghiệp đang phát triển rất nhanh, hoành tráng khắp mọi nơi, trong khi chăn nuôi quy mô nông hộ thì thu hẹp lại. Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì từ chỗ 4 triệu hộ chăn nuôi heo, hiện chỉ còn khoảng 1,8 triệu hộ vào năm 2022. Và sang năm nay thì có thể sẽ còn giảm hơn nữa.

Cục Chăn nuôi cũng đã có định hướng rõ ràng, đã chăn nuôi nông hộ thì phải chuyên nghiệp. Nếu không đủ tài chính, kiến thức thì hình thức an toàn hiệu quả nhất là liên kết, hoặc chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, chăn nuôi nhỏ "đứng một mình" sẽ rất khó tồn tại.

Tổng đàn heo cả nước đã tăng lên 29 triệu con rồi mà giá heo hơi không nhích lên được thì khu vực nông hộ sẽ càng bị thu hẹp. Theo tôi thấy, Tết này bà con chỉ có thể hy vọng vào các sản phẩm bản địa, đặc sản. 

Cục Chăn nuôi: Tết năm nay không lo thiếu thịt, lo nhất sức mua và khi nào giá lợn hơi nhích lên - Ảnh 2.

Giá lợn hơi bán tại chuồng đang ở mức trung bình 52.000 đồng/kg, dưới giá thành do sức tiêu thụ chậm. Ảnh: Thiên Hương

Theo ông, chăn nuôi từ giờ tới cuối năm có thể kì vọng vào điều gì? 

Với năng lực chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước như vậy, nếu không xảy ra dịch bệnh bất ngờ thì Tết năm nay không phải lo lắng đến nguồn cung. Vấn đề người chăn nuôi quan tâm nhất hiện nay là khi nào giá sẽ nhích lên. 

Thời điểm này, giá heo hơi ở nhiều nơi đã xuống dưới 55.000 đồng/kg. Mức giá này cộng với tiêu dùng thấp thì nông hộ không ai dám nuôi, lỗ bổ chửng. Bởi giá thành chăn nuôi heo của nông hộ hiện đã lên khoảng 60.000 đồng/kg vì chi phí cho an toàn sinh học hiện rất tốn kém. Giá thành của các doanh nghiệp chăn nuôi cũng lên tới 50.000 - 55.000 đồng/kg. 

Thực tế là do giá heo hơi ở mức thấp nên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hầu hết báo lỗ, lợi nhuận giảm sâu. 

Vậy theo ông, ngành chăn nuôi tìm động lực ở đâu để thực hiện các mục tiêu, chiến lược đề ra? 

Trong thời điểm hiện nay chúng tôi chưa tìm thấy động lực rõ ràng cho ngành chăn nuôi, chỉ hi vọng nhu cầu tiêu thụ, sức mua sẽ cải thiện hơn vào giai đoạn Tết Nguyên đán. 

Còn về dài hạn, chỉ có thúc đẩy xuất khẩu mới đem lại sự tăng trưởng mạnh mẽ, hút ngoại tệ về cho ngành. Xưa nay chúng ta hay nói về việc phải có vaccine thì giấc mơ xuất khẩu mới thành hiện thực, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Chúng ta vẫn có thể xuất khẩu bằng thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Thái Lan là một bài học điển hình, họ chăn nuôi gia cầm không sử dụng vaccine nhưng vẫn xuất khẩu thịt gia cầm trên 4,7 tỷ USD/năm.

Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc chăn nuôi an toàn sinh học để hướng tới xuất khẩu. Chúng tôi cũng hy vọng các doanh nghiệp lớn khác như Masan, Hoà Phát, Xuân Thiện... cũng sẽ làm như vậy trong tương lai.

Có ý kiến cho rằng việc thu hút đầu tư vào chăn nuôi, đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp là chủ trương đúng đắn, nhưng xem ra thị phần chăn nuôi công nghiệp đang nghiêng về tay các doanh nghiệp FDI?

Đó cũng là điều dễ xảy ra khi doanh nghiệp chúng ta chưa kịp lớn lên, chưa kịp đáp ứng xu thế mở cửa, hội nhập. Trước đây chỉ có vài doanh nghiệp lớn như Dabaco, Vissan thì gần đây cũng đã có một số "đại gia" từ các ngành khác đổ vốn vào các dự án chăn nuôi heo quy mô lớn như Masan, Hòa Phát, Xuân Thiện…; Vinamilk, TH với ngành sữa... 

Hi vọng các doanh nghiệp sẽ giúp cân bằng thị phần. Nếu thị phần của doanh nghiệp trong nước và FDI chênh lệch quá lớn, chúng ta có thể chịu sự chi phối về giá cả và nhiều hệ lụy khác.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem