Cục trưởng Cục Trồng trọt: Muốn làm giàu từ trồng lúa, phải có ít nhất 10ha ruộng
Cục trưởng Cục Trồng trọt: Muốn làm giàu từ trồng lúa, phải có ít nhất 10ha ruộng
Khương Lực
Chủ nhật, ngày 07/06/2020 07:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định: “Một hộ gia đình muốn trồng lúa dư giả, khấm khá thì phải có quy mô 5ha trở lên, còn một hộ nông dân có 10ha trồng lúa thì có thể làm giàu”.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh tới sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành hàng lúa gạo, chúng ta vẫn có một vụ Đông Xuân "được mùa, được giá" là một sự cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề thu nhập và đời sống của người sản xuất lúa, vùng trồng lúa còn thấp cũng cần đặt ra và phân tích thấy đáo.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến trồng lúa hiệu quả còn thấp là do quy mô nhỏ. Điều này dẫn tới người dân không tập trung, quan tâm đầu tư khoa học kỹ thuật, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cũng như tính toán về hiệu quả đầu tư.
Thời gian vừa qua, cây lúa vẫn chiếm vị trí quan trọng không chỉ đối với ngành nông nghiệp mà còn đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị - kinh tế cho cả đất nước. Tuy nhiên, khi phải tính toán về hiệu quả kinh tế, ông đánh giá như thế nào về lợi thế, khả năng cạnh tranh của mặt hàng lúa gạo?
- Việt Nam được đánh giá là một nước văn minh lúa nước; do vậy cây lúa đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống, kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân và tiếp tục sẽ còn đóng vai trò quan trọng như vậy trong tương lai.
Diện tích canh tác lúa ở Việt Nam không lớn, đến thời điểm này khoảng 4,12 triệu ha đất trồng lúa,nhưng mỗi năm chúng ta sản xuất trên 43 triệu tấn lúa. Với 43 triệu tấn lúa này, chúng ta đảm bảo an ninh lương thực về gạo cho 96 triệu dân trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào.
Cùng với đó, chúng ta vẫn đủ lượng gạo phục vụ chế biến trong nước, cho chăn nuôi, các mục đích khác và hằng năm xuất khẩu 6,5-6,7 triệu tấn, thu về trên dưới 3 tỷ USD. Điều này cho thấy chúng ta đã thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo thành công trong thời gian vừa qua.
Trước bất lợi từ biến đổi khí hậu và thách thức về thị trường khi ngay cả Trung Quốc đã đặt ra những quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn chất lượng lúa gạo. Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT và Cục đã thích ứng, điều chỉnh sản xuất và định hướng thị trường như thế nào để phát huy hiệu quả đối với sản xuất ngành lúa gạo?
- Ngành lúa gạo nói riêng và tất cả các sản phẩm ngành hàng thuộc lĩnh vực trồng trọt nói chung trong thời gian qua chịu sự tác động, ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); hạn hán ở miền Trung, duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên.
Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp, trong đó có lúa gạo, là ngành cực kỳ mở. Chúng ta chịu cạnh tranh rất quyết liệt của thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Với độ mở của kinh tế thị trường, sự xâm nhập và đi sâu của nền kinh tế Việt Nam trong toàn cầu hóa và trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động chắc chắn ngành lúa gạo nói riêng và ngành trồng trọt nói chung sẽ còn chịu đựng những ảnh hưởng, tác động rất mạnh mẽ, rất khốc liệt. Nhưng tôi tin tưởng rằng, ngành trồng trọt và sản xuất lúa của chúng ta vẫn tự tin để cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nước khác như Thái Lan, Ấn Độ…
Hiện nay, chúng ta đã có những định hướng thay đổi sản xuất lúa gạo theo yêu cầu, chất lượng của thị trường chứ không phải chúng ta sản xuất cái mà chúng ta có. Điều đó thể hiện rất rõ là hàng năm chúng ta xuất khẩu được 6-7 triệu tấn gạo, thu trên dưới 3 tỷ USD.
Ở "vựa lúa" ĐBSCL, trước những tác động bất lợi, chúng ta đã đưa cây lúa ở vị trí đứng đầu xuống thứ 3 để thực hiện việc xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, kèm theo đó là chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả. Vậy, ông đánh giá như thế nào về việc nên quy định "cứng" một diện tích nhất định để sản xuất lúa hay thay đổi linh hoạt để vừa đảm bảo yếu tố an ninh lương thực, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân?
- Như tôi đã nói, Việt Nam là đất nước có nền văn minh lúa nước và chúng ta có lợi thế trong việc sản xuất lúa gạo, đặc biệt vùng ĐBCSL. Tuy nhiên, những tác động của biến đổi khí hậu, của thị trường, sự dịch chuyển lao động và xu hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa đã ảnh hưởng tới việc phát triển ngành hàng lúa gạo.
Đảng và Chính phủ đã nhận thức được những tác động, ảnh hưởng này và vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120, trong đó cây lúa được xếp sau thủy sản và cây ăn quả. Tuy nhiên, Chính phủ xác định lúa gạo vẫn là 1 trong 3 sản phẩm chủ lực ở ĐBCSL. Điều này một lần nữa khẳng định sản xuất lúa gạo của chúng ta vẫn có lợi thế.
Rõ ràng, trong một thời gian rất dài nữa trong bữa cơm của Việt Nam không có thực phẩm gì thay thế được lúa gạo. Vấn đề an ninh lương thực cho 96 triệu dân ở thời điểm hiện nay và 104-105 triệu dân vào năm 2030 và những năm tiếp theo nữa vẫn là vấn đề trọng tâm, quan trọng đối với chúng ta. Do vậy, chúng ta cần phải duy trì một diện tích nhất định để đảm bảo an ninh lương thực.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53 KL/TW về Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", Thủ tướng Chính phủ đã nói rất rõ chúng ta chốt cứng, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030. Như vậy, trong tương lai rất xa, cây lúa vẫn là cây lương thực quan trọng nhất đối với Việt Nam.
Việc chúng ta chốt lại diện tích 3,5 triệu ha lúa thì với chủ trương tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư của nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt trong đó có cây lúa cũng như những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta vẫn đảm bảo được an ninh lương thực và dành một lượng lúa gạo nhất định để xuất khẩu.
Lúc đó, xuất khẩu gạo của chúng ta sẽ nâng lên một tầm cao hơn, chất lượng cao hơn, có giá trị cao hơn và xuất khẩu vào những thị trường cao cấp hơn; quá đó nâng cao hiệu quả cho nông dân trồng lúa.
Nhắc đến thu nhập cho người trồng lúa, ông đánh giá trong những năm vừa qua thu nhập của người trồng lúa có sự cải thiện như thế nào, nhất là khi các mặt hàng khác như trái cây, thủy sản được đưa lên vị trí phát triển cao hơn và sẽ lấy bớt một phần đất lúa?
- Thời gian vừa qua, chúng ta đã có những cải thiện về tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, giảm chi phí đầu vào, năng suất lúa tốt hơn, chất lượng gạo tốt hơn, giá trị bán tốt hơn, nhưng có thể nói thu nhập của người dân trồng lúa vẫn kém hơn nuôi trồng thủy sản và các cây trồng khác . Tuy nhiên, họ đã được Đảng, Chính phủ đã có chính sách quan tâm, đầu tư hỗ trợ để người trồng lúa có lãi trên 30% so với giá thành sản suất.
Ở đây cũng phải nói rằng, do quy mô sản xuất, đặc biệt với trồng lúa của chúng ta rất thấp thì sẽ không thể đem lại thu nhập cao cho người dân. Một hộ gia đình muốn trồng lúa dư giả, dư dật thì phải có quy mô 5ha trở lên, còn một hộ nông dân có 10ha trồng lúa thì có thể làm giàu.
Vì thế, nhà nước đã có chính sách chuyển đổi linh hoạt, từ đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, hoặc trồng các cây trồng khác cho hiệu quả thu nhập cao hơn. Trong 3-4 năm gần đây, mỗi năm chúng ta chuyển đổi khoảng 150.000-200.000ha diện tích lúa kém hiệu quả, không chủ động được nước. Việc chuyển đổi này là một chính sách rất kịp thời và đúng đắn, góp phần nâng cao, cải thiện được thu nhập rất nhiều cho người dân.
Xin cảm ơn ông!
"Nhưng tôi phải lưu ý rằng, việc chuyển đổi phải tập trung theo vùng, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa lớn, sản xuất theo hợp đồng, chứng nhận để đáp ứng được thị trường trong nước cũng như xuất khẩu thì mới có thể đảm bảo hiệu quả kinh tế như mong muốn. Nếu chúng ta chuyển đổi một cách tự phát, nhỏ lẻ, không tập trung theo vùng, sản xuất tùy tiện, không tuân theo hợp đồng, chứng nhận thì việc chuyển đổi này có thể gây ra những tác động không như mong muốn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.