"Đổi đời" nhờ nghề nuôi ong lấy mật ở Tuyên Quang

Nguyễn Thành Công Thứ sáu, ngày 07/04/2023 19:03 PM (GMT+7)
Tận dụng thế mạnh địa phương người dân xã Đông Lợi (Sơn Dương, Tuyên Quang) đã phát triển mô hình nuôi ong và thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa địa phương sớm cán đích nông thôn mới.
Bình luận 0

Cùng nhau phát triển kinh tế từ nuôi ong lấy mật

Năm 2019, nhận thấy điều kiện tự nhiên tại địa phương có nhiều thuận lợi cùng với mong muốn tạo công ăn việc làm cho bà con, gia tăng thu nhập cho gia đình, anh Đặng Ngọc Bắc đã mạnh dạn tiên phong nuôi ong lấy mật và thành lập nên tổ hợp tác nuôi ong Đông Lợi.

Cùng nhau nuôi ong lấy mật, nông dân Tuyên Quang thoát nghèo - Ảnh 1.

Từ khi vào tổ hợp tác nuôi ong Đông Lợi, cuộc sống của gia đình ông Tranh đã tốt hơn trước. Ảnh: Viết Niệm

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, anh Đặng Ngọc Bắc - tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ong xã Đông Lợi cho biết: Khi mới triển khai tổ hợp tác chỉ có vài thành viên, đều là những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, là thương binh, bệnh binh.

Trong quá trình hoạt động các thành viên trong tổ hợp tác đã không ngừng giúp đỡ lẫn nhau, từ chăm sóc đàn ong hàng ngày đến thu hoạch mật đều được các thành viên chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức mình tích lũy được.

Chia sẻ với phỏng vấn của báo NTNN/Dân Việt, anh Bắc cho hay: "Mật ong chúng tôi làm ra rất là chuẩn, mật ong phải thật già, vít hết nắp chúng tôi mới thu hoạch nên chất lượng luôn được đảm bảo.

Cũng theo anh Bắc, xã Đông lợi có diện tích trồng vải và nhãn cũng tương đối lớn, vì vậy mỗi năm bà con sẽ có hai vụ thu hoạch chính: mùa hoa vải, hoa nhãn·và mùa hoa rừng. Vụ mùa hoa vải, hoa nhãn ong sẽ được nuôi tại vườn nhà, khi hết mùa thì người dân sẽ đưa ong lên núi để khai thác mật từ các loại hoa rừng.

Cùng nhau nuôi ong lấy mật, nông dân Tuyên Quang thoát nghèo - Ảnh 2.

Mật ong của Tổ hợp tác nuôi ong Đông Lợi luôn đảm bảo chất lượng. Ảnh: Viết Niệm

Được biết, sản lượng một vụ thu hoạch của tổ hợp tác đạt khoảng 4000 lít mật ong. Với giá bán mật ong dao động từ 200.000 - 250.000đ/lít thì đây thực sự là một nguồn thu nhập không hề nhỏ đối với người dân tại xã Đông Lợi.

Cũng vì thế mà tổ hợp tác nuôi ong của anh Bắc đã có những bước phát triển, từ 4 thành viên ban đầu giờ lên tới 12 thành viên, bình quân mỗi thành viên có khoảng 60 đàn ong. Và hiện nay cũng có rất nhiều những hộ đang muốn đăng ký muốn tham gia vào tổ hợp tác để cùng nhau xây dựng thương hiệu mật ong Đông Lợi.

Ông Phan Mộng Tranh - thành viên tổ hợp tác nuôi ong xã Đông Lợi chia sẻ, trước đây gia đình ông chỉ phụ thuộc vào vài sào ruộng và chăn nuôi con lợn con gà nên kinh tế của gia đình rất bấp bênh. Từ khi tham gia vào tổ hợp tác nuôi ong, mặc dù là thành viên mới, quy mô còn nhỏ nhưng nguồn thu nhập đã ổn định, cũng đã mua sắm được các thiết bị, cuộc sống của gia đình tốt hơn trước rất nhiều.

Góp phần đưa địa phương sớm hoàn thành nông thôn mới

Mô hình nuôi ong mật ở xã Đông Lợi được xem là giải pháp mang lại kết quả tích cực, giúp giải quyết công ăn việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thuận lợi và hiệu quả kinh tế mà mô hình nuôi ong đem lại là vậy, tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho những sản phẩm mật ong của tổ hợp tác cũng đang là một bài toán khó đối với người nuôi ong nơi đây.

Hiện việc tiêu thụ sản phẩm mật ong hiện vẫn đang do các thành viên trong tổ đang tự tìm kiếm khách hàng, chủ yếu là bán lẻ nên đầu ra chưa được ổn định...

Cùng nhau nuôi ong lấy mật, nông dân Tuyên Quang thoát nghèo - Ảnh 3.

Các thành viên trong tổ hợp tác nuôi ong đã cùng nhau góp công, góp sức, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Viết Niệm.

"Vì vậy, để tránh gặp tình trạng "được mùa mất giá" thì cần sự vào cuộc, hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm mật ong Đông Lợi đến với người tiêu dùng nhiều hơn nữa" ông Bắc đề nghị.

Bên cạnh việc cùng nhau phát triển kinh tế, tổ hợp tác nuôi ong lấy mật Đông Lợi còn là những gương điển hình trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Các thành viên trong tổ đã cùng nhau góp công, góp sức, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn.

Đến nay xã Đông Lợi đã đạt 12/19 tiêu chí chí nông thôn mới. Trong đó tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người xã đã có sự tăng trưởng đáng kể.

Ông Nguyễn Hồng Điệp - chủ tịch xã Đông Lợi cho biết, trước đây thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 25 triệu đồng/người. Nhờ thực hiện Nghị quyết 03 và lồng ghép các chương trình lâm nghiệp, kết hợp chăn nuôi, trồng trọt, thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Đông Lợi đến nay đã đạt 31 triệu đồng/người.

Có được kết quả trên, không thể không kể đến mô hình nuôi ong của tổ hợp tác nuôi ong xã Đông Lợi. Với quy mô và đà phát triển hiện nay, mô hình sẽ là động lực quan trọng góp phần đưa xã Đông Lợi về đích NTM năm 2024.

TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI

TRUNG ƯƠNG

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem