Cúng ông Công ông Táo: "Tất tần tật" những điều cần biết

Nguyên Nguyên (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 31/01/2021 08:21 AM (GMT+7)
23 tháng Chạp năm Canh Tý đang cận kề, nhiều nhà đã chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo để "báo cáo" một năm làm việc và cầu bình an cho năm mới.
Bình luận 0

Cúng ông Công ông Táo thế nào thật chuẩn, thật đúng là điều nhiều người quan tâm.

Theo chuyên gia phong thủy Tam Nguyên (Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên), cúng ông Công ông Táo là một nghi lễ quan trọng cuối năm, nhằm tiễn 3 vị Táo Quân về trời bẩm báo cho Ngọc Hoàng biết tình hình năm vừa qua của gia đình.

Trong các vị thiện thần thì Táo Quân được nhiều người biết là vị thần cai quản bếp núc trong nhà, ghi chép lại sinh hoạt tốt xấu người nhà để cuối năm trình tấu với Ngọc Hoàng. 

Theo sách "Kính Táo toàn thư" thì "Táo Thần hưởng nhang khói của một nhà, gìn giữ sức khỏe cho người trong gia đình, theo dõi việc thiện ác của gia đình, tâu trình công tội của nhà đó" (thụ nhất gia hương hỏa, bảo nhất gia khang thái, sát nhất gia thiện ác, tấu nhất gia công quá). 

Với nhiệm vụ bảo hộ sinh mạng cho gia chủ nên Táo Quân còn được gọi là Tư mệnh Thần quân.

Hàng năm, đúng ngày 23 tháng Chạp các gia đình cúng tiễn ông Táo về trời - nên ngày này gọi là "Tết ông Công, ông Táo".

Cúng ông Công, ông Táo: "Tất tần tật" những điều cần biết - Ảnh 1.

Cúng ông Công ông Táo là nghi lễ không thể thiếu cuối năm. Ảnh minh họa.

Lễ cúng ông Công ông Táo gồm những gì? 

Các cụ xưa cúng ông Công ông Táo thường sắm lễ Táo quân bày biện như sau:

- Hương thơm.

- Hoa tươi (hoa cúc vàng).

- 3 quả cau, 3 lá trầu.

- Đĩa ngũ quả (5 loại quả 5 màu).

- 1 bao thuốc + 1 gói chè cúng.

- 1 chén rượu, 1 chén trà khô, 1 chén nước, 1 chén gạo, 1 chén muối

- Đồ ngọt (bánh mứt kẹo, bánh cốm, bánh vừng...) bày vào đĩa to.

- 1 đĩa xôi và 1 con gà luộc.

- 1 mâm cơm canh có 3 loại thịt.

Cúng ông Công, ông Táo: "Tất tần tật" những điều cần biết - Ảnh 2.

Mâm cúng ông Công ôngTáo xưa thường có khẩu thịt luộc. Ảnh minh họa.

Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ như trên hoặc cúng đơn giản hơn, không nhất thiết phải có đầy đủ các món mặn theo truyền thống.

Nếu là cỗ chay thì đơn giản với hoa quả, trầu cau, vàng mã để tiễn Táo quân về trời.

Mâm lễ bày tỏ lòng tôn kính, chứng mình tâm đức lòng thành của gia chủ, biết ơn 3 vị Táo đã phù hộ cho gia đình an cư lạc nghiệp, sức khỏe bình an, tăng tài tiến lộc, gia đạo hưng vượng, công thành danh toại... và mong ước năm sau an khang thịnh vượng hơn năm trước.

Năm nay lễ tạ Táo nên làm vào 2 ngày tốt, giờ tốt như sau:

 • Ngày 22 tháng Chạp (ngày Nhâm Ngọ). Giờ tốt: giờ Ngọ (11h-13h).

• Ngày 23 tháng Chạp (ngày Quý Mùi). Giờ tốt: giờ Tị (9g-11g); giờ Ngọ (11h-13h).

Cúng ông Công ông Táo giờ nào tốt nhất? 

TS Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho biết, lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Nếu gia chủ có ban thờ Táo quân đặt ở phòng bếp thì thắp hương ở ban thờ này. Nếu không có, gia đình thắp hương ở ban thờ gia tiên.

Những đồ lễ mà các gia đình đều sắm cho ông Công, ông Táo là mũ, hia, tiền vàng…và không quên 3 con cá chép. "Tuy nhiên, sắm lễ ra sao quan trọng nhất vẫn là thành kính, không phải làm cho có lệ. Không phải cứ lễ to theo kiểu chơi trội là mang lại phúc đức, may mắn cho mình. Lòng thành là quan trọng nhất. Xưa các cụ vẫn có câu "lòng thành thắp một nén nhang" – TS Vũ Thế Khanh cho hay.

Sau khi bày biện đồ lễ, gia chủ thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn thì lễ tạ. Xong xuôi các công đoạn đó, đồ vàng mã được đem đốt, cá chép được thả ra ao, hồ… để cá chở ông Táo lên chầu trời. Mọi gia đình cũng bắt đầu từ sau ngày cúng ông Công ông Táo là dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, trang trí Tết.

Cúng ông Công ông Táo nên thả cá sống hay đốt cá giấy? 

Về phong tục cúng cá chép vào ngày 23 tháng Chạp. Theo truyền thuyết kể lại rằng: "Hàng năm, Táo quân được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện – Ác của loài người. Sau đó, cứ vào ngày 23 hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người". 

Bởi thế, cứ đến ngày Tết ông Công, ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng cá chép. Người dân thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là "phóng sinh" để đưa ông Táo về trời. 

Trong tâm thức người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Đây cũng chính là nguyên gốc của tập tục phóng sinh cá chép.

Theo chuyên gia phong thủy Linh Quang (Tư vấn đào tạo phong thủy thực hành) cho biết, thực tế cho thấy nhiều năm qua, khi mà người dân ngày càng có điều kiện sống tốt hơn, gọi là phú quý sinh lễ nghĩa, họ thường đua nhau việc mua cá chép sống về thắp hương rồi phóng sinh thả cá chép vào dịp 23 tháng Chạp. 

Tuy nhiên, sự việc này diễn ra không ít lộn xộn, ảnh hưởng đến phong tục cổ truyền thiêng liêng. Bản thân cá chép phục vụ nhu cầu thả dịp này phần lớn là cá chép đỏ được nuôi, trong môi trường khác, khi được thả, chúng khó lòng tồn tại được.

Cúng ông Công, ông Táo: "Tất tần tật" những điều cần biết - Ảnh 4.

Cá chép là lễ vật thường được chuẩn bị khi cúng ông Công, ông Táo. Ảnh TL

Nhiều người cho rằng, có thể thay thế bằng cá chép giấy, còn nếu thả cá chép sống thì nên mua cá tự nhiên. Trường hợp mua cá trước thời gian cúng lâu, khi mua về nên thả vào một bát nước sạch, thả thêm một cọng rêu vào một chiếc chậu nhỏ. Khi cúng, chậu cá chép được để cạnh mâm cỗ cúng. Cá để dâng lên Táo quân không nhất thiết phải to, miễn sao cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy là được.

Sau nhiều lần thấy sông ao hồ bẩn ô nhiễm bởi rác thải từ việc phóng sinh cá chép sau dịp lễ 23 tháng chạp, nhiều người đã quan niệm rằng nên dùng cá chép giấy để thay thế thì sẽ tốt hơn. Việc làm này đỡ ảnh hưởng đến môi trường sống.

Cúng ông Công, ông Táo: "Tất tần tật" những điều cần biết - Ảnh 5.

Chuyên gia phong thủy Linh Quang cho rằng, thực tế việc đốt cá chép giấy hay thả cá chép sống thì không thể nói lên được cái nào tốt hơn, cái nào ưu điểm hơn.

Về điều này, chuyên gia phong thủy Linh Quang cho rằng, thực tế việc đốt cá chép giấy hay thả cá chép sống thì không thể nói lên được cái nào tốt hơn, cái nào ưu điểm hơn? Vấn đề đặt ra ở đây là cái tâm tín ngưỡng của mỗi người, sự giác ngộ của từng cá nhân khi hiểu được bản chất của sự việc đến đâu, thấy điều gì là phù hợp và có chuẩn mực thì sẽ hành động theo khuôn khổ đó.

Bỏ hay không bỏ tục thả cá chép không quan trọng bằng "ý thức", "thái độ", "hành vi" của người thực hiện. Cái đã được gọi là "nét văn hóa" cần được duy trì và có sự quản lý một cách chặt chẽ để từ đó có thể làm "thức tỉnh" tâm trí của người dân thông qua việc tuyên truyền hàng ngày.

Khi đi phóng sinh cá chép cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm. Khi thả, không đứng trên cao đổ xuống hay vứt cả túi cá xuống, làm như vậy cá có thể bị chết, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Cách tốt nhất để phóng sinh cá là chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước. 

Hình ảnh phóng sinh đẹp là đặt cá trong lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Tránh việc đổ, ném, quăng cá mạnh tay từ xô, chậu, túi nylon xuống thẳng sông hồ. Hành động này không những xấu xí, thiếu văn minh mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, tuyệt đối không thả cá cùng cả túi nilon...

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo chuẩn bị thế nào? 

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp có thể chuẩn bị tùy theo khả năng mỗi gia đình hay do các trường phái tâm linh khác nhau nhưng cá chép để làm phương tiện cho ông Táo lên trời thì không thể thiếu.   

Cúng ông Công, ông Táo: "Tất tần tật" những điều cần biết - Ảnh 7.

Bánh trôi cá chép

Tùy theo khả năng từng gia đình, ngoài cá chép (còn sống hoặc bằng giấy), các gia đình có thể cúng mâm cỗ chay hoặc mâm cỗ mặn để tiễn Táo Quân. 

 Với các gia đình cúng chay thuần khiết, mâm cỗ cúng có thể gồm các món canh thập cẩm rau củ hoặc cay măng chay, nem rau củ, đậu phụ sốt nấm cay Tứ Xuyên, giò chay, chả chay, chạo nấm, xôi, chè, nộm, xào thập cẩm rau củ.

Với những gia đình cúng chay, hai năm lại đây, thị trường xuất hiện loại bánh trôi cá chép. Bánh được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên: màu đỏ của gấc xay, màu cam của cà rốt, màu vàng của tinh bột nghệ, màu đen của tinh bột than tre. Bát bánh trôi cá chép này sẽ là một lựa chọn hay cho các gia đình muốn cúng chay. 

Đơn giản hơn nữa có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng chay theo trường phái (Trí Tuệ). Theo đó, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo chỉ gồm: 1 mâm ngũ quả, 3 bát chè, 1 đĩa xôi, hoa tươi, nước, nến đỏ và 3 “ông” cá chép sống. Những người theo trường phái này không dâng cúng và đốt mũ, tiền vàng và cá chép giấy. Khi thắp hương xong, gia chủ sẽ mang cá thả ra sông. 

 Với các gia đình muốn cúng mặn, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, gà luộc hoặc 1 khổ thịt vai gáy luộc, 1 bát canh, 1 đĩa xào, 1 đĩa giò, 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống), 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa, 1 tập giấy tiền, vàng mã.

 Cũng cách chuẩn bị lễ vật cúng ông Công ông Táo khác, gồm có: Một chiếc lọng màu đỏ có diềm vàng để che nắng che mưa; một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải đỏ sang trọng ngay ngắn; một miếng vải đỏ dài trải dưới đất như miếng thảm đỏ để đưa tiễn Thần Táo Quân.

Một mâm lễ cúng ông Công ông Táo gồm:

Gà trống; xôi đỏ; 3 chén rượu ba màu đỏ , trắng, vàng (màu đỏ mang lại vận khí tốt, màu trắng mang lại tài lộc, màu vàng mang lại sự bình an); 

3 chén trà ba loại mùi vị khác nhau; 

Ngũ quả đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền màu đỏ; 

Bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần;

Vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá cho ba vị mỗi vị 99 thuyền, 99 thỏi, 99 lá. 

Trong mâm lễ phải có 3 con cá chép; 9 cây cây nến đỏ.

Tuy nhiên, gia chủ không đốt tiền âm phủ vì Ông Công Ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm nên nếu đốt tiền âm phủ họ sẽ không nhận.

Đặc biệt năm nay, trên thị trường còn xuất hiện loại vàng mã không trang kim, có kích thước rất nhỏ gọn, được thiết kế khá tinh xảo để đáp ứng nhu cầu của những gia đình muốn cúng mã nhưng hạn chế gây ô nhiễm môi trường. 

Cúng ông Công, ông Táo: "Tất tần tật" những điều cần biết - Ảnh 8.

Vàng mã nhỏ gọn, không trang kim


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem