“Nhân chứng sống Chầu văn” Bùi Quốc Thi: Người hiếm hoi trình diễn được làn điệu 36 giá đồng
“Nhân chứng sống Chầu văn” Bùi Quốc Thi: Người hiếm hoi trình diễn được làn điệu 36 giá đồng
Phạm Thứ - Phương Vũ
Thứ ba, ngày 02/04/2024 09:50 AM (GMT+7)
Lúc còn sinh thời, cố GS. TS Ngô Đức Thịnh nhiều lần tìm gặp NNND Bùi Quốc Thi và gọi những người như ông là “nhân chứng sống của Chầu văn”. Ông cũng là một trong số rất ít người trình diễn được làn điệu hát Chầu văn 36 giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Trích đoạn Quan hoàng Bảy - NNND Bùi Quốc Thi. Media: Phạm Thứ
NNND Bùi Quốc Thi - Từ dòng dõi nhà nòi…
Đang mùa lễ hội, NNND Bùi Quốc Thi liên tục bận rộn với những buổi hát Chầu văn tại các đền phủ. Tôi may mắn được ông dành cho một buổi gặp gỡ, trò chuyện vài tiếng trước khi ông có buổi trình diễn tại đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ). Mấy chục năm qua, ông vẫn thường xuyên vào Nam - ra Bắc, chỉ cần được mời để đi hát hoặc chia sẻ về nghệ thuật hát Chầu văn, ông đều sẵn sàng lên đường mà không hề nghĩ ngợi.
Vốn dòng dõi nhà nòi, là thế hệ thứ tư trong một gia đình có truyền thống thờ Mẫu và hát Chầu văn tại Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội). Tuổi thơ của ông lớn lên bên cây đàn nguyệt và những câu hát văn cổ từ cha là cụ Bùi Quốc Oanh; lại có thêm vốn chữ Nho, cộng với năng khiếu âm nhạc bẩm sinh nên những tinh hoa của loại hình nghệ thuật này đã ngấm vào ông ngay từ lúc nhỏ.
14 tuổi, chàng thiếu niên Bùi Quốc Thi đã thành thạo đàn nguyệt và có thể đi hát tại các giá hầu ở các đền phủ gần nhà. Có những điều trong tín ngưỡng thờ Mẫu hay hát văn mà chưa cần cha chỉ dạy, ông đã có thể tự mình lĩnh hội.
Ở tuổi đôi mươi, ông lên đường nhập ngũ ở Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng TP.HCM. Trong thời gian rảnh rỗi, chàng trai Bùi Quốc Thi vẫn tranh thủ tập luyện hoặc nghe thấy ở đâu có cung văn giỏi, ông lập tức xin tìm đến để học hỏi.
Cũng trong thời gian nhập ngũ, tại Hội thi văn nghệ do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức, ông đã sáng tác bài thơ “Ơn Đảng Bác Hồ” và phổ nhạc theo làn điệu Chầu văn để biểu diễn. Nhờ đó, 1982-1983, trong hai năm liền, ông đều được nhận giải thưởng cao nhất trong Hội thi và bằng khen do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng trao tặng.
Sau này, ông cũng tham gia các cuộc thi khác như tại Phủ Dày và cũng luôn được giải cao nhất. Những tấm bằng khen, giải thưởng của ông hiện nay treo cũng đã kín nhà.
… Tới bậc “Cung văn đại thụ”
Đã từng có một thời, các hoạt động trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu như hầu đồng, hát văn bị coi là mê tín, dị đoan. Những người như nghệ nhân Bùi Quốc Thi cũng nhận về không ít những lời lẽ không hay. Ông kể, không biết bao nhiêu thanh đồng, cung văn bị chính quyền nhắc nhở, thậm chí là răn đe; nhưng tới ông thì khác, ông giải thích hợp tình hợp lý, thuyết phục được cán bộ hiểu đây là nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Phải rất am hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu và phải đam mê, nhiệt huyết lắm với loại hình Chầu văn, nghệ nhân Bùi Quốc Thi mới có thể không chán nản, bỏ cuộc trong những thời điểm khó khăn. Chính những nghệ nhân như ông là người góp phần đưa tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Đi hát bao nhiêu năm nhưng tôi vẫn yêu mến cái nghề như vậy. Tôi rất muốn lan tỏa cái hay, cái đẹp ra cộng đồng. Ai muốn học hay nghe gì về hát văn hay về tín ngưỡng thờ Mẫu tôi cũng dạy cũng chia sẻ”, NNND Bùi Quốc Thi bộc bạch.
Tín ngưỡng thờ Mẫu được cấu thành từ nhiều lớp lang, kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội. Vì thế, hát văn là hoạt động không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
NNND Bùi Quốc Thi chia sẻ, người hát văn giống như đạo diễn, linh hồn trong một giá hầu; phải quan sát thanh đồng, cùng nhập tâm vào màn diễn xướng. Diễn xuất, cảm xúc của thanh đồng có thăng hoa, lột tả được “như thật” qua từng câu hát văn hay không; phụ thuộc vào sự nhập tâm, cách truyền tải, luyến láy câu từ trầm bổng và những ngón đàn của người hát.
Giới trong nghề hát văn bảo nhau rằng, nếu trực tiếp được nghe NNND Bùi Quốc Thi thực hành diễn xướng hát văn, người nghe sẽ cảm nhận thấy một Bùi Quốc Thi “không lẫn vào đâu được”. Từng câu hát luôn sáng tạo, từng ngón đàn xuất thần khiến thanh đồng nhập vai các vị thánh được chìm trong một thế giới huyền ảo, người nghe được đi vào một cõi tâm linh, nhẹ nhàng, thanh thản, tạm quên được những ưu phiền của thực tại.
Tôi cũng may mắn được trực tiếp nghe ông hát tặng ngay trong cuộc trò chuyện và cũng phần nào cảm nhận được cái nhận xét ấy.
Ở tuổi ngoài 60, độ tuổi không phải quá cao, nhưng NNND Bùi Quốc Thi đã được xem như một cây đại thụ về hát văn. Ông là một trong số rất ít người trình diễn được tất cả làn điệu hát Chầu văn 36 giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Suốt một đời tâm huyết, cống hiến, ông sưu tầm và lưu giữ được hàng trăm bài hát với khoảng 50- 60 làn điệu khác nhau trong đó có gần 20 làn điệu hát văn cổ.
Với mong muốn đưa nghệ thuật hát Chầu văn tới gần gũi hơn với công chúng, ông thường xuyên tham gia các buổi giao lưu nghệ thuật truyền thống hay các đêm diễn nghệ thuật quần chúng. Năm 2017, nhận lời mời từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ông dàn dựng và đưa lên sân khấu trích đoạn giá "ông Hoàng Mười" và "Cô đôi thượng ngàn" nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Ông còn tham gia hát văn trong buổi diễn xướng hầu đồng để Phòng di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao làm tư liệu tín ngưỡng thờ Mẫu của TP. Hà Nội.
Từ năm 1998 tới nay, NNND Bùi Quốc Thi đã mở nhiều lớp dạy học hát Chầu văn, truyền dạy những làn điệu cổ và kỹ năng đàn nguyệt. Ông đã thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn hát văn xứ Ðoài để thường xuyên đưa nghệ thuật hát văn vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng thông qua các hội thi, hội diễn. Ngoài học trò trực tiếp đến học, ông còn sẵn sàng dạy trực tuyến qua mạng. Trong hoạt động giảng dạy, ông có bốn học trò là Nghệ nhân Ưu tú, bản thân ông cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cuối năm 2022. Cho tới nay, ông vẫn là Nghệ nhân Nhân dân duy nhất của loại hình Chầu văn.
Bên cạnh đó, ông còn tham gia hỗ trợ, cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian để biên soạn thành sách. Lúc còn sinh thời, cố GS. TS Ngô Đức Thịnh - người một đời miệt mài khơi lại tinh hoa đạo Mẫu cũng từng nhiều lần tìm gặp NNND Bùi Quốc Thi và gọi những người như ông là “nhân chứng sống của Chầu văn”.
Người hát Chầu văn phải cảm được những giá trị của Chầu văn
Cả một đời, từ lúc sinh ra cho tới hiện tại, “ngày nào thiếu hát văn là không thể chịu được”, NNND Bùi Quốc Thi hiểu hơn ai hết cái tinh hoa của việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có hát Chầu văn. Ông bảo trong đó là kết hợp của sự giải phóng nữ quyền, là giải phóng mỹ cảm, là lịch sử hào hùng của dân tộc và là cái thiện căn dạy chúng ta làm người.
Mỗi giá trị, ông Thi đều trích thơ của các câu hát và phân tích cặn kẽ. Ông còn hào phóng hát tặng tôi những trích đoạn ấy.
“Đền Kiếp Bạc khói nhang nghi ngút/ Đức Đại Vương vạn kiếp anh linh/ Gươm vàng soi chói một thanh/ Muôn loài tà quỷ ma tinh tận trừ…/ Quốc sử ký Việt Nam Trần thị/ Lịch đế vương tế thế trị bình/ Thiên Trường, Tức Mạc địa danh/ Sơn hà dục tú trung linh dị kỳ…”, NNND Bùi Quốc Thi trích đoạn văn hầu Đức Thánh Trần.
“Nếu không hiểu được những giá trị lịch sử, phải cảm được sự uy linh, oai phong lẫm liệt của ngài thì khó có thể hát có hồn được. Đấy là tín ngưỡng dạy ta về ghi nhớ công ơn về anh hùng dân tộc, tình yêu quê hương đất nước”, NNND Bùi Quốc Thi tiếp tục.
Ông chia sẻ thêm, tất cả các giá thánh đều hướng con người tới thiện tâm. Giống như lời hát văn giá Cô bé dạy rằng: “Đừng nên khẩu phật tâm xà/ Đảo điên tráo trở cô cho hoa lìa cành/ Thảo ngay ăn ở cho lành/ Chứ gieo tai cô giáng hoạ cảnh bình chẳng có lâu/ Nên người đi trước nhắc người đi sau/ Đừng gây chia rẽ mà để thêm sầu lòng cô” hay văn Ông Hoàng Bảy cũng răn: “Mới tâu qua Quan Nam Tào cùng Quan Bắc Đẩu/ Số trần gian lão ấu chép biên/ Những ai là người hiếu thuận thảo hiền/ Tu nhân tích đức chép biên rõ ràng/ Bao nhiêu kẻ ngang tàng bạo ngược/ Muốn hại người không trước thì sau/ Lỗi lầm có xá chi đâu/ Bao nhiêu đệ tử quy đầu làm tôi”.
Không cần nói ra cụ thể để thấy NNND Bùi Quốc Thi là chuẩn mực tinh hoa của người am hiểu, ngấm những giá trị văn hóa, giá trị đạo đức của tín ngưỡng thờ mẫu, trong đó bao gồm nghệ thuật hát Chầu văn. Trong từng cử chỉ, ngôn ngữ của ông đều thể hiện sự chuẩn mực đó của một bậc “cung văn đại thụ”.
Tôi hỏi NNND Bùi Quốc Thi, mỗi giá hầu, mỗi bài hát văn đều có những giá trị riêng như vậy, đâu là giá đồng hay bài hát văn mà ông tâm đắc nhất. Ông chỉ cười và trả lời, ông thích hết. Ông cũng chia sẻ thêm, điều ông còn lo sợ là lối hát Chầu văn cổ cũng đang bắt đầu có những lệch chuẩn, biến tướng. Lão NNƯT Hoàng Trọng Kha lúc còn sống cũng luôn trăn trở với ông làm sao để giữ lại những gì là bản sắc của Chầu văn mà truyền lại cho thế hệ sau. Vậy nên, nếu sau này không thể tiếp tục hát, ông cũng sẽ dạy học, để tận hiến Chầu văn và tín ngưỡng thờ mẫu tới giây phút cuối cùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.