Cuộc chiến chuỗi cà phê hậu Covid-19: Đại gia tung "chiêu" mới giành thị trường tỷ USD

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 17/11/2021 14:30 PM (GMT+7)
Covid-19 làm thay đổi thói quen của người dân, kể cả việc uống cà phê. Các đại gia dù là người cũ hay người mới trong cuộc chiến chuỗi cà phê, cũng đang tích cực tung nhiều "chiêu" mới để giành thị trường tỷ USD.
Bình luận 0

Theo đánh giá của Euromonitor năm 2020, giá trị thị trường cà phê và trà Việt Nam đạt khoảng 1 tỷ USD nhưng vẫn chưa có thương hiệu nào giành thị phần áp đảo. Nhu cầu cà phê của người Việt dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Cuộc chiến chuỗi cà phê: Đua nhau xuống đường

Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, The Coffee House chọn cách đóng bớt các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả, kể cả cửa hàng singature để cho ra mắt một mô hình mới toanh là ki-ốt và xe đẩy để bán cà phê.

Ki-ốt cà phê đầu tiên của The Coffee House đã chính thức ra mắt. Đó là một điểm bán nhỏ đặt tại một góc trong cửa hàng Kingfoodmart trên đường Phạm Hùng, TP.HCM. Định hướng của The Coffee House là kết hợp với các chuỗi phân phối lớn trên thị trường, nơi có mật độ tiêu dùng cao để mở ki-ốt, còn xe đẩy sẽ tăng nhận diện thương hiệu khắp Việt Nam.


Cuộc chiến chuỗi cà phê hậu Covid-19: Đại gia tung 'chiêu' mới giành thị trường tỷ USD - Ảnh 1.

Ki-ốt The Coffee House "ở ghép", đặt trong cửa hàng bán thực phẩm Kingfoodmart trên đường Phạm Hùng, TP.HCM. Ảnh: TCH.

CEO The Coffee House Lê Bá Nam Anh đánh giá nhu cầu mua cà phê mang về đang trở thành thói quen mới sau giãn cách. Mô hình ki-ốt và xe đẩy của doanh nghiệp sẽ đáp ứng phân khúc này, kế hoạch sẽ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau.

Xuống đường bán cà phê sau các đợt giãn cách xã hội vì Covid-19 dường như đang là "thượng sách" với các doanh nghiệp tham gia vào cuộc chiến chuỗi cà phê.

Chuỗi Chuk Chuk của tập đoàn Kido cũng định hướng bên cạnh mở những cửa hàng có vị trí đẹp tại khu vực trung tâm TP.HCM và trung tâm thương mại thì cũng sẽ xuống đường với mô hình ki-ốt và xe đẩy để thích ứng tình hình mới. 

Tương tự The Coffee House, ki-ốt của Chuk Chuk cũng sẽ kết hợp với các chuỗi phân phối lớn trên thị trường, xe đẩy sẽ có mặt tại mọi cung đường.

Mô hình này được Kido kỳ vọng là động lực chính, đồng thời cũng là cách đi nhanh nhất để chạm đến tham vọng đạt tổng cộng 1.000 điểm bán vào năm 2025. Ngay sau khi TP.HCM mở cửa, một số cửa hàng của Chuk Chuk tại khu vực trung tâm đã khai trương. "Chúng tôi vẫn đang theo kế hoạch trước đây và vẫn đang chạy", đại diện Kido cho biết.


Cuộc chiến chuỗi cà phê hậu Covid-19: Đại gia tung 'chiêu' mới giành thị trường tỷ USD - Ảnh 3.

Xe đẩy của Highlands Coffee đặt trước một tòa nhà văn phòng trên đường Võ Thị Sáu, quận 3 hồi tháng 6/2021. Ảnh: Hồng Phúc.

Đầu năm nay, hàng loạt thương hiệu lớn như Highlands Coffee, King Coffee cũng đã xuống đường với mô hình xe đẩy. Đó là những chiếc xe mini rất nhỏ, đặt trước các tòa nhà văn phòng, cửa hàng điện thoại với menu rút gọn chỉ có cà phê.

Riêng Passio, Guta, Ông Bầu đã có ki-ốt, xe đẩy trước đó thì tiếp tục mở rộng. Thậm chí, Guta còn xuất hiện tại một số tuyến đường lớn để "đón đầu" dân văn phòng đến công sở vào đầu giờ sáng, với điểm bán chỉ có nhân viên với một chiếc thùng đựng đá, mua nhanh, bán nhanh. 

Phúc Long đang tăng tốc phát triển ki-ốt đặt trong cửa hàng WinMart+ sau khi được Masan rót vốn. Tận dụng hệ thống bán lẻ hơn nghìn cửa hàng đang sở hữu, Masan kỳ vọng sau 1 năm gia nhập thị trường, tức đến năm 2022, có 1.000 ki-ốt bán trà và cà phê Phúc Long. Đến năm 2025, chuỗi thực phẩm và đồ uống này sẽ đóng góp 500 triệu USD vào doanh thu cho tập đoàn. 

Đưa cà phê lên app

Không chỉ chọn cách xuống đường, khi nhận thấy thói quen của người dùng thay đổi vì Covid-19, nhiều "ông lớn" cũng đã thích ứng bằng việc ra mắt cà phê đóng lon, cà phê hòa tan, cà phê pha sẵn… để đáp ứng nhu cầu uống cà phê tại nhà của khách hàng thay vì trực tiếp ra hàng quán.


Cuộc chiến chuỗi cà phê hậu Covid-19: Đại gia tung 'chiêu' mới giành thị trường tỷ USD - Ảnh 4.

Ki-ốt Phúc Long đặt trong cửa hàng WinMart+, tích hợp luôn cả Techcombank - mô hình mới của Masan. Ảnh: P.L.

Chuỗi cà phê Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ sau đợt dịch thứ tư đã nhanh chóng thích ứng ra mắt cà phê pha sẵn, mỗi chai có dung tích 200ml tương đương 2-3 ly cà phê. Khách chỉ cần mua, rót ra và thêm đá để dùng tại nhà mà không mất nhiều thời gian pha chế cũng như không phải đến trực tiếp quán cà phê để thưởng thức.

The Coffee House cũng tung sản phẩm chai cà phê sữa, trà đào, trà sữa pha sẵn sau dịch để phục vụ nhu cầu uống tại nhà. Trong đợt giãn cách xã hội lần thứ tư, thương hiệu này có thêm sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê lon uống liền để tiếp cận khách hàng. Nắm bắt xu hướng làm việc tại nhà (work from home) trong mùa dịch, doanh nghiệp còn giao cà phê tận nhà, theo gói 4-7-15-35 ngày với giá ưu đãi.

Đại diện The Coffee House cho biết trải nghiệm của khách đã bước sang một giai đoạn đặc biệt, thay vì ra quán, nhiều người chọn ngồi tại nhà. Do đó, cái khó là làm thế nào để khách hàng được trải nghiệm cà phê ở nhà như ngồi tại quán.

Highlands Coffee cũng vừa ra mắt ứng dụng (app) riêng để kết nối nhiều hơn với khách hàng, điều mà The Coffee House đã làm trước đó. Thương hiệu này đang có nhiều chương trình khuyến mãi khi đặt qua app. Trong đợt dịch vừa qua, Highlands cũng đã tích cực bắt tay với các ứng dụng giao hàng như Grab, Baemin, Shopee Food, Gojek… để bán cà phê mang đi.


Cuộc chiến chuỗi cà phê hậu Covid-19: Đại gia tung 'chiêu' mới giành thị trường tỷ USD - Ảnh 5.

Mở cửa phục vụ trở lại sau đợt giãn cách thứ tư nhưng nhu cầu mua mang về rất cao, shipper các ứng dụng công nghệ liên tục ghé vào các cửa hàng Highlands, The Coffee House. Ảnh: Hồng Phúc.

Đại diện một thương hiệu cà phê lớn trong cuộc chiến chuỗi cà phê cho rằng cà phê mang về đang là thói quen sau dịch. Do đó, các phương thức như ki-ốt, xe đẩy, cà phê pha sẵn, cà phê đóng lon, đưa sản phẩm lên app, bắt tay với các ứng dụng giao hàng đều đang hướng về sự thay đổi này.

Còn JLL Việt Nam nhận định, trước thói quen thay đổi, các chuỗi cà phê gặp khó khăn về chi phí mặt bằng, nhân viên thì các mô hình mới như ki-ốt và xe lưu động như một cách để thử nghiệm bán các món mang đi. 

Đây là phương án để các đơn vị thử nghiệm ở những thị trường mới cũng như tăng nhận diện thương hiệu, chạm đến được nhiều khách hàng tiềm năng hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem