Cuộc chiến ở Ukraine và vũ khí hạt nhân

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ tư, ngày 26/10/2022 10:47 AM (GMT+7)
Sau rất nhiều năm, trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu, mới lại thấy bàn thảo ồn ào và sôi động về khả năng vũ khí hạt nhân được sử dụng liên quan đến cuộc chiến dai dẳng đã 8 tháng nay ở Ukraine giữa Nga và Ukraine.
Bình luận 0
Cuộc chiến ở Ukraine và vũ khí hạt nhân - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars của Nga. Ảnh: AP.

Sự kiện xảy ra hồi năm 1962 với tên gọi "Cuộc khủng hoảng Cuba" được nhắc lại nhiều và so sánh để dự đoán về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân ở châu Âu. Năm đó, Mỹ và Liên Xô đối đầu căng thẳng nhau về việc Liên Xô triển khai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba, khuấy động nguy cơ bùng phát chiến tranh thế giới lần thứ 3 và hai bên sử dụng đến cả vũ khí hạt nhân. Nhưng rồi Mỹ và Liên Xô đạt được thoả thuận hoá giải.

Cho tới nay, chỉ có Mỹ đã sử dụng vũ khí hạt nhân khi ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8/1945 khi quân đội phát xít Nhật Bản đã không còn có thể tránh khỏi buộc phải đầu hàng.

Câu hỏi về liệu Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine hay không và thậm chí liệu có xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Nga với Phương Tây hay không được đặt ra sau khi Nga tuyên bố sẽ sử dụng "mọi phương tiện có được" để bảo vệ những gì đã đạt được trong cuộc chiến ở Ukraine.

Phương Tây lọc chọn từ tuyên bố này hàm ý của Nga là sẵn sàng sử dụng cả vũ khí hạt nhân khi cần thiết. Chuyện càng thêm ồn ào và thời sự khi tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky kêu gọi Phương Tây đánh đòn phủ đầu nhằm vào Nga để ngăn chặn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân và sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden phát ngôn cho rằng thế giới hiện tại ở gần một cuộc chiến trang hạt nhân như chưa từng thấy kể từ Cuộc khủng hoảng Cuba năm 1962 nói trên.

Chính giới trong EU và Nato vừa cảnh báo Nga về sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ucraine vừa tỏ ra không tin rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Riêng tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Pháp sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân của Pháp nhằm vào Nga trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Ông Macron bị các đồng minh phê trách kịch liệt vì cho rằng tuyên bố nói trên của ông Macron vô hiệu hoá tác dụng răn đe Nga của vũ khí hạt nhân của Pháp.

Mỹ và Anh, hai thành viên còn lại trong khối các nước Phương Tây có vũ khí hạt nhân, đều không biểu lộ quan điểm gì, chỉ mạnh mẽ cảnh báo Nga về sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Nếu chỉ vì cuộc chiến ở Ukraine thì Mỹ, Anh và Pháp sẽ không có chiến tranh hạt nhân với Nga, kể cả khi Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Có ba nguyên do. Thứ nhất, Nga hiện chiến tranh với Ukraine chứ không chiến tranh trực tiếp với Mỹ hay Pháp hoặc Anh. Vì thế, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine theo học thuyết của Nga về vũ khí hạt nhân nhưng sẽ không khiêu chiến tranh hạt nhân với Mỹ hoặc Pháp hay Anh.

Ba nước này không có lý do xác đáng để sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Nga, không dám và không dại gì sử dụng vũ khí của họ nhằm vào Nga chỉ để giúp Ukraine bởi khi ấy sẽ bị Nga trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, mọi hình thức và mức độ sử dụng vũ khí thông thường thôi chứ chưa nói đến vũ khí hạt nhân của họ mà họ dùng để tấn công hay trả đũa Nga đều đưa đến đụng độ vũ trang giữa Nato và Nga, sẽ làm bùng phát chiến tranh giữa Nato và Nga. Đấy chính là kịch bản "Ngày tận thế" đối với tất cả các bên liên quan.

Thứ ba, trong thế giới hiện đại, không sử dụng thì vũ khí hạt nhân mới có công hiệu lớn nhất là răn đe. Hơn nữa, bất kể bên nào sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm mục đích gì đều sẽ vấp phải sự phản đối và lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và đều sẽ bị cô lập trong thế giới hiện đại mà tất cả các cường quốc hạt nhân cần đồng minh và đối tác trên thế giới để tồn tại và phát triển.

Học thuyết về vũ khí hạt nhân của Nga quy định rõ hai trường hợp sử dụng: Khi bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, và khi bị tấn công bằng vũ khí thông thường đến mức sự tồn tại của quốc gia bị đe doạ thật sự. Trường hợp thứ nhất bị loại trừ.

Trường hợp thứ hai cũng bị loại trừ đối với phạm vi lãnh thổ của Nga trước khi sát nhập Crimea và 4 vùng lãnh thổ khác ở Ukraine. Nga đã sát nhập và coi cả 5 vùng trên là lãnh thổ của Nga. Nếu như có ngày quân đội Ukraine với sự hậu thuẫn của Mỹ, EU, Nato và đồng minh về chính trị, tài chính và quân sự thành công với việc giành lại 5 vùng ấy thì Nga sẽ có thể vận dụng trường hợp thứ 2.

Vũ khí hạt nhân có 2 loại là chiến lược và chiến thuật. Loại vũ khí hạt nhân chiến lược được sử dụng riêng cho trường hợp xung đột giữa Nga và Nato. Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại nhỏ hơn với sức huỷ diệt bị hạn chế. Nếu có sử dụng vũ khi hạt nhân ở Ukraine thì Nga sẽ sử dụng loại vũ khí hạt nhân này.

Nhưng gần như không có mục tiêu quân sự cụ thể nào ở Ukraine mà Nga phải dùng đến vũ khí hạt nhân để tiêu diệt, còn sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở vùng giáp biên giới với Ukraine thì Nga không thể tránh khỏi cả lãnh thổ của Nga cũng sẽ có nơi bị nhiễm phóng xạ. 

Hơn nữa, những bên hiện ủng hộ Nga hoặc không bất lợi cho Nga về cuộc chiến tranh ở Ukraine đều sẽ rất khó tiếp tục duy trì quan điểm này nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Vì thế, về lý thuyết thì không thể loại trừ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, nhưng trên thực tế, việc này sẽ không xảy ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem