Triển lãm trưng bày rất nhiều tranh, nhưng tôi đã bị những âm thanh ảo diệu cuốn bước chân, khiến tôi bỏ qua phòng trưng bày những tác phẩm đồ họa để tiến sâu vào trong.
Họa sĩ Vũ Bạch Liên với tác phẩm sắp đặt tại triển lãm
Cuộc triển lãm có một không hai
Thật ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, an nhiên, tự tại của một người phụ nữ với trang phục màu đen ngồi thiền trong tư thế hai tay nâng biểu tượng dấu vân tay ngang ngực, xung quanh là những tác phẩm được thể hiện từ 500 dấu vân tay. Ở đó tỏa ra một trường năng lượng kỳ lạ của chính chủ nhân bức tranh sắp đặt ấy. Hình ảnh, âm nhạc, màu sắc hòa quyện khiến tâm hồn ta như bay thoát khỏi thế giới thực tại đến một cõi khác thật bình yên.
Chị Lê Thị Thủy- một khách tham quan triển lãm cho biết: "Tôi làm trong lĩnh vực sinh trắc vân tay 4 năm nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nhiều vân tay một lúc như thế này. Trong sinh trắc vân tay có điểm delta để đo năng lực của con người, nó giống như điểm cạnh để tạo ra vách ngăn khiến con người bị giới hạn. Tất nhiên cũng có người không có điểm cạnh thì họ dễ dàng khai thác phần tiềm năng ở sâu hơn trong những phần tiềm thức hoặc vô thức của họ. Tôi rất bất ngờ khi tác phẩm đầu tiên của họa sĩ Vũ Bạch Liên có hình một đứa trẻ được đặt đúng vào điểm cạnh một cách ngẫu nhiên. Nhưng sự ngẫu nhiên nào cũng nằm trong sự sắp đặt của vũ trụ nên tôi thấy rất tuyệt vời.
Họa sĩ Vũ Bạch Liên bên trái, chụp ảnh lưu niệm cùng Lê Thị Thủy
Cơ duyên đến với dấu vân tay được họa sĩ Vũ Bạch Liên kể: "Năm 2012 bức tranh “Cuộc đời”, là khởi nguồn đầu tiên cho cảm hứng sau này. Vì là tác phẩm tranh khắc gỗ nên tôi muốn thể hiện một điều gì đó với vân tay, ý niệm ban đầu và thông suốt đấy là cuộc đời. Những tác phẩm thời kỳ đầu như: Cõi, Nhân gian thì mình dùng chính vân tay của mình để biểu đạt tôi chính là cõi, tôi chính là mặt trời, là không khí, trái đất, nó bao phủ hoàn toàn và có tính áp đặt. Sự bao trùm cái tôi rất lớn và ngay cả nhân gian cũng chính là tôi và tôi cũng chính là nhân gian. Sau này một số tác phẩm và nhất là tác phẩm “cuộc sống” là hành trình của việc sưu tập những dấu vân tay. Chỉ riêng tác phẩm sắp đặt thì con số đã lên đến gần 500 dấu vân tay mà mọi người tặng để thực hiện tác phẩm".
Cũng theo họa sĩ Vũ Bạch Liên, để thực hiện tác phẩm sắp đặt này, lúc đầu chị định tìm đến nhạc tibet của Tây Tạng, nhạc Phật giáo, rồi âm nhạc của những tôn giáo khác nhau và cả những style khác nhau, nhưng rồi chị đã quyết định chọn những âm thanh chuyển động của vũ trụ, của những tinh cầu. Chị cho rằng: "Khi nghe những âm thanh chuyển động, nếu như bạn là người yêu Phật giáo bạn sẽ thấy nó có sự tĩnh tại bởi nét nhạc gần với đạo Phật, Nếu bạn yêu Thiên Chúa bạn cũng sẽ cảm nhận được ở đó là sự an lành thánh thiện ... khi công chúng bước vào không gian sắp đặt, họ được tương tác và hòa vào tác phẩm, họ lắng nghe, xem, ngắm, mỉm cười, thậm chí đau khổ, họ khóc... tất cả trở thành một phần của tác phẩm".
Nghệ thuật là sự sáng tạo không ngưng nghỉ
Xuất phát từ một họa sĩ đồ họa tranh in, nhưng hình như kích thước không làm Vũ Bạch Liên thấy thỏa mãn ý tưởng xây dựng hình tượng nghệ thuật.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp, Chủ tịch Hội đồng Đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam từng nhận xét: "Ngay tên gọi của 2 triển lãm cũng đã nói lên sự khác biệt - đó là sự thay đổi cách nhìn thế giới, nhân sinh quan của một người phụ nữ với cá tính mạnh mẽ. “Tự nhìn” là cái nhìn vào bên trong chính tác giả với những lo âu về sự tồn tại của cá nhân. Nhưng đi đến “cuộc đời” họa sĩ đã tự tin hơn với sự chiêm nghiệm cái “tôi” và “chúng ta”. Bình tĩnh nhìn vào cuộc sống rộng lớn không chỉ một cộng đồng nhỏ bé, chị còn giám suy nghĩ mối quan hệ tương hỗ lớn hơn về con người và vũ trụ, thiên hà như trong nhiều tác phẩm mới xoay quanh ý tưởng, khái niệm những dấu vân tay".
Thật khó để phân đặt Vũ Bạch Liên vào một chủ nghĩa nào đấy, bởi họa sĩ sáng tác bằng rất nhiều cảm xúc và tìm ngôn ngữ, hình tượng hợp lý nhất để biểu đạt tình cảm chân thành và suy nghĩ triết lý về cuộc sống; sự tồn tại và tàn lụi của vật chất như thuyết âm dương, như vòng tuần hoàn của cuộc đời. Có lẽ sự biến thể của hiện thực tượng trưng và tượng trưng lãng mạn đã đến như một tất yếu tự nhiên gắn kết liền mạch các giai đoạn sáng tác của nữ họa sĩ.
Dự án “Cuộc đời” mà nghệ sĩ Vũ Bạch Liên dấn thân, dường như là một tham vọng khát khao để trả lời cho câu hỏi “Vì sao...?” Vũ Bạch Liên muôn trải nghiệm cảm giác phong phú của cuộc đời mà chị cảm, nhìn, nghe thông qua những con người mà chị gặp trong cuộc đời này. Những dấu vân tay theo nghệ sĩ là biểu hiện sinh động nhất về tính độc đáo riêng biệt của mỗi người.
Mỗi một dấu vân tay là sự sắp đặt của tạo hóa nhưng qua thủ pháp thể hiện của họa sĩ cho người xem cảm nhận được sự liên kết với mỗi số phận của con người trong vũ trụ bao la rộng lớn, và trên hết đó là sự tồn tại và phát triển của sự sống trên trái đất còn nhiều điều bí ẩn mà người nghệ sĩ với linh cảm trực giác của mình khát khao đi tìm vẻ đẹp chân thiện mỹ.
Biểu tượng vân tay như một hình tượng nghệ thuật
Theo các nhà nghiên cứu thì sinh trắc vân tay trùng là khoảng 1/84 tỷ người. Tuy nhiên, thế giới mới chỉ có 8 tỷ người nên sẽ không có sự trùng lặp dấu vân tay. Mặc dù có những cặp song sinh nhìn vẻ bề ngoài giống hệt nhau, nhưng sinh trắc vân tay hoàn toàn khác nhau. Để thực hiện được việc xin dấu vân tay, họa sĩ Vũ Bạch Liên đã phải viết một dự án, rồi đi thuyết phục mọi người. Việc thuyết phục cũng gặp không ít khó khăn, phải thuyết trình nhiều đến nỗi bị xơ dây thanh quản, khan tiếng.
Khi làm việc với vân tay, mình coi như một biểu hiện sống động về tính cá nhân, sự riêng biệt, thú vị từ sự khác biệt. Nếu một tác phẩm hay, nó có thể được sao chép, như vậy người ta không tôn trọng cái tôi cá nhân, bởi chỉ có cái độc, tính riêng biệt mới làm nên thành công - đó là con người duy nhất - Họa sĩ Vũ Bạch Liên |
Vân tay thực sự rất là riêng tư, nó là một phần bảo mật của con người. Người ta cho vân tay nghĩa là người ta đã tin tưởng vào nghệ sĩ, yêu thương và trân trọng nghệ thuật mà người nghệ sĩ theo đuổi. Người ta dùng bí mật riêng tư để trao tặng cho người nghệ sĩ, thì đó là điều tuyệt vời, bởi đến với một người hay một nhóm người hay chị lao công, anh uber, grab... thì ở đó ẩn chứa những câu chuyện thú vị.
Họa sĩ Bạch Liên nhớ lại: "Có lần đi grab, câu chuyện giữa tôi và thư ký lọt vào tai của người tài xế, anh ấy nói: Không biết 2 chị em làm gì nhưng tôi nghĩ câu chuyện của 2 chị em hay quá vậy thì tôi có thể tặng cho 2 chị em một dấu vân tay. Và chúng tôi thốt lên thật tuyệt vời. Trên đường trở về, sẵn mực, giấy, chúng tôi dừng lại bên đường, anh lái xe ngoái lại cho chúng tôi dấu vân tay. Đấy là tình cảm hết sức đặc biệt. Hay lần đến tiếp xúc với một chị lao công, chị ấy kể chị khổ lắm, chị không quan tâm đến nghệ thuật, đi làm vất vả cực nhọc cũng là để lo cho chồng, cho con cho bố mẹ hai bên. Chị chẳng biết nghệ thuật là cái gì... thế nhưng khi nghe câu chuyện của tôi chị thốt lên ngỡ ngàng, hóa ra vân tay của chị cũng có giá trị. Câu chuyện dấu vân tay đã thức tỉnh và ngay ngày hôm sau chị ấy có những suy nghĩ khác, biết yêu mình và yêu cuộc sống hơn.
Đem nghệ thuật đến với mọi người bằng biểu tượng vân tay chính là cách làm cho mọi người thức tỉnh tình thương yêu và từ đó người ta làm những điều tốt đẹp hơn. Họa sĩ Vũ Bạch Liên cho biết: Tác phẩm “Cuộc sống của tôi” là những dấu vân tay của các lãnh đạo (VIP), thế nhưng tôi cũng đi xin cả những người ở tầng lớp những người lao động bình thường, bởi chính sự đa dạng của cuộc đời mới làm nên con người chứ không phải sự cao sang sẽ làm nên con người cao sang. Và trong tác phẩm có rất nhiều dấu vân tay, nhiều VIP ký tặng ở đằng sau, tôi cũng khuyến cáo có thể ai đó biết về sự riêng tư, làm ảnh hưởng đến mọi người, nhưng họ vẫn ký tặng thì đấy là một điều tuyệt. Sau này tôi và kể cả người cho vân tay cũng trở về cát bụi nhưng chúng tôi đã tồn tại cùng nhau theo cách đó và tác phẩm còn mãi.
Không chỉ tin mình mà phải biết tin người
Vốn sinh ở cung Xử Nữ nên mọi chuyện đối với Bạch Liên đều rất cầu toàn nên giao ai viêc gì cũng phải kiểm tra tận nơi. Chị bảo, trước đây mình chỉ tin chính mình, giờ phải đặt niềm tin vào mọi người. Tiếp cận với dấu vân tay, mình học được niềm tin. Trong những câu chuyện lấy dấu vân tay, mình từng bị từ chối, có người gay gắt nói không vì sợ mình làm chuyện phi pháp. Có người nói, chị làm nghệ thuật, ít nữa chị nổi tiếng thì sao? Có những nhóm người nước ngoài khi mình tiếp xúc họ cũng nói không, vân tay là bảo mật cá nhân, ở đó là ngân hàng, là tiền, là con cái, dấu vết của bản thân...Không sao cả, tôi vẫn kiên trì và đến giờ tôi cũng không thể nhớ mình có được bao nhiêu dấu vân tay. Nhưng cũng phải thú thật, những dấu vân tay này đều đã được chỉnh sửa đi một chút để bớt đi những đặc điểm nhạy cảm.
Trò chuyện cùng họa sĩ Bạch Liên thú vị đến mức đã quá nửa trưa mà câu chuyện chẳng muốn dừng vì ở chị tỏa ra một trường năng lượng cực mạnh. Chị tâm sự: "Tôi nhiều mơ ước lắm, càng làm càng thú vị. Nó thú vị tới mức mỗi buổi sáng tỉnh giấc chỉ nghĩ thôi đã tủm tỉm cười rồi. Đấy là điều may mắn và hạnh phúc khi có được ước mơ, có quyền ước mơ và hơn thế ước mơ lại được xây đắp bởi tình cảm của rất nhiều người. Họ đến, lắng nghe, tin tưởng nhiều hơn vào nghệ sĩ. Tương lai mình sẽ đến với một tác phẩm lớn hơn, chất liệu khác hơn bởi đồ họa cũng chưa thỏa mãn mình. Ngay cả nghệ thuật đương đại với trình diễn sắp đặt cũng vậy. Có thể mình sẽ chuyển sang thể nghiệm ở lĩnh vực điêu khắc, video art... một cái gì đó chưa biết nhưng đầy hào hứng".
"Cũng giống như người viết văn, viết một câu nhưng hàm chứa nhiều ý, chứ không phải nói nhiều nhưng cũng chỉ diễn tả một ý thì rất chán. Nghệ thuật cũng vậy, hãy đến bằng tất cả sự chân thành, giản dị nhất, nhưng sự thanh bạch, trong trẻo đó sẽ đi sâu vào trái tim con người chứ không phải cái gì quá mạnh mẽ, to lớn, xù xì thì bạn sẽ không để “đâm” được vào trái tim của ai hết. Nghệ thuật có đôi khi đem đến cho người ta cả nỗi đau, vì thế tôi dung từ “đâm”. Nghệ thuật cũng có thể là sự xoa dịu nên nó đi sâu vào trái tim con người. Nhưng dù là cách nào thì hãy làm thật đơn giản, thật trong trẻo và thanh khiết" - Họa sĩ Vũ Bạch Liên.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.