Cuộc “kiểm kê” bản sắc văn hoá dân tộc

Thứ năm, ngày 11/08/2011 08:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tháng 11 tới, tại Hà Nội sẽ diễn ra một cuộc trình diễn trang phục lễ hội và sinh hoạt thường ngày quy mô quốc gia đầu tiên của Việt Nam với sự tham gia của 54 dân tộc.
Bình luận 0

Phóng viên đã trò chuyện với ông Chu Tuấn Thanh - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền của Ủy ban Dân tộc về sự kiện này.

Thưa ông, chưa bao giờ tại VN có một sự kiện quy mô như thế này. Ý tưởng tổ chức cuộc trình diễn này là của ai?

- Đó là nhiệm vụ mà đồng chí Nguyễn Sinh Hùng- Chủ tịch Quốc hội đã giao cho Uỷ ban Dân tộc hồi tháng 5.2010, khi đồng chí còn là Phó Thủ tướng thường trực. Từ khi chúng tôi nhận nhiệm vụ thì việc xây dựng đề án đã được tiến hành rồi gửi đi lấy ý kiến đóng góp của các ban, ngành, các địa phương, đến ngày 27.5.2011 thì Chính phủ phê duyệt đề án.

img
Trang phục truyền thống của các thiếu nữ dân tộc Mông.

Hiện nay, tại các địa phương, công việc tuyển chọn người tham gia trình diễn đang được tiến hành và phải kết thúc vào trước ngày 25.9 để trung tuần tháng 11, sự kiện này sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

img
Ông Chu Tuấn Thanh

Trong quá trình xây dựng đề án, chắc chắn Uỷ ban Dân tộc đã nhận được nhiều góp ý của địa phương, ông thấy thú vị với những ý kiến nào nhất?

- Tất cả các địa phương đều hết sức ủng hộ ý tưởng này. Họ cho rằng đây không chỉ là một cuộc trình diễn trang phục đơn thuần mà là một cuộc “kiểm kê” bản sắc văn hoá các dân tộc, xem cái gì còn, cái gì mất.

Đây là việc làm hết sức cần thiết bởi không thể phủ nhận một điều: Trang phục dân tộc chính là dấu hiệu đầu tiên và nhanh nhất để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, giữ được trang phục truyền thống chính là giữ được hồn cốt, bản sắc của cả một tộc người.

Trong thời điểm này, sự giao thoa văn hoá đang diễn ra mạnh mẽ, theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, ít nhất đã có 5 dân tộc không còn giữ được trang phục truyền thống của mình là người Xinh Mun, Pu Péo, Sila, Cống và người Rục.

Vậy đến với cuộc trình diễn này, các dân tộc đó phải làm thế nào?

- Không có cách nào khác là họ phải đến Bảo tàng Các dân tộc VN tại Thái Nguyên để mượn trang phục gốc đang lưu giữ tại đây và may lại giống như thế. Tiêu chí đầu tiên của cuộc trình diễn này là tất cả các bộ trang phục phải là trang phục gốc, không chấp nhận trang phục cách tân và phải do chính người dân tộc đó trình diễn. Mỗi dân tộc sẽ được trình diễn 2 bộ: Một bộ trang phục lễ hội và một bộ trang phục sinh hoạt thường ngày.

Việt Nam có 54 dân tộc, có những dân tộc sống ở rất nhiều tỉnh, vậy phải làm thế nào để tất cả các dân tộc đều có đại diện đi trình diễn?

- Chúng tôi không phân bổ đồng đều mà sẽ chọn tỉnh nào có nhiều dân tộc thì người tham gia trình diễn của tỉnh đó sẽ đông hơn. Ví dụ đông nhất là đoàn Lào Cai sẽ có 18 người, Lai Châu 18 người, Hà Giang 16 người và Hà Nội là thủ đô nhưng chỉ có 2 dân tộc được trình diễn là người Kinh và người Mường.

Nhiều tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên… chỉ có 1 dân tộc được trình diễn là người Kinh. Dự kiến, tổng số người trình diễn là 252, thật ra nếu làm cụ thể hơn thì số người trình diễn phải lên tới hàng ngàn vì các dân tộc như dân tộc Dao, Nùng đã có tới 9 ngành nhưng không có đủ kinh phí nên chúng tôi đành chịu.

Xin ông có thể cho biết kinh phí của cuộc trình diễn này là bao nhiêu?

- Dự kiến, tổng kinh phí cho cuộc trình diễn này vào khoảng 10 tỷ đồng, trong đó kinh phí xã hội hoá chiếm khoảng 80%, ngân sách Nhà nước sẽ bỏ ra phần còn lại. Các địa phương đều mong muốn ở mỗi tỉnh đều có một cuộc trình diễn nhưng do kinh phí có hạn nên chỉ có thể tổ chức tuyển chọn người trình diễn.

Dự kiến, cuộc trình diễn trang phục 54 dân tộc VN sẽ diễn ra tại Làng văn hoá các dân tộc VN (Đồng Mô, Hà Nội). Lần đầu tiên, đại diện của 54 dân tộc sẽ lên sân khấu trình diễn vẻ đẹp trang phục truyền thống của mình. Tiêu chí tuyển chọn người trình diễn: Là công dân VN, độ tuổi 18-40 và phải có hiểu biết sâu sắc về bộ trang phục của dân tộc mình.

Nhiều người băn khoăn về việc đây là một cuộc trình diễn nhưng có trao giải, vậy Ban tổ chức sẽ trao giải theo tiêu chí nào, bởi mỗi dân tộc đều có một niềm tự hào rất chính đáng về trang phục của dân tộc mình?

- Vì không phải là cuộc thi nên chúng tôi không có Ban giám khảo mà chỉ có Hội đồng thẩm định gồm các nhà dân tộc học, nhà thiết kế thời trang, nhà văn hoá, nghệ nhân, các nghệ sĩ nổi tiếng… cùng tham gia. Giải cao nhất của cuộc trình diễn là giải xuất sắc thì chắc chắn sẽ có 54 giải, dân tộc nào cũng có giải này bởi trên thực tế, chúng ta không thể phân định trang phục của người Kinh đẹp hơn người Tày, người Nùng hay không đẹp bằng trang phục người Dao, người Khmer… Các giải tiếp theo A, B, C và khuyến khích là đánh giá phong cách trình diễn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem