Cuộc sống mới trên đồng Chó Ngáp

Thứ tư, ngày 01/01/2014 06:56 AM (GMT+7)
Trước đây, đồng Chó Ngáp là vùng hẻo lánh giáp ranh 3 tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Hồi ấy nước thì nhiễm phèn, còn đất thì chỉ có cây năn và cỏ dại mới sống nổi, đến mức con chó đi ngang đây cũng phải ngáp...
Bình luận 0
Nhưng bây giờ, nhiều nông dân đã chinh phục được “vùng đất chết” này.

Trở lại đồng Chó Ngáp

Đồng Chó Ngáp hiện nằm ở hai huyện Hồng Dân, và Phước Long tỉnh Bạc Liêu. Những ngày cuối năm 2013, chúng tôi trở lại đây và chứng kiến nhiều sự thay đổi. Tình nguyện làm hướng dẫn viên đưa chúng tôi “dạo đồng” là nhà văn Phan Trung Nghĩa, một người con xứ Bạc Liêu. Nhà văn nói: “Cái câu “Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh” xuất phát từ vùng này. Thời chiến tranh, nghe đến đồng Chó Ngáp là ai cũng sợ bởi cái xứ này đã nghèo nàn còn thêm lạc hậu. Thế mà có ai ngờ đâu vùng đất này lại thay đổi, giàu có như hôm nay…”.

Trẻ em ở đồng Chó Ngáp (Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) đi học.
Trẻ em ở đồng Chó Ngáp (Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) đi học.

Hơn 15 lăm năm trước, tôi theo bạn về ăn đám cưới ở đồng Chó Ngáp. Hồi ấy, đi từ TP.HCM về đến Bạc Liêu phải mất hơn ngày trời. Rồi phải mất thêm một ngày nữa vừa đi xe, vừa đi xuồng máy, lên xuống mấy bận mới đến cái rìa của đồng Chó Ngáp. Vùng này chưa có điện, nên buổi tối buồn hắt hiu… Trong đêm chuẩn bị ngày mai đón dâu năm ấy, tôi ôm đàn guita hát bài Xóm đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Hát mới hơn nửa bài thì nhóm bạn từ TP.HCM xuống với tôi và mấy anh chị họ nhà trai, không cho tôi hát tiếp. Họ nói tiếng hát của tôi làm “tăng đô” nỗi buồn ở vùng quê, vắng lặng u tịch, cô liêu này...

Hôm nay, từ TP.Bạc Liêu chúng tôi đi xe gắn máy vào tận xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân và một số xã ở huyện Phước Long chỉ trong buổi sáng. Từ trung tâm hành chính huyện Phước Long chạy dọc các tuyến kênh, đều có các con đường bê tông vào tận các xã, dài hơn 20km. Nếu hồi trước là nhà tranh vách lá lưa thưa, thì nay những căn nhà tường khang trang mọc lên nhiều ở hai bên bờ kênh. Ấn tượng mạnh với chúng tôi là cái đẹp ở hai bên đường. Nếu mé kênh là những hàng dừa xanh thì bên còn lại là những hàng cây kiểng đắt tiền do người dân trồng, trang trí trước nhà mình. Cái đẹp nhân tạo, mang tính cộng đồng này đã tăng thêm vẻ đẹp thanh bình của làng quê yên ả...

Bà Phạm Thị Năm (78 tuổi) ở ấp 9A, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long) được bà con trong ấp “tôn vinh” là gia đình giàu nhất ấp. Bà Năm không nhận mình là giàu có nhưng bà khẳng định là gia đình bà biết vượt qua khổ cực, vươn lên... Bên ấm trà chiều, bà Năm tâm sự: Tuổi thơ bà cực khổ trên cánh đồng Chó Ngáp này, bởi vùng đất này chỉ có nước phèn và cây năn mới sống nổi. Nhờ vợ chồng bà đồng tâm hiệp lực nên đến bây giờ đã có cơ ngơi bề thế, nhiều đất đai. Bà Năm có 7 người con đều thành đạt, hiện cất nhà ở xung quanh nhà bố mẹ và cũng làm nghề nuôi tôm, trồng lúa. Dẫn chúng tôi đi xem cơ ngơi bà nói: “Hồi ấy vùng này không có lối đi nhưng bây giờ thì đường bê tông về tận nhà. Giá mà ông nhà tui còn sống để ổng chứng kiến sự đổi thay của quê nhà và thành đạt của mấy đứa con...”.

Thăm ấp nhà lầu

Thấy khách đến thăm nhà, Tám Tưởng (Phan Văn Tưởng, 45 tuổi, ở ấp Nhà Lầu, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) tay cầm mấy con cá lóc đồng chạy từ vuông tôm về thúc vợ làm ngay, rồi nấu cơm mẻ để đãi khách lai rai “gụ đế”.

Tám Tưởng khoe: “Gia đình tui vào đây lập nghiệp hơn 15 năm hiện có hơn 8ha nuôi tôm. Căn nhà lầu này tui xây hơn cả tỷ bạc từ tiền bán tôm. Thằng con trai lớn đang học bác sĩ ở Cần Thơ, năm tới ra trường. Đứa con gái út năm nay 19 tuổi đang học đại học luật ở Sài Gòn. Thằng con tui nó ước nguyện mai mốt ra trường nó sẽ về đây làm bác sĩ trị bệnh cho bà con khỏi phải đi xa...”. Tám Tưởng cũng là tay chơi cây kiểng và trước nhà anh, có hàng kiểng trị giá mấy chục triệu đồng…

Người làm chúng tôi bất ngờ và thán phục nghị lực vươn lên chính là ông Dư Hoàng Lục - Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi. Ông Lục là người Khmer, sinh ra và lớn lên trên cánh đồng Chó Ngáp này. Ông Lục nhớ lại: “Tuổi thơ tôi sống trên cánh đồng này, do đồng rộng lớn nên các ông chủ giàu có từ vùng khác đưa trâu về đây thả. Hồi nhỏ, một buổi đi học, một buổi tôi đi chăn trâu thuê để kiếm cơm ăn. Còn bây giờ thì vùng đất rất trù phú, nuôi tôm hiệu quả rất cao…”. Ông Lục cho biết thêm, nhờ học đến nơi đến chốn nên ông đã cưới được người vợ dân Hà Nội gốc. Vợ chồng ông hiện nay có 2 con và kinh tế gia đình thu nhập cao cũng là nhờ nuôi tôm.

Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ dân thuộc và hàng triệu phú trong ấp Nhà Lầu, ông Lục thông tin: “Ở đây rất nhiều hộ có cuộc sống sung túc, làm ăn có dư nên họ xây nhà lầu. Chục năm trước, vùng này ít nhà lầu nên khi thấy nhiều gia đình xây nhà lầu nên bà con gọi ấp nhà lầu. Gọi riết rồi quen miệng và trở thành tên hành chính ấp Nhà Lầu 1, ấp Nhà Lầu 2…”.

Dấu ấn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đầu tiên phát động phong trào nuôi tôm và làm giàu ngay trên cánh đồng Chó Ngáp này là ông Nguyễn Văn Hải (58 tuổi), hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thạnh Lợi.

Thú chơi cây cảnh
Anh Đặng Văn Lương nhà ở ấp 8 A, xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long) hồ hởi: Nhờ cuộc sống sung túc nên thú chơi cây kiểng ở đồng Chó Ngáp này thịnh hành từ hơn chục năm qua. Hầu hết người dân miệt sông nước này đều mê chăm sóc cây kiểng. Đơn giản vì nó là một nghệ thuật chơi rất tao nhã trong những lúc nhàn rỗi. Việc này thể hiện nếp sống văn minh hơn, bởi ngày xưa trong lúc nhàn rỗi tụi tui chỉ biết nhậu…”.

Ông Hải cho biết, hơn 20 năm trước, ông về đây làm cán bộ khuyến nông. Thời ấy vùng này hoang sơ và bà con sống vùng này sống gian truân, cực khổ. Nhờ có dự án khai thông các tuyến kênh quản lộ Phụng Hiệp dẫn nước ngọt từ sông Hậu về, làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng hơn 20 năm trước, đã biến “vùng đất chết” này thành vùng đất trù phú như hôm nay. Nhờ khai thông các tuyến kênh, nên nước phèn từ cánh đồng Chó Ngáp bí hàng trăm năm trước được xả ra khiến việc nuôi tôm, trồng lúa xen canh thành đạt hơn nơi khác. Ông Hải cho biết thêm, gia đình ông đang có 2ha nuôi tôm, trừ các chi phí thì còn bỏ túi hơn 100 triệu đồng/năm.

Trong những ngày “rong chơi” trên đồng Chó Ngáp, chúng tôi tình cờ gặp được cô Lê Thị Bé Sáu (SN 1988) vừa tốt nghiệp đại học ngành ngữ văn. Hỏi cô sao không ở lại thành phố làm việc cho phù hợp với ngành mình học, Bé Sáu trả lời: “Em về đây công tác là muốn thông tin quê hương mình cho nhiều người biết hơn nữa. Điều quan trọng nhất là em cũng yêu cánh đồng Chó Ngáp, vùng đất mà em sinh ra rồi lớn lên. Cái mùi phèn của đất, cái mùi thơm của hương lúa chín như đã ngấm vào cơ thể, nên em cảm thấy cuộc sống mình không thể thiếu nó…”.

Bé Sáu hiện là hướng dẫn viên của Khu Di tích lịch sử Tỉnh ủy Bạc Liêu xây dựng ngay trên đồng Chó Ngáp. Nơi này ngày xưa, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt… có nhiều năm nằm hầm bí mật để lãnh đạo, chỉ huy nhân dân ta chống giặc ngoại xâm.

Bùi Phụ (Bùi Phụ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem